5 bệnh hô hấp thường gặp trong mùa mưa, đề phòng và chữa trị ra sao?

Chủ nhật, 13/10/2024 07:36 (GMT+7)

Mùa mưa là cơ hội vàng của các bệnh hô hấp, trong đó đáng dè chừng hơn cả là cảm, cúm, viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang và hen suyễn…

5 bệnh hô hấp thường gặp trong mùa mưa, đề phòng và chữa trị ra sao?- Ảnh 1.

Tranh minh họa thực hiện bằng AI

1. Cảm và cúm

Cảm và cúm là cặp bài trùng các bệnh hô hấp trong mùa mưa, hầu hết đều do vi rút gây ra. Tuy nhiên, vi rút cảm lạnh (rhinovirus) hiền hơn vi rút cúm (influenza virus), nên triệu chứng và phòng tránh cũng dễ thở hơn.

* Để phòng cảm lạnh cần rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc gần người bệnh (ho, sốt, đau họng, chảy mũi). Nghỉ ngơi, uống nhiều nước và thuốc (giảm đau, hạ sốt, giảm ho, thông mũi).

* Cúm cũng do vi rút gây bệnh nên phòng và chữa cúm giống như cảm lạnh. Riêng cúm có thể phải dùng thêm thuốc kháng vi rút. Đề phòng cúm dễ hơn cảm lạnh bởi đã có vắc xin cúm, bạn có thể tiêm nhắc hằng năm để phòng ngừa căn bệnh khó chịu này.

2. Viêm họng

Họng nằm ở vị trí tiền tiêu của hệ hô hấp nên rất dễ bị tấn công. Họng “chịu đòn” từ độ ẩm cao và biến động nhiệt độ của mùa mưa. Họng cũng là miếng mồi ưa thích của vi rút cảm, cúm và vi khuẩn.

* Ngừa: Giữ ấm cơ thể (cổ, ngực, mũi, miệng), giữ ấm môi trường, kiêng uống lạnh, khẩu trang, rửa tay, tăng đề kháng (vitamin C/ cam, chanh, quýt, ổi).

* Trị: Uống nước ấm, súc miệng bằng nước muối, giảm đau, kháng sinh (nếu do vi khuẩn), thuốc dịu họng, giảm ho...

3. Viêm mũi dị ứng

Căn bệnh này là bị hại của độ ẩm cao, mạt nhà, nấm mốc và vi khuẩn - những thứ sinh sôi mạnh vào mùa mưa.

* Phòng: Giữ không gian sống thoáng mát sạch sẽ, giặt giũ chăn ga gối nệm thường xuyên, chống ẩm nếu cần. Những bạn bị bệnh này nên mang khẩu trang khi đi ra ngoài, tăng đề kháng cho cơ thể bằng các thực phẩm bổ dưỡng. Nên tránh các tác nhân dị ứng như phấn hoa, lông thú, bụi nhà...

* Trị: Rửa mũi bằng nước muối sinh lý, thuốc kháng histamine, xịt mũi corticosteroid (theo chỉ định bác sĩ), thuốc co mạch (oxymetazoline ngắn ngày) liệu pháp miễn dịch dị ứng (một hình thức vắc xin chống dị ứng).

4. Hen suyễn

Bệnh này có cùng hệ dị ứng với viêm mũi dị ứng, chỉ khác là nạn nhân là đường hô hấp dưới với hậu quả (co thắt) nặng nề hơn cơn sụt sùi của mũi. Cách phòng và trị vì thế vừa giống vừa khác.

* Phòng: Giữ nhà cửa sạch thoáng (phòng ngủ, phòng bếp, nhà tắm), chống ẩm, lánh xa nấm mốc, mạt nhà (giặt giũ, phơi nắng “phụ kiện” phòng riêng, phòng ngủ), khẩu trang, bịt mũi với khói thuốc, không khí ô nhiễm, giữ sức khỏe tổng thể (dinh dưỡng, bổ sung vitamin C).

* Trị: Thuốc cắt cơn, thuốc kiểm soát lâu dài (theo toa), kháng histamine, xông mũi họng, kiểm soát tác nhân dị ứng.

5. Viêm xoang

Bệnh này cũng “thừa nước đục” mùa mưa để làm mình làm mẩy. Những đòn tập kích vào xoang là độ ẩm, nấm mốc, vi rút, vi khuẩn và dị ứng.

Cảm, cúm, viêm mũi dị ứng thường là tiền đề khiến viêm xoang trở nặng. Cũng có thể nói viêm xoang là “tập hai” khó tránh sau những căn bệnh khó ở trên. Do vậy phòng viêm xoang đa phần cũng là phòng những căn bệnh này trước.

* Phòng: Lau dọn nhà cửa, máy hút ẩm nếu cần, giữ ấm cả người, khẩu trang, tránh mặt dị ứng, khói thuốc, khói xăng, bụi đường...

* Trị: Rửa mũi nước muối, xông hơi, xông mũi, thuốc giảm đau và kháng viêm (NSAID), kháng histamine, xịt mũi corticosteroid, kháng sinh (theo toa).

Tóm lại, để phòng và trị các căn bệnh hô hấp mùa mưa, bạn chỉ cần nhớ vài phương kế cốt yếu, rồi thiết kế riêng kế hoạch hợp với mình. Bí kíp phòng tránh bệnh hô hấp mùa mưa ngắn gọn là: giữ ấm cơ thể + tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột + vệ sinh cá nhân + giữ không gian sống thông thoáng và sạch sẽ + mang khẩu trang khi ra ngoài + tăng cường miễn dịch + hạn chế tiếp xúc gần người bệnh và tiêm chủng cúm nếu có chỉ định..

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: