Thứ sáu, 10/05/2024 12:01 (GMT+7)

Vừa bước chân vào nhà, chưa kịp nghỉ ngơi, M (lớp 6, TP.Thủ Đức) đã nghe giọng chị hai lanh lảnh: 'Nhỏ kia, mau đi dọn dẹp phòng. Làm gì suốt ngày bày bừa để người khác dọn là sao?'.

Chị em mình là một gia đình- Ảnh 1.

Tranh minh họa được thực hiện bởi AI

Sơ hở là cãi nhau

Trời đang nóng hầm hập, lại bị chị hai cằn nhằn khiến M bốc hỏa. Bạn cũng đáp trả và kể ra hàng loạt tật xấu của chị hai, nào là ngủ dậy muộn, làm biếng rửa chén…

Hai chị em cứ xa xả nói qua nói lại khiến mẹ bực bội hét lên: “Hai đứa có im đi không? Chuyện nhỏ xíu vậy cũng cãi nhau”. Mới nghe chữ “chuyện nhỏ”, chị hai và M lại không đồng tình. Cả hai đòi mẹ phải phân xử cho công bằng ai có lỗi, ai không.

Mà hai chị em lời qua tiếng lại là chuyện thường ngày ở nhà. Điều này khiến ba mẹ nhức đầu, mệt mỏi. Những mâu thuẫn, bất đồng xảy ra từ nhiều việc cỏn con. 

Nào là ba mẹ dặn chị hai cho M ăn 1 chén cơm (do M đang béo phì). M đói, xin ăn thêm một chút nữa thôi, chị hai quát, còn M gào khóc. Hay như chị hai dạy, M mất tập trung, không hiểu bài và hỏi lại. Vậy mà chị hai la M té tát. M ngúc ngắc không thèm học.

Người chọc, người cộc

Chuyện anh chị em cùng một nhà chí chóe cãi nhau suốt ngày còn xảy ra ở nhà bạn H (lớp 7, TP.Thủ Đức).

H là anh hai, còn em trai nhỏ hơn 4 tuổi. H thích chọc ghẹo, trong khi em trai dễ quạu quọ, cáu bẳn.

Em đang ăn, H giả bộ đứng kế bên nôn ọe hoặc nói những từ ngữ mất vệ sinh. Em tức chạy đi méc mẹ. H ngơ ngác phân trần: “Ủa, con có làm gì đâu?”.

Có khi em đang xem phim, H lạng qua lạng lại trước mặt em, đứng lắc hông, nhảy múa để em khỏi xem. Em không thấy màn hình, gào lên bực bội trong khi H cười ha hả.

Nhưng mà… xa nhau thì nhớ

Khi hỏi chị M sao mà hai chị em cãi nhau hoài thế, chị M cười cười: “Thấy M tức, chị thấy vui vui”. Cãi nhau chuyện nhỏ chứ lúc M cần chị hai hướng dẫn bài hay hóa trang/trang điểm tham dự lễ hội, văn nghệ…, chị hai đều tỉ mỉ lo cho từng chút. Sinh nhật M, chị cũng tự tay làm bánh, phụ sắp xếp bàn ghế, dọn tiệc đấy thôi.

Còn nhà H chỉ cần nghe nói một trong hai anh em bị bạn ăn hiếp, người còn lại sẽ bực bội. Hay như lúc mẹ la H, em chạy đến năn nỉ mẹ đừng phạt anh hai. Khi có tiền, em trai còn cho H mua bánh ăn nữa.

Cãi nhau thì có cãi nhưng vui thì được chứ đừng để sứt mẻ tình anh chị em không hay nha!

Dễ giận vậy sao?

Chị hai học lớp 9, em gái học lớp 6. Hai đứa cách nhau 3 tuổi nhưng suốt ngày cãi nhau. Nhiều khi có những lý do thật vô duyên khiến cô cũng nhức đầu. Cô mới thấy em gái thỏ thẻ nhờ chị hướng dẫn bài, chị vui vẻ đồng ý. Lát sau, hai đứa đã chí chóe. Nguyên nhân chị hai dạy học, em một mực nói không đúng. Hai đứa giận nhau, mỗi đứa ngồi một góc học, không hỏi nhau nữa.

Mẹ của bạn P (lớp 9, quận 3)

Nghe chuyên gia hòa giải nè!

Làm cách nào để ba mẹ lắng nghe ý kiến của mình khi anh em cãi nhau? Bởi có lúc ba mẹ cứ nói “chuyện của hai anh em thì tự giải quyết”.

(Một bạn nam đang bực mình em trai)

À, có thể vì ba mẹ bạn lúc đó đang bận, không dành thời gian cho bạn được ngay hoặc ba mẹ muốn bạn rèn luyện kỹ năng tự giải quyết vấn đề trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Vì vậy, ba mẹ mới nói: “Chuyện của hai anh em, hai anh em tự giải quyết”.

Bạn cũng đừng vội trách ba mẹ mà hãy bình tĩnh nhìn nhận lại xem lý do hai anh em cãi nhau là gì. Liệu sự việc có trầm trọng đến mức không thể tự giải quyết?

Ngoài ra, bạn tìm cơ hội thích hợp để nói chuyện với em. Đồng thời, bạn cần lắng nghe em chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ để hai anh em hiểu rõ nhau hơn. Bạn hãy tự nhủ rằng đó là em của bạn, có nhường nhịn một chút cũng chỉ thể hiện bạn là một người anh/chị biết yêu em thôi. Điều đó không có gì là thiệt thòi.

Trường hợp bạn và em đã bình tĩnh trao đổi mà vẫn không giải quyết được vấn đề, hãy nói chuyện lại với ba mẹ một lần nữa. Nếu thấy khó có thể nói chuyện trực tiếp, bạn nhắn tin, gửi email, viết thư tay cho ba mẹ. Hoặc bạn có thể nhờ một người lớn nào đó mà bạn tin cậy như ông, bà, cô, chú, anh, chị lớn hơn làm trung gian hòa giải. Chắc chắn, người thân của bạn sẽ không từ chối giúp đỡ hai anh em đâu. Bởi, nếu hai anh em bạn bất hòa thì cả nhà cũng không vui được.

Để anh chị em trong nhà sống hòa thuận và yêu thương nhau, chúng mình cần làm gì?

(L.H, 15 tuổi, TP.HCM)

Anh chị em sống cùng một nhà chắc chắn sẽ có lúc xảy ra xích mích, mâu thuẫn do sự khác biệt về tuổi tác, tính cách, sở thích, thói quen, quan điểm sống của mỗi người.

Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện một số điều sau đây thì mối quan hệ giữa anh chị em trong nhà sẽ luôn hòa thuận và ấm áp.

1. Tôn trọng: Chấp nhận anh/chị/em của mình là họ vốn dĩ như vậy và đối xử với họ theo cách mà mình muốn được đối xử. Bạn không nên phán xét, chê bai, nói xấu, hạ thấp họ. Đồng thời, bạn cần tôn trọng cá tính, sở thích và quan điểm của họ.

2. Lắng nghe sẽ giúp bạn biết được ý kiến, quan điểm, suy nghĩ của anh/chị/em mình. Từ đó, anh chị em sẽ hiểu nhau hơn.

3. Thấu hiểu: Tự đặt mình vào vị trí của anh/ chị/em để hiểu người đó đang nghĩ gì, muốn gì, cần gì, cảm nhận của họ như thế nào. Hãy cho họ biết rằng bạn hiểu những suy nghĩ của họ và luôn sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần.

4. Dành thời gian cho nhau: Cùng nhau vui chơi, làm việc nhà, đọc sách, xem phim, đi dã ngoại, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống để có thêm nhiều kỷ niệm đẹp với nhau.

5. Chăm sóc, giúp đỡ nhau: Thể hiện sự quan tâm, quý mến nhau bằng những hành động thiết thực. Anh chị lớn làm gương, nhường nhịn và giúp đỡ em nhỏ hơn mình.

6. Giải quyết bất đồng theo hướng tích cực: Sẵn sàng tha thứ, bỏ qua cho nhau những lỗi lầm; không kèn cựa, tỵ nạnh, nói xấu sau lưng nhau. Hãy nhớ rằng với bạn bè, bạn có thể “nghỉ chơi”, nhưng anh chị em trong nhà thì mãi mãi là người ruột thịt. Họ là người ở bên bạn những lúc bạn gặp khó khăn, đau ốm, bệnh tật, già yếu, cô đơn...

Bởi thế, hãy trân trọng tình thân đó và yêu thương anh chị em mình một cách vô điều kiện nhé!

Ths. NGUYỄN HẢI ANH - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: