Có nên nói cho ba mẹ biết rắc rối của mình?

Thứ tư, 02/04/2025 14:31 (GMT+7)

Vừa có lịch thi, M.A (lớp 9, TP.HCM) thấp thỏm đứng ngồi không yên.

Có nên nói cho ba mẹ biết rắc rối của mình?- Ảnh 1.

Mình nói ra rắc rối của mình, liệu ba mẹ sẽ thế nào? - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

Ngại nói vì... sợ

Trong các môn học, M.A e ngại nhất môn toán. Điểm số môn này của bạn thường dưới trung bình. Kết quả môn toán gần đây có 2,5 điểm. Việc mất căn bản kiến thức cũ càng làm bạn chới với trong việc tiếp thu kiến thức mới. 

Tuy nhiên, ba bạn khá nghiêm và nóng tính. Bạn ăn chậm, ngồi gù lưng…, ba đều la rầy. Nếu bạn nói ra việc này, liệu ba sẽ thế nào?

Chẳng khác gì M.A, bạn N.H (lớp 8, TP.HCM) cũng im im muốn giấu ba mẹ mỗi khi có chuyện gì đó. Mới đây, trong một lần đánh cầu lông, một bạn đã làm gãy cây vợt yêu thích của N.H. Đó là món quà mơ ước ba mẹ tặng bạn khi đạt học sinh giỏi cuối năm lớp 7.

Lúc mới mua vợt về, N.H cứ hít hà mùi sơn mới. Ngày nào bạn cũng lấy nó ra ngắm nghía, lau chùi. Nếu biết cây vợt giá trị bị gãy, ba mẹ sẽ thế nào?

Có nên nói cho ba mẹ biết rắc rối của mình?- Ảnh 2.

Gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bạn,hãy nhớ điều này! - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

Mở lòng ra với gia đình, bạn nhé!

Mặc dù có nhiều lúc ba mẹ nghiêm khắc, la mắng khi bạn gặp sai sót, lỗi lầm. Nhưng bạn hãy ngẫm nghĩ cho thấu đáo, tất cả vì ba mẹ yêu thương và muốn bạn trở thành phiên bản tốt nhất.

Trở lại câu chuyện của M.A, khi thấy tình hình học tập của bạn có vấn đề, ba đã nói chuyện thẳng thắn với bạn. Năm nay là năm cuối cấp. Nếu bạn không thừa nhận và chấn chỉnh việc học ngay từ lúc này, bạn có thể không lên được lớp 10. Lúc đó, bạn dự định sẽ làm gì? Trước câu hỏi của ba, M.A im lặng và bạn thật sự hoảng.

Lớn tiếng với M.A xong nhưng ba lại bình tĩnh đưa ra giải pháp. Ba nhờ một cô hàng xóm giỏi toán kèm cặp cho bạn. Cô giảng lại kiến thức đã qua, cho bạn nhiều bài tập để nhớ công thức. Sau vài tuần ôn, bạn dần tự tin hơn.

Còn trên đường đón N.H, mẹ chợt thấy bạn im lặng chứ không ríu rít như mọi khi. Nhìn vào kính chiếu hậu, mẹ hỏi sao hôm nay con buồn vậy, có việc gì? 

Đúng nỗi niềm, N.H nói chuyện cây vợt bị gãy. Đồng thời, N.H chia sẻ thêm bạn làm gãy vợt nói sẽ cố gắng dành dụm tiền để mua đền cây mới.

Từ khi xảy ra sự việc, hai đứa lo lắng nên chơi hết vui. Không ngờ, mẹ bảo đó là sự cố ngoài ý muốn. Mẹ sẽ mua tặng bạn lại cây vợt mới, bạn kia không cần phải đền. 

Mẹ bảo có được tình bạn đẹp là quý lắm rồi, con đừng vì cây vợt mà để tình bạn rạn nứt.

Với ba mẹ, con cái là tài sản lớn nhất. Còn với bạn, ba mẹ là gì? Bạn nhớ lại đi, khi bạn khó khăn, lăn tăn muộn phiền, học hành sa sút hoặc thích sắm sửa gì đó, du lịch đến nơi nào…, ai đã ở bên cạnh bạn sẻ chia, chăm sóc và bao bọc? Vậy vì sao bạn lại để ba mẹ đứng bên ngoài cuộc đời của bạn?

LÊ VI

5 điều cần làm khi gặp rắc rối

Bạn bị hỏng xe giữa đường, bị rơi mất đồ, bị bệnh, bị tai nạn, bị kẻ xấu đe dọa, ép buộc... Những lúc rơi vào trường hợp như thế, bạn rất cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác. Tuy nhiên, để có được sự giúp đỡ kịp thời và hiệu quả từ người khác bạn nhớ và làm theo 5 nhắc nhở sau đây:

1. Chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ

Tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác không có nghĩa là bạn kém cỏi đâu nhé. Bởi không ai có thể tự mình làm hết tất cả mọi việc, ai rồi cũng sẽ có lúc cần tới sự giúp đỡ của mọi người.

Khi gặp phải những vấn đề không thể tự mình giải quyết, tìm người giúp đỡ là điều hết sức bình thường, bạn không có gì phải xấu hổ hay e ngại cả.

Hơn nữa, khi bạn gặp khó khăn mà bạn lại không nói ra thì mọi người sẽ không biết để giúp bạn.

Bạn còn nhớ câu chuyện cổ tích "Aladin và Cây đèn thần" chứ? Nếu Aladin không nói ra điều mình muốn thì Thần Đèn đâu thể giúp Aladin được, phải không?

2 - Tìm đúng người, đúng chỗ

Có nhiều người có thể hỗ trợ, giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, bạn cần tìm tới những địa chỉ tin cậy.

Đó là những người biết lắng nghe, cảm thông, không có thái độ phán xét, chỉ trích hay đổ lỗi cho bạn.

Quan trọng nhất là họ cam kết giữ bí mật câu chuyện của bạn, trừ trường hợp bạn đồng ý để họ tiết lộ với người khác hoặc vì để bảo vệ an toàn cho bạn mà họ bắt buộc phải báo cáo với người có thẩm quyền.

Thông thường, những người đáng tin cậy nhất với bạn là ông bà, bố mẹ, anh, chị, thầy cô giáo và những người bạn thân thiết.

Ngoài ra còn có những cơ quan chức năng và người có chuyên môn liên quan tới vấn đề mà bạn đang gặp phải.

Chẳng hạn, nếu bạn gặp các vấn đề về tâm lý như lo âu, chán nản, sợ hãi, mất động lực,... thì bạn nên tới Phòng tư vấn tâm lý học đường, gặp chuyên gia tâm lý.

Nếu bạn bị bệnh thì tới cơ sở y tế hoạt động hợp pháp, gặp bác sỹ đúng chuyên ngành. Nếu bạn bị bắt nạt, đe dọa thì liên hệ với tổng đài 113 hoặc gọi tới Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

3. Cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng

Khi tìm đến địa chỉ hỗ trợ, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin, diễn đạt nhu cầu cần hỗ trợ thật rõ ràng để người tiếp nhận hiểu được vấn đề mà bạn đang gặp phải, từ đó họ mới có thể giúp bạn một cách hiệu quả.

Chẳng hạn, khi đi khám bệnh, bạn cần mô tả đầy đủ các triệu chứng mà bạn gặp phải để bác sỹ có thể chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Khi để quên đồ trên xe buýt, bạn cần mô tả rõ với nhân viên tổng đài về chuyến xe bạn đã đi (chạy từ điểm nào tới điểm nào, vào khung thời gian nào,...) để họ có thể nhanh chóng liên hệ với lái xe đó tìm đồ giúp bạn.

4. Luôn cư xử đúng mực, lễ phép

Bạn có nhận được sự giúp đỡ của người khác hay không nhiều khi còn phụ thuộc vào thái độ của bạn.

Nếu bạn cư xử một cách đúng mực, lễ phép, tự tin thì mọi người sẽ thiện chí và nhiệt tình giúp bạn hơn.

Kể cả khi bạn không nhận được sự giúp đỡ như bạn mong muốn thì cũng đừng quên nói lời cảm ơn. Khi đó, cho dù không giúp được bạn thì họ sẽ chỉ dẫn cho bạn gặp một người khác có khả năng giúp bạn.

Chẳng hạn, bạn sang nhà bác hàng xóm mượn một chiếc thang nhưng bác hàng xóm không có, bạn vẫn lễ phép cảm ơn bác, rất có thể bác sẽ nhiệt tình chỉ bạn sang nhà một người hàng xóm khác có thang để bạn mượn đấy.

5. Hãy kiên trì, đừng nản chí

Nếu bạn đã tìm tới một người mà bạn tin cậy để nhờ giúp đỡ nhưng họ lại không tin bạn hoặc từ chối giúp đỡ bạn thì bạn cũng đừng vội nản lòng hay thất vọng.

Hãy tiếp tục liên hệ với một người đáng tin cậy khác cho đến khi có người tin vào câu chuyện của bạn và đồng ý giúp đỡ bạn mới thôi.

Ví dụ: Bạn nhờ mẹ hướng dẫn bạn cách làm một bài toán khó nhưng lúc đó mẹ đang bận việc nên không thể giúp bạn. Khi đó, bạn có thể nhờ bố hoặc gọi cho bạn nào học giỏi toán trong lớp nhờ hướng dẫn giúp.

Bạn có biết?

Biết tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp khó khăn sẽ giúp bạn nhận được những lời khuyên hữu ích hoặc những sự trợ giúp cần thiết để giải quyết vấn đề mà bạn đang gặp phải.

Đồng thời, đó cũng là cơ hội để bạn cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên, khích lệ từ những người xung quanh.

Bạn sẽ thấy mình không đơn độc mà trái lại, bạn luôn được sống trong tình thương yêu của mọi người. Ở bên cạnh bạn luôn có những người sẵn sàng nâng đỡ, hỗ trợ bạn, giúp bạn có thêm niềm tin và động lực đối diện với khó khăn trong cuộc sống.

Ths. NGUYỄN HẢI ANH - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: