9 bệnh thường gặp trong mùa mưa, teen nhạy cảm khí hậu chú ý

Chủ nhật, 06/10/2024 12:04 (GMT+7)

Mùa mưa, thời tiết cực đoan là cơ hội để các bệnh nhạy cảm khí hậu (CSDs) như sốt xuất huyết, cảm cúm, tiêu chảy, viêm da...tấn công cơ thể.

9 bệnh thường gặp trong mùa mưa, teen nhạy cảm khí hậu chú ý- Ảnh 1.

Minh họa do AI thực hiện

Có nhiều bệnh nhạy cảm khí hậu (CSDs), trong đó thường gặp với teen trong mùa mưa có thể kể đến những loại bệnh sau: 

Sốt xuất huyết

Mùa mưa là cơ hội cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, nhất là muỗi vằn. Chúng là nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết.

Để phòng ngừa, bạn nên ngủ mùng, mặc quần áo dài, bôi kem chống muỗi. Ngoài ra, bạn cũng cần dọn dẹp, loại bỏ nước đọng... trong và quanh nhà. Đây là việc cần làm ngay khi cơn mưa đầu mùa trút xuống.

Hiện tại, vắc xin sốt xuất huyết đã được đưa vào sử dụng ở Việt Nam. Những ai nhận được chỉ định đừng bỏ qua vũ khí chống sốt xuất huyết mới này.

Bệnh hô hấp vì... trái gió trở trời

Gió lạnh, độ ẩm, nấm mốc, phấn hoa... là ác mộng của những teen bị bệnh hô hấp, trong đó tiêu biểu là cảm, cúm, viêm mũi dị ứng, viêm phổi, hen suyễn.

Để giữ sức khỏe, bạn nên chú ý giữ ấm, mang khẩu trang khi đi ra ngoài. Song song đó, củng cố miễn dịch cho cơ thể bằng vitamin C, D, kẽm...

Chú ý rửa tay thường xuyên, hạn chế chạm vào các bề mặt ở nơi công cộng, giữ sạch và khô ráo nơi ở.

Hiện đã thuốc chủng ngừa cho phân nhóm này như vắc xin cúm, vắc xin phế cầu... bạn có thể tiêm phòng.

Bệnh tiêu chảy

Triều cường, nước ngập, cống nghẹt, hệ thống cấp nước nhiễm bẩn... tạo điều kiện cho “hội tiêu chảy” gồm tả, lỵ, thương hàn có điều kiện kéo đến.

Điều bạn cần làm là ăn chín, uống sôi, rửa tay thật kỹ sau khi đi vệ sinh hoặc chế biến thực phẩm. Ngoài ra, giữ sạch môi trường sống cũng là cách bảo vệ đường ruột khỏi căn bệnh này.

Trúng thực

Ngộ độc thực phẩm (tụ cầu vàng, bacillus cereus) được “lồng ghép” sẵn trong “hội nước bẩn - tiêu chảy”. Tuy nhiên, chuyện trúng thực mùa mưa cũng có nguyên nhân từ lỗi bảo quản thức ăn, lười nấu nướng...

Bạn cần bảo quản thực phẩm ở nơi khô ráo, thoáng khí, sử dụng nước sạch để chế biến, rửa rau, kiểm tra nguồn gốc thức ăn mua về.

Da liễu

Không chỉ nhúng nước, không khí có độ ẩm cao còn là thiên đường của nấm da và vi khuẩn đồn trú trên da. Nấm da, nấm chân, hăm kẽ, ghẻ, leptospirosis (viêm da do nước bẩn), viêm nang lông... thường ùn ùn kéo đến trong mùa mưa.

Vệ sinh cá nhân kỹ, tránh tiếp xúc nước bẩn, đi ủng, mang găng tay tránh nước... là những biện pháp bạn có thể áp dụng để “né” căn bệnh phiền toái này.

Đau mắt đỏ - bệnh thường gặp trong mùa mưa

Viêm kết mạc (adenovirus) là một CSDs mượn tay nước bẩn (rửa mặt, tắm rửa, tay bẩn) và cả nước mưa ô nhiễm làm khó những đôi mắt.

Để phòng tránh, quan trọng nhất vẫn là rửa tay - công cụ chính mang vi rút lên mắt. Song song đó, bạn cần hạn chế đồ dùng chung, tụ tập đông người.

Đau nửa đầu

Biến động áp suất khí quyển, độ ẩm cao, sấm chớp, nhiệt độ lên xuống cực đoan,... giải thích vì sao đau nửa đầu có tên trong danh sách CSDs.

Phòng bệnh đau nửa đầu vẫn dựa vào việc khống chế các “ngòi nổ” bằng cách đeo kính râm khi ra ngoài, giữ ấm, ngủ đủ, uống đủ nước, kiêng cà phê, bia rượu, dùng nút tai chống tiếng ồn...

Bệnh do côn trùng, động vật cắn

Tai nạn ong đốt, côn trùng độc, rắn rết, chuột bọ thường nở rộ vào mùa mưa bão. Những “va chạm” này xếp vào CSDs có phần gượng ép nhưng đáng được để mắt. 

Nhiều nạn nhân không hề hấn với mưa bão nhưng trả giá đắt với một con rắn chạy lũ, một tổ ong vỡ toang sau cơn giông tố...

Giông tố uy hiếp tinh thần

Những cơn mưa buồn thúi đất gây ra một nhánh CSDs tinh thần: stress, rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD), trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)...

Nhiều người chủ quan với loại “tâm bệnh ăn theo thời tiết” này rồi ngã bệnh trước cả thể chất. Liên lạc thường xuyên bạn bè, người thân, tăng cường giao lưu, duy trì thói quen, thú vui hằng ngày, thể dục đều đặn, thư giãn (nhạc nhẹ, đọc sách), ngủ đủ giấc, tránh cà phê, thuốc lá... là những cách giúp tinh thần bạn tốt hơn.

Chống lại SAD nên tận dụng những ngày tạnh mưa để ra ngoài tắm sáng, hoặc bạn có thể mượn tạm ánh sáng nhân tạo, liệu pháp ánh sáng (đèn tăng cường sáng).

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: