avatar TRẦN HƯỚNG - MINH CHIẾN

Thứ bảy, 11/11/2023 06:23 (GMT+7)

Một mẹ một con sống tạm trên mảnh đất người cậu cho, cô học trò nghèo làng biển Khánh Hòa vẫn không ngừng nỗ lực học giỏi và đỗ vào đại học.

Mỹ Linh trong căn phòng trọ chật hẹp mà ba người bạn ở ghép cho đỡ chi phí - Ảnh: T.HƯỚNG

Mỹ Linh trong căn phòng trọ chật hẹp mà ba người bạn ở ghép cho đỡ chi phí - Ảnh: T.HƯỚNG

Đó là câu chuyện của nữ sinh Trương Thị Mỹ Linh, ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), tân sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Nha Trang.

Mình tranh thủ đi làm thêm để phụ trang trải chi phí sinh hoạt, còn những khoản lớn như học phí mẹ sẽ vay vốn sinh viên. Mong là mọi thứ suôn sẻ.

TRƯƠNG THỊ MỸ LINH

Không nỡ bảo con nghỉ học

Mỹ Linh vừa vào ở ghép với hai người bạn khác trong căn phòng trọ chừng 10m2 trên đường Nguyễn Xiển (TP Nha Trang) để giảm chi phí.

Từ khi ba mẹ ly hôn, Linh sống cùng mẹ. Lúc đó còn chưa có chỗ tá túc, hai mẹ con hôm ở nhờ nhà cậu hôm sang nhà dì. Một mình mẹ tất tả đủ nghề cho con gái đến trường.

Thấy mẹ mưu sinh vất vả, con gái hạ quyết tâm phải học giỏi hơn nữa để tìm cơ hội thoát nghèo. Mà suốt 12 năm luôn giữ thành tích khá giỏi, Linh ấp ủ ước mơ được học ngành thú y một trường đại học ở TP.HCM. Nhưng hoàn cảnh không cho phép, bạn đăng ký vào Trường ĐH Nha Trang.

Ngày nhận thông báo trúng tuyển đại học, Linh mừng khôn xiết vội báo tin với mẹ. Nhưng ngay lúc đó, mẹ nói nhà khó khăn quá hay con đừng học nữa hoặc chỉ học cao đẳng.

Nghe nhiêu đó lòng vừa buồn vừa thương mẹ vất vả nhưng nghĩ lại đã cố gắng suốt 12 năm học, mong đỗ đại học để có cơ hội thoát cảnh khó khăn, để tự đứng trên đôi chân mình và chăm sóc mẹ, Linh không thể bỏ cuộc.

Trong căn nhà nhỏ cuối con hẻm đầy cát hướng ra vịnh Vân Phong, bà Huỳnh Thị Mới (43 tuổi) - mẹ Linh - thấm mệt trở về sau buổi làm lao công cho một trường THCS trên địa bàn. Đón khách, bà tâm tình làm cha mẹ ai không muốn con cái ăn học thành tài nhưng hoàn cảnh khó khăn quá, chi phí học hành lớn, thiệt lòng một mình bà khó xoay xở nổi.

Ban đầu người mẹ tính kêu con bé nghỉ học nhưng thấy Linh ham học quá, đã cố gắng thật nhiều và đỗ vào đại học, giờ bảo con nghỉ không đành.

"Linh cũng hứa là cứ cố gắng lo cho con nhập học rồi sẽ kiếm việc làm thêm phụ mẹ xoay xở. Thôi thì hai mẹ con cùng vượt khó, tới đâu hay tới đó" - bà Mới trải lòng.

Đi học xa nhà, mọi công việc con gái phải tự tay sắp xếp một mình khi không có mẹ bên cạnh - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Đi học xa nhà, mọi công việc con gái phải tự tay sắp xếp một mình khi không có mẹ bên cạnh - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Mong có chiếc máy tính

Năm 2016, vợ chồng ly hôn, con trai đầu theo cha, còn bà Mới đưa Linh theo về ở nhờ nhà người thân. Nhưng con gái ngày một lớn, ở nhờ mãi cũng bất tiện. May có người anh ruột thương cưu mang cho miếng đất nhỏ, bà mượn bà con họ hàng mỗi người chút ít rồi vay thêm ngân hàng xây căn nhà nhỏ làm chỗ che mưa nắng cho hai mẹ con.

Nhưng làm xong cái nhà cũng là lúc gia đình bà không còn "đủ điều kiện" ở trong diện hộ cận nghèo như trước nữa dù khó khăn vẫn như thế, thậm chí còn khó hơn vì phải mang nợ nhiều hơn trước đó.

"Nếu còn diện hộ cận nghèo, bé Linh đi học còn được miễn giảm một phần học phí. Nhưng giờ tính như bao hộ bình thường khác nên không còn ưu tiên gì.

Tui luôn canh cánh nỗi lo mình không cáng đáng nổi, chứ để con vào học rồi mà đứt gánh giữa đường còn tội hơn. Cứ nghĩ vậy mà đêm nằm mãi không ngủ được" - bà Mới nói, kéo áo lau nước mắt.

Ngoài giờ làm lao công cho trường học, người mẹ nghèo ấy còn tranh thủ thời gian rảnh ai thuê gì làm nấy. Bà kể gom góp hết mỗi tháng được chừng hơn 3 triệu đồng để lo cuộc sống, sinh hoạt của hai mẹ con. Nhưng vào TP Nha Trang học, Linh chi tiêu tằn tiện lắm mỗi tháng cũng khoảng 3 triệu đồng.

Nên ngay khi nhập học xong, cô bé đã kiếm ngay một chân chạy bàn ở quán cà phê. Cái khó lớn nhất hiện tại của cô tân sinh viên học ngành công nghệ thông tin lại là không có máy tính vì ngoài giờ học trên trường, cần nhiều thời gian thực hành và tự học thêm ở nhà, không có máy tính thật sự khó khăn.

Nhưng để mua chiếc laptop cần cả chục triệu đồng, số tiền ấy đúng là "ngoài sức tưởng tượng" của cả hai mẹ con lúc này. Nhập học bữa giờ, Linh vẫn học chay là chính, lúc nào học nhờ được máy tính của bạn thì tranh thủ.

"Nhiều lúc mình ao ước viển vông rằng giá mà trong đời thực có ông Bụt thật như trong truyện cổ tích hiện đến và mang theo một điều ước, mình sẽ ước ngay có được chiếc laptop để học. Đó không chỉ là phương tiện để mình có điều kiện học tốt hơn mà còn là hy vọng để mình vươn tới tương lai xán lạn hơn, giúp hai mẹ con vượt qua vất vả", Linh bày tỏ.

Nữ sinh luôn nỗ lực vươn lên

Cô Nguyễn Lê Trinh - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Linh tại Trường THPT Tô Văn Ơn - nhận xét dù hoàn cảnh khó khăn là thế nhưng Mỹ Linh luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, giữ thành tích học sinh giỏi nhiều năm liền, tham gia hoạt động phong trào sôi nổi.

Nhà trường và các giáo viên luôn quan tâm, tạo điều kiện cho những học sinh khó khăn, trong đó có Linh. "Linh vào đại học, mẹ con em ấy sẽ còn đối diện với khó khăn bội phần hiện giờ. Vì vậy rất mong xã hội và các nhà hảo tâm cùng chia sẻ, nâng bước cho em" - cô Trinh nói.

Trao học bổng cho 50 tân sinh viên

Sáng nay (11-11), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Định trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 50 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của ba tỉnh này.

Tổng kinh phí hơn 750 triệu đồng do Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Khánh Hòa, Công ty cổ phần Chế biến lâm thủy sản Khánh Hòa, Tổng công ty Khánh Việt, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam (Quỹ Vì cuộc sống tươi đẹp) và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.

Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng, trong đó có hai suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm). Ngoài ra, Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng ba laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.

Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ tám suất học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS cho tân sinh viên tỉnh Khánh Hòa và Công ty Yến sào Vietwings tặng 50 set yến chưng cao cấp cho tân sinh viên.

Cô sinh viên làng biển ước có ông Bụt tặng máy tính- Ảnh 4.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: