Chuyên đề Giới trẻ sáng tạo với chất Việt - kì 1: Truyền tải nét đẹp truyền thống qua lăng kính trẻ

avatar NAM KHA

Thứ sáu, 14/10/2022 18:37 (GMT+7)

Bằng sự nhiệt huyết và tinh thần sáng tạo, nhiều bạn trẻ đã thực hiện các dự án cải biên, kết hợp công nghệ 4.0 để thổi làn gió mới vào lịch sử - văn hóa, góp phần lan tỏa nét đẹp truyền thống đến cộng đồng.

Đọc truyện Kiều qua góc nhìn gen Z

Dựa theo tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, bạn Võ Nam Du cùng cộng sự đã chọn lọc các câu thơ, vẽ minh họa và thiết kế thành bộ thẻ thông điệp độc đáo. “Ý tưởng về bộ thẻ Tarot Kiều đến ngay khi mình đọc bài viết Triết lý Tarot và Truyện Kiều: Từ ngây thơ đến giới của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu. Nhận thấy cách tiếp cận này khá thú vị, độc đáo, gần gũi với các bạn trẻ nên mình đặt quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực” – Du cho biết.

Bộ thẻ thông điệp vẽ các tình huống, nhân vật trong truyện Kiều và trích dẫn các câu thơ tương ứng.

Từ 22 thẻ ban đầu do thầy Nhật Chiêu biên soạn, Du cùng các bạn đã phát triển nội dung thành 78 thẻ tương ứng với 78 phân cảnh trong tác phẩm.

“Mỗi nhân vật trong truyện đều tức cảnh sinh tình, có nhiều cung bậc cảm xúc giống với người dùng thẻ thông điệp nên tạo được sự gắn kết gần gũi” – Hồ Thảo (thành viên trong nhóm dự án) bật mí. Cùng với nét vẽ theo hướng hiện đại của họa sĩ Tú Ngô, kết hợp hài hòa giữa yếu tố mĩ thuật nhà Nguyễn và tính biểu tượng Tarot phương Tây đã tạo nên dấu ấn cho bộ thẻ.

Được sự ủng hộ nhiệt tình của teen, nhóm vừa ra mắt cuốn sách Truyện Kiều & Tarot với những gợi ý đọc thẻ thông điệp, nghiền ngẫm truyện Kiều theo nhiều hướng khác nhau. Đặc biệt, nhóm còn ra mắt hình thức ebook để các bạn có thể đọc sách ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và mã hoá NFT, đưa lên sàn giao dịch đem đến các giá trị khác cho teen.

Nhóm thực hiện dự án gồm: Hồ Thảo, Tú Ngô và Nam Du.

Sách Truyện Kiều & Tarot

Thoả sức sáng tạo với cải lương thể nghiệm

Cũng lấy truyện Kiều và tâm tư của Nguyễn Du làm chủ đề chính, trong tháng 9/2022, các bạn trẻ đến từ nhóm YUME – Art project cùng tiến sĩ Đào Lê Na (Giảng viên khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP.HCM) đã thực hiện thành công hai đêm diễn vở cải lương thể nghiệm.

“Điều thú vị là tuy vở diễn mang tên Đợi Kiều nhưng xuyên suốt từ đầu đến cuối chỉ có 4 nhân vật: Thuý Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên lần lượt nói về Kiều theo góc nhìn riêng của mình” - cô Lê Na chia sẻ.

Khác với các vở diễn truyền thống, Đợi Kiều không sử dụng cấu trúc ba hồi mà kể chuyện trên sân khấu theo quy luật 4 mùa, thời gian chuyển từ ngày sang đêm, tính cách nhân vật xây dựng dựa trên yếu tố gió - nước - lửa - đất… đem đến góc nhìn mới mẻ cho khán giả.

Từ ý tưởng cải biên thú vị đó, các bạn trẻ trong tổ sản xuất đã tham gia thảo luận tìm kiếm phương án tốt nhất để hỗ trợ cho vở diễn theo sự dàn dựng của đạo diễn. “Bên cạnh việc giới thiệu gương mặt mới là bạn Hồng Bảo Ngọc (quán quân Bông lúa vàng 2019, 19 tuổi), mục đích vở diễn còn muốn thông qua cách cảm nhận và lối trình diễn đầy sáng tạo của một bạn trẻ gen Z về tác phẩm truyện Kiều, về loại hình cải lương truyền thống để tạo sợi dây gắn kết với khán giả trẻ” - bạn Nguyễn Thanh Phương (Giám đốc sản xuất - hiện là sinh viên trường Đại học Hoa Sen) cho biết.

Trong vở diễn còn kết hợp thể loại trình diễn múa bóng - chuyển động đương đại tạo chiều sâu cho vở diễn. Phần âm nhạc cũng được đầu tư bài bản với 16 nhạc công trình diễn trên sân khấu (thường chỉ có 7-8 nhạc công biểu diễn trong một vở diễn), xen kẽ các bài cải lương xưa là những bài được biên soạn mới, có sự hô ứng giữa nhạc cụ phương tây với nhạc cụ Việt Nam như đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm… làm sáng lên nét đẹp của âm nhạc truyền thống.

Cải lương kết hợp với múa bóng - chuyển động đương đại đem đến nhiều bất ngờ cho khán giả.

Bảo Ngọc hoá vai Đạm Tiên trong vở diễn.

Cô Lê Na (áo dài trắng - đứng giữa), bạn Thanh Phương (bìa trái) cùng các thành viên khác trong ê-kíp chụp hình với khán giả.

Người trẻ tản mạn về di sản Việt Nam

Từ niềm yêu thích tìm hiểu các công trình kiến trúc cổ, nhóm bạn trẻ gen Z đến từ nhiều ngành học như: kiến trúc, nhân học, lịch sử, du lịch… ở các trường ĐH khác nhau đã cùng thực hiện dự án Tản mạn kiến trúc (tên tiếng Anh là Architecture Excursions).

“Khi chọn tên dự án, tụi mình nghĩ đến những chuyến dạo chơi khám phá di sản kiến trúc Việt Nam đầy thú vị dành cho mọi lứa tuổi, mọi chuyên ngành. Vì thế các bài viết trên trang fanpage đều được biên soạn theo hướng gần gũi và dễ tiếp cận nhất, kể cả cách trích dẫn, diễn giải tài liệu khoa học cũng được viết đơn giản để mọi người có thể đọc hiểu, cùng thảo luận.

Phần hình ảnh được đầu tư thiết kế tỉ mỉ, bằng cách chỉnh tông màu theo xu hướng, thiết kế infographic… giúp các bạn gen Z có thêm sợi dây liên kết, cảm nhận vẻ đẹp di sản tốt hơn” - bạn Trung Hiếu (trưởng nhóm dự án) chia sẻ.

Các bài viết trên fanpage được thể hiện sinh động, đẹp mắt và dễ hiểu.

Và sau 3 năm triển khai, trang fanpage đã có hơn 45 ngàn người theo dõi, với gần 90% bạn đọc thuộc nhóm tuổi từ 18 – 34 tuổi. Điều này cho thấy mục tiêu truyền cảm hứng của dự án đến các bạn trẻ đã đạt được những thành công nhất định. Không dừng lại ở đó, nhóm còn tiếp tục mở ra các cách tiếp cận di sản khác như: tháng 10/2022, ra mắt tập sách Tản mạn kiến trúc Nam Bộ - biên khảo về không gian nhà ở của người Việt miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20.

Hiếu bật mí: “Thông tin trong sách được dẫn dắt giàu tính kể chuyện, phong phú về tư liệu hình ảnh, đặc biệt là những công trình đặc sắc ít người biết đến, được minh họa bằng các bản vẽ, sơ đồ và bản đồ chi tiết để các bạn ứng dụng trong các dự án nghiên cứu, thiết kế của riêng mình”.

Nhân dịp kỉ niệm 497 năm ngày sinh của Nguyễn triều Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế, nhóm còn làm clip 3D phỏng dựng quần thể Tả Miếu của Đại Nội - khu miếu thờ các hoàng đế triều Nguyễn từ Triệu Tổ, Thái Tổ tới Duệ Tông hoàng đế để teen tìm hiểu di sản một cách trực quan hơn.

Cuốn sách tặng kèm tấm bản đồ phân bố nhà cổ dân dụng tại các tỉnh Nam Bộ do nhóm thực hiện trong quá trình đi điền dã, thu thập tư liệu.

Quét mã QR để xem clip phỏng dựng 3D.

Bên cạnh hoạt động online, nhóm cũng rất sáng tạo khi tổ chức chuỗi workshop Bách Bộ với nhiều chủ đề hấp dẫn như: Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập, Di sản chữ Hán trong kiến trúc, Chợ Lớn – qua đường biên 3 thế kỉ…. Các bạn đưa mọi người đến tham quan các di sản nổi tiếng như: Dinh Thống Nhất - đại diện thời kỳ kiến trúc Hiện đại (Modernism), chùa Giác Lâm - một trong những ngôi chùa cổ nhất tại miền Nam từ thế kỷ 17, có kiến trúc Phật giáo đặc trưng của xứ Đàng Trong,… để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thực tế và tìm hiểu thông tin thực tế tại điểm ít được đề cập trong sách vở.

Bạn Kim Hồng (Q.5) chia sẻ: “Tuy chỉ mới biết đến Tản Mạn Kiến Trúc gần đây và tham gia buổi offline đầu tiên nhưng mình thấy các bạn trong nhóm chia sẻ kiến thức rất lưu loát, hấp dẫn, cho mình cảm giác mọi người không chỉ hiểu rất sâu mà còn có một niềm đam mê, yêu thích với những di sản văn hóa, lịch sử. Chắc chắn mình sẽ tham gia các sự kiện tiếp theo của nhóm”.

Các bạn tham gia workshop nghe thuyết minh tại chùa Giác Lâm (Q.Tân Bình)

Để gặt hái được những thành công hôm nay, các bạn trẻ đã phải vượt qua không ít khó khăn, thử thách trong khi thực hiện dự án và rút ra các bài học kinh nghiệm cho mình. Tất cả sẽ được bật mí trong kì 2: KHÓ KHĂN ĐẾN MẤY CŨNG VƯỢT QUA NGAY!

NAM KHA

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: