Có nên đọc toàn văn các đoạn trích trong sách giáo khoa môn Ngữ văn?

Thứ năm, 09/05/2024 11:56 (GMT+7)

Học môn Ngữ văn, có cần thiết phải tìm đọc toàn bộ các tác phẩm đã được học trích đoạn ở trường không? Cùng tìm câu trả lời nhé!

Có nên đọc toàn văn các đoạn trích trong sách giáo khoa môn Ngữ văn?- Ảnh 1.

Muốn học tốt môn văn, học sinh có cần thiết phải tìm đọc toàn bộ các tác phẩm đã được học trích đoạn ở trường không? - Ảnh minh họa AI

Đọc toàn bộ tác phẩm do hứng thú và muốn tìm hiểu sâu

Bạn Trần Nguyễn Kỳ Duyên (lớp 9A2, Trường THCS Tân Tiến, huyện Củ Chi) - từng đạt giải nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố năm học 2023 - 2024 môn Ngữ văn - chia sẻ: "Khi được học một đoạn trích trong sách giáo khoa, mình có thói quen tìm đọc toàn bộ tác phẩm gốc.

Lý do là vì khi tìm hiểu một văn bản, mình muốn phải thật sự hiểu và nhập tâm vào câu chuyện. Việc đọc toàn bộ tác phẩm thay vì đoạn trích giúp mình hiểu câu chuyện tổng quan, sâu sắc hơn. Từ đó, dễ ghi nhớ những bài học, ý nghĩa mà đoạn trích nói riêng và cả tác phẩm nói chung truyền tải".

Có nên đọc toàn văn các đoạn trích trong sách giáo khoa môn Ngữ văn?- Ảnh 2.

Kỳ Duyên có thói quen tìm đọc toàn bộ tác phẩm khi được học một đoạn trích từ sách giáo khoa - Ảnh: NVCC

Bạn Đào Như Ý (lớp 12A15, Trường THPT Bình Phú, quận 6), giải nhất học sinh giỏi môn văn lớp 12 cấp thành phố năm học 2023 - 2024, cũng có cùng ý kiến.

Ý cho biết: "Có niềm yêu thích đặc biệt với việc đọc, mình luôn đọc lại toàn bộ tác phẩm có chứa các đoạn trích được học. Ngoài ra, việc thi học sinh giỏi cũng yêu cầu mình phải hiểu sâu về bối cảnh, hoàn cảnh của nhân vật. Chỉ khi đọc hết toàn bộ tác phẩm mới giúp mình nắm bắt được hoàn toàn mạch truyện".

Tuy nhiên, cô bạn cũng nói thêm, với các bạn học sinh lớp 12 đang học chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 như mình, việc đọc và học mỗi đoạn trích cũng không phải là không tốt.

Bạn giải thích: "Học kỹ các đoạn trích trong sách giáo khoa giúp các bạn ôn tập trọng tâm hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Đọc cả tác phẩm khá dài, mất nhiều thời gian, nếu kiến thức không vững dễ làm các bạn xa rời nội dung quan trọng, dễ nhầm lẫn trong lúc làm bài".

Mặc dù vậy, Như Ý vẫn khuyến khích các bạn đọc tác phẩm nếu có thời gian rảnh để tích lũy thêm vốn kiến thức văn học.

Ngoài ra, đối với các bạn học sinh lớp 10, 11 học theo chương trình mới (chương trình GDPT 2018), Ý cho rằng việc đọc nhiều là cần thiết - không chỉ đọc tác phẩm có trích đoạn trong sách, mà nên tìm đọc cả những tác phẩm văn học có giá trị ngoài chương trình học. Như vậy mới "tích vốn" được nhiều, tạo lợi thế khi học môn văn. Bởi đề thi, đề kiểm tra không còn gói gọn trong các văn bản thuộc sách giáo khoa như trước.

Không nhất thiết phải đọc toàn bộ tác phẩm mới có thể học tốt môn Ngữ văn!

Bạn Phan Nguyễn Cát Tường (bí thư chi đoàn lớp 11A12, Trường THPT Củ Chi, huyện Củ Chi) - từng đoạt quán quân Hội thi Thủ lĩnh học sinh THPT năm học 2023 - 2024 - lại có ý kiến khác.

Theo Cát Tường, mục tiêu dạy và học môn văn theo chương trình GDPT 2018 là để học sinh phát triển các năng lực chung, như: năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học; biết cách tự chủ, tự học; có năng lực sáng tạo và tự giải quyết vấn đề; phát huy năng lực giao tiếp và hợp tác…

Vì vậy, bạn thường không tìm hiểu sâu thêm các tác phẩm có trích đoạn đã học. Tường chỉ sử dụng đoạn trích như ngữ liệu minh họa để rèn luyện kiến thức, khả năng đọc hiểu và khả năng viết.

Đồng ý kiến với Cát Tường, Vân Anh (lớp 11A1, Trường THPT Trương Định, Tiền Giang) cũng khẳng định: "Mình không thường tìm đọc đầy đủ tác phẩm từ đoạn trích trong sách giáo khoa. Bởi ngoài môn văn, mình còn dành thời gian học các môn khác. Thời gian rảnh, mình phải cân bằng đọc sách tham khảo, tìm hiểu kiến thức của nhiều môn học cùng lúc. Tuy nhiên, mình vẫn sẵn sàng dành thời gian đọc các tác phẩm văn học khi thấy hứng thú".

Có nên đọc toàn văn các đoạn trích trong sách giáo khoa môn Ngữ văn?- Ảnh 3.

Có nên đọc toàn văn các đoạn trích trong sách giáo khoa môn Ngữ văn?- Ảnh 4.

Vân Anh cho biết bạn vẫn có thể làm tốt bài kiểm tra văn cuối học kỳ II nhờ nắm vững kiến thức và các kỹ năng đọc hiểu thể loại, bởi đề kiểm tra hoàn toàn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa - Ảnh: NVCC

Bạn Quang Nguyễn Thiều Quang (cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng, các hệ thống bài học được thiết kế trong sách giáo khoa thỏa yêu cầu nghiêm ngặt về ngữ liệu chương trình Ngữ văn 2018 được quy định.

Các văn bản này sẽ phù hợp với vốn sống, tâm lý tiếp nhận của các bạn học sinh ở từng khối lớp cụ thể, khả năng kết nối nội dung với các văn bản khác cùng chủ đề... Trong khi cả tác phẩm gốc với nội dung rộng thì chưa chắc đảm bảo được các tiêu chí trên. Vì vậy theo Quang, việc đọc toàn bộ tác phẩm đối với học sinh là không quá cần thiết.

Giáo viên nói gì?

Theo cô Trần Thị Kim Nghi (giáo viên dạy môn văn tại một trường THPT tại TP.HCM), các tác phẩm văn học thường có dung lượng lớn. Trong phạm vi sách giáo khoa hoặc phạm vi của 1 - 2 tiết học sẽ không đủ. Đó là lý do tại sao học sinh chỉ học một đoạn trích thay vì toàn bộ tác phẩm.

"Thông thường, các đoạn trích được chọn đưa vào sách là đoạn trích tiêu biểu nhất của tác phẩm, phù hợp để giảng dạy cho học sinh. Trong quá trình dạy, giáo viên phải nhấn mạnh văn bản đang học chỉ là đoạn trích, và trích từ tác phẩm nào. Điều này giúp học sinh tránh hình dung sai, lẫn lộn" - cô Nghi nói thêm về việc nhiều học sinh có dấu hiệu nhầm lẫn tên đoạn trích là tên gốc của tác phẩm.

Thạc sĩ Trần Lê Duy (giảng viên khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP.HCM, đồng tác giả sách giáo khoa Chân trời sáng tạo từ lớp 6 đến lớp 12 - chương trình GDPT 2018) chia sẻ ý kiến: "Ở chương trình mới, vẫn có phần đọc mở rộng để các em có thể đọc toàn bộ tác phẩm. Ngoài ra, các em học là để tích lũy kỹ năng cho mình. Thế nên, nếu trong thời gian ở trường không đọc hết được, về nhà vẫn có thể tìm đọc nếu thấy hứng thú".

Nói cụ thể hơn về việc nên hay không nên đọc, thầy Duy cho rằng trước hết, học sinh cần xác định được mục đích của việc đọc.

Cụ thể, muốn thẩm thấu được tác phẩm thì nhất định phải đọc toàn bộ; đọc để biết thông tin thì có thể đọc lướt, đọc trích đoạn; đọc để học kỹ năng thì chỉ cần đọc đoạn trích thôi vẫn được.

Và quan trọng nhất, học sinh học môn văn là để hình thành và phát triển các kỹ năng, năng lực cần thiết. Không phải đọc thật nhiều để thi, để gia tăng cơ hội "trúng tủ" và giảm tải rủi ro "trúng tủ nhưng lệch ngăn"…

Trong chương trình GDPT 2018, đề thi văn sử dụng các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Hiểu được điều này, các bạn sẽ tự chọn được cho mình cách đọc phù hợp, đúng với mục đích và mong muốn của bản thân.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: