Cúm mùa quen mặt nhưng vẫn cần cảnh giác

Thứ sáu, 21/02/2025 12:59 (GMT+7)

Thời gian qua, thông tin về các ca cúm mùa diễn biến nặng khiến teen không khỏi lo lắng.

Cúm mùa quen mặt nhưng vẫn cần cảnh giác- Ảnh 1.

Minh họa thực hiện bởi AI

Nhận diện các loại cúm mùa

Bệnh cúm mùa hoành hành dưới tay 3 loại virus A, B và C, theo đó người ta gọi luôn là cúm A, B,C... Trong đó, cúm A (H1N1, H3N2, H5N1...) phổ biến hơn cả, có thể lây từ động vật và có thể gây đại dịch. Trong khi đó, cúm B thường chỉ lây lan trong nội bộ người với người, ít khả năng làm “lớn chuyện”.

Virus cúm ưa lạnh, đây là lý do khiến cúm thường xuất hiện vào mùa thu - đông (hoặc các kiểu thời tiết cực đoan) nên chết tên luôn là cúm mùa.

Đường lây và triệu chứng

* Đường lây của virus cúm tương tự “người quen cũ” COVID-19 với giọt bắn (ho, hắt hơi), tiếp xúc trực tiếp (tay, da, vật dụng) và cũng có nguy cơ lây lan mạnh (đông người, không gian kín)...

* Triệu chứng cúm không khác nhiều diện mạo chung của những căn bệnh hô hấp do virus gồm: sốt, ho khan, đau họng, đau đầu, chóng mặt, đau nhức cơ, mệt mỏi toàn thân, ớn lạnh, đổ mồ hôi, nghẹt mũi, chảy nước mũi...

Triệu chứng cúm tương tự như cảm lạnh, nhưng so về độ nặng và biến chứng thì cúm nặng hơn. 

Cúm và cảm lạnh thường song hành vào mùa lạnh nên việc nhận diện cả hai thành vấn đề đau đầu. Tuy nhiên, cúm thường tỏ vẻ “hùng hổ” về triệu chứng và đặc biệt khả năng gây biến chứng hơn hẳn cảm lạnh.

Cúm có đáng ngại không?

* Phần lớn cúm khỏi bệnh trong vòng 5 - 7 ngày, tuy có thể còn ho, mệt một ít sau đó. Những ca cúm kéo dài thường gặp ở người già, người yếu miễn dịch và là tín hiệu dọn đường biến chứng.

* Biến chứng cúm nhìn chung đáng ngại, nên có thể nói xét nặng nhẹ của bệnh cúm là dựa vào biến chứng. Tương tự việc điều trị cúm cũng xoay quanh vấn đề biến chứng này.

* Biến chứng cúm vô số kể, nhưng phổ biến có: viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm não, màng não. Chưa kể, nhóm biến chứng từ bệnh nền có sẵn của bệnh nhân còn bị cúm làm cho trầm trọng hơn.

* Biến chứng cúm ít làm khó dễ người khỏe mạnh, nhưng chúng lại “hiếp đáp” người yếu thế về miễn dịch, bệnh nền, tuổi tác...

Từ đó mà danh sách đối tượng nguy cơ với cúm, cũng được hiểu là đối tượng dễ tổn thương với biến chứng (trẻ em, người trên 65 tuổi, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, béo phì nặng) và loạt bệnh nền (hen suyễn, phổi tắt nghẽn mãn tính, tim mạch, tiểu đường, ung thư...).

Phòng ngừa cúm mùa ra sao?

- Phòng ngừa cúm cũng tương đối dễ thở, chỉ cần “sao y” phòng tránh COVID-19:

• Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên, khẩu trang và che miệng khi ho, hắt hơi, giữ khoảng cách với người đang có triệu chứng cúm.

• Giữ môi trường sống và vật dụng cá nhân sạch.

• Hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

• Tăng cường miễn dịch (đủ dinh dưỡng, vitamin C, protein, ngủ đủ giấc, thể dục thường xuyên).

• Tiêm vắc xin cúm.

Trong đó, tiêm vắc xin nên đặt lên hàng đầu, bởi đây là cách giảm mắc bệnh và biến chứng nặng từ cúm hiệu quả nhất. May mắn là chúng ta đã có vắc xin cúm để dùng, đủ sức đối phó với các loại cúm hiện hành. 

Mọi người đều có thể hưởng lợi sự bảo vệ từ mũi tiêm vắc xin cúm, nhưng các đối tượng “yếu thế” hẳn nhiên cần bảo vệ sớm.

Điều trị bệnh cúm

* Điều trị cúm chia thành hai mũi cho bệnh nhẹ và bệnh nặng. Phần lớn cúm nhanh khỏi bệnh, nên phác đồ chữa tại nhà được ưu tiên hơn:

• Nghỉ ngơi, ăn thực phẩm dễ tiêu, uống nhiều nước, thuốc hạ sốt không kê toa/paracetamol, súc miệng nước muối, giữ vệ sinh mũi họng... Lưu ý không tự dùng kháng sinh, có thể dùng thuốc kháng virus nhưng tốt nhất được bác sĩ hướng dẫn. Đừng quên theo dõi dấu hiệu trở nặng hoặc có nguy cơ biến chứng

• Cần đến bệnh viện khi có các dấu hiệu sau: sốt cao không giảm sau 3 ngày, khó thở, tức ngực, lú lẫn, co giật, mất ý thức, tím tái, mệt mỏi rã rời...

Cúm là căn bệnh truyền nhiễm quen thuộc và các chủng loại virus cũng quen mặt. Đến nay chưa có dấu hiệu virus cúm biến đổi hay tăng độ “sát thương” nào. Do đó, đối phó cúm năm nay không khác mọi năm, phải cảnh giác nhưng không hoang mang.

Nếu cần thêm chút chủ động phòng tránh, theo dõi sát thời tiết và diễn biến đợt bệnh tại chỗ và từ ngoài vào. Dễ nhớ thì chỉ cần để ý hai điểm “vắc xin cúm và biến chứng” là tạm an tâm đối phó tốt với đợt cúm mùa này.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: