Thứ bảy, 22/06/2024 14:00 (GMT+7)

Đó là những vấn đề thẩm mỹ khó chịu mà teen hay gặp phải. Trong hè này, tập trung chăm sóc da sau nặn mụn, cải thiện môi khô thôi.

Chăm sóc da sau nặn mụn, cải thiện môi khô- Ảnh 1.

Sau khi trị mụn, teen cần chăm sóc da kỹ lưỡng - TRANH MINH HỌA TẠO BỞI AI

Hỏi: Sau khi mình nặn mụn, nhân mụn hơi to nên để lại hố sâu hoắm, nhìn rất mất thẩm mỹ. Có cách nào lấp nhanh hố mụn này và chăm sóc da sau nặn mụn không ạ?

Thu Uyên (quận Bình Tân, TP.HCM)

Đáp: Cơ thể sẽ xoay xở san lấp cái hố này bằng collagen. Tùy vật liệu đủ thiếu mà chủ nhân sẽ nhận được sẹo lõm hay lồi. Đây là việc của cơ thể, có phần may rủi.

Khi mới nặn mụn xong, việc của cô cậu chủ là chăm sóc tốt, làm dịu, tránh nhiễm trùng cho vết thương là đủ. Bạn vệ sinh da (nước muối sinh lý, sát khuẩn nhẹ), kiêng chạm tay bẩn, ngưng trang điểm tối thiểu 24 giờ, chườm đá (giảm sưng), dưỡng ẩm (dịu nhẹ, không dầu), kem chống nắng (>SPF 30) và bổ sung collagen (thực phẩm).

Hỏi: Môi mình vẫn bị khô, bong tróc dù uống nước siêu nhiều, híc híc?

Bảo Hà (Châu Thành, Tiền Giang)

Đáp: Môi khô không phải lúc nào cũng do thiếu nước. Dù vậy, để đối phó môi khô thì uống đủ nước vẫn là việc hàng đầu. Tiếp theo với phác đồ dưỡng môi, bạn có thể thoa dầu dừa, dầu ô liu, sáp ong lên môi. Khi ra gió lạnh khô thì mang khẩu trang, khăn choàng, son SPF. Bạn tạo độ ẩm cho môi bằng việc hạn chế máy lạnh, tạo độ ẩm phòng...

Ngoài ra cũng cần để ý dị ứng (son môi, dưỡng da, kem đánh răng), hóa chất (cồn, thuốc lá, khói thuốc, thực phẩm), tác dụng phụ của thuốc (lợi tiểu, trầm cảm), bệnh nếu có (viêm da cơ địa, tuyến giáp, tiểu đường...) và bớt liếm môi.

Hỏi: Mình cố gắng uống đủ 2 lít nước mỗi ngày theo lời khuyên của các chuyên gia. Tuy nhiên, mình cứ đi tiểu liên hồi, làm sao đây?

Thu Thủy (Tân An, Long An)

Đáp: Uống nhiều sinh tiểu nhiều là tự nhiên. Tuy vậy cần để mắt thêm kẻ đứng sau. Theo đó, ngoài giới hạn chất lỏng (nước uống, hoa quả, thức ăn lỏng) thì cần cảnh giác thêm vấn đề lợi tiểu (thuốc lợi tiểu, cà phê, trà), kích thích bàng quang (bớt ăn cay, chua, nước ngọt có ga), táo bón (giảm áp lực bàng quang), huấn luyện bàng quang (kéo dài giữa hai lần tiểu, tiểu đúng giờ) và chế ngự căng thẳng...

Ở trên là những nguyên do lành tính. Ngoài ra, tiểu nhiều có thể còn do tiết niệu bị “ốm”, tiểu đường, bất ổn tiền liệt tuyến (nam)... Đa phần “kiếp nạn” vào ra toilet “như con thoi” chỉ cần xử lý những vấn đề trên là ổn.

Hỏi: Kỳ kinh của mình kéo dài, mình cứ bị đau bụng mãi, phải uống thuốc giảm đau liên tục. Mình lo như vậy sẽ bị lờn thuốc, phải tăng thêm liều?

Thu Quỳnh (quận 3, TP.HCM)

Đáp: Thuốc giảm đau có tác dụng trong hội chứng tiền kinh nguyệt thường là paracetamol, ibuprofen, naproxen, codeine. Thế nên để xét việc chúng bị lờn không phải tính theo từng loại. Dù vậy, paracetamol vẫn là thuốc giảm đau “quốc dân”, xứng làm đại diện cho cả hội.

Cơ bản thì paracetamol không phải kháng sinh, không “có việc” với vi khuẩn, nên không lo lờn thuốc, mà thứ phải lo là trúng độc. Quá liều paracetamol gây tổn thương gan, nặng phải ghép gan mới sống được.

Như vậy, trường hợp phải uống paraceramol như ăn cơm, ngoài giữ gìn liều lượng, nếu cần nên “đổi tay” sang các loại thuốc cùng gia hội, và việc này cần y lệnh của bác sĩ.

Hỏi: Mình bị ngứa vùng nhạy cảm, vừa khó chịu vừa xấu hổ vì hay phải lén xoa dịu cơn ngứa. Mình tắm rửa, vệ sinh kỹ mà sao vẫn không thoát?

Thu Giang (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Đáp: Ngứa vùng kín phải xét phát khởi từ bên ngoài (da, lông) hay từ trong (âm hộ, âm đạo). Ngứa luôn là sản phẩm của kém vệ sinh nhưng lắm khi không phải lỗi chính.

Giữ sạch vùng kín có thể chưa đủ mà còn để ý đến nấm sinh dục (candida), viêm nhiễm (viêm âm đạo, tuyến bartholin/tiết nhờn), dị ứng/kích ứng (sản phẩm vệ sinh phụ nữ, xà phòng, đồ lót...), da khô (mùa lạnh) và hẳn nhiên bệnh da liễu (chàm, eczema, viêm da cơ địa...).

Như vậy việc tắm rửa kỹ “đến từng cen-ti-mét vuông mà vẫn ngứa có thể coi là cái cớ để mở rộng “điều tra”. Bạn nên xem lại danh sách đen trên, hoặc hỏi bác sĩ chuyên khoa. Thêm nữa là “team ngứa” không do “ở dơ” thường kèm những quấy rầy khác như khí hư, mùi nặng, màu lạ chứ ít khi chỉ có cơn ngứa hoành hành.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: