Đau bao tử ở học sinh phần nhiều do căng thẳng? Cách xử lý thế nào?

Thứ bảy, 26/10/2024 19:00 (GMT+7)

Không chỉ khó chịu, giảm khả năng ăn uống, bệnh đau bao tử còn tiềm ẩn gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Đau bao tử ở học sinh phần nhiều do căng thẳng? Cách xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Minh họa do AI thực hiện

* Đau bao tử ở tuổi teen khác gì so với người lớn?

Nguyên nhân đau bao tử ở tuổi teen giống người lớn, chỉ khác đôi chút về mức phổ biến. Theo đó, thủ phạm gây đau bao tử (xếp theo thứ tự từ hay gặp đến ít gặp) là: căng thẳng (học hành, thi cử, tâm lý bất ổn), ăn uống kém lành mạnh (ăn vặt, ăn uống thất thường, ăn vội vàng, thức ăn nhanh), rối loạn tiêu hóa chức năng (khó tiêu, đầy hơi do sinh hoạt, tư thế), vận động quá sức (căng cơ dạ dày), tự ý uống thuốc (kháng viêm, giảm đau), không dung nạp thực phẩm (lactose, gluten), nhiễm Helicobacter Pylori (H.pylori), trào ngược dạ dày thực quản.

* Có phải H.pylori là “trùm” đau bao tử tuổi teen?

H.pylori đứng sau 70 - 90% ca viêm loét bao tử. Lưu ý, không phải hễ đau bao tử là viêm loét. Đau bao tử do H.pylori ở teen ít nổi bật do vấn đề vệ sinh, môi trường sống, thời gian tích lũy kém hơn người lớn. Tuổi nhỏ ít ăn hàng quán nên ít có thời gian “tiếp xúc” H.pylori hơn.

* Đau bao tử ở tuổi mới lớn phần nhiều do căng thẳng?

Stress cũng là nguyên nhân gây đau bao tử nặng ký. Lớn hay nhỏ đều đủ chuyện căng thẳng, nhưng ở tuổi teen, do “chưa trải sự đời” nhiều khiến các bạn vừa dễ bị stress vừa dễ tổn thương vì chúng hơn. Sau mỗi đợt thi cử căng thẳng, teen thường xuất hiện một đợt “cao trào” đau bao tử là vì vậy.

* Triệu chứng đau bao tử ở tuổi teen?

Đau bao tử là tên gọi chung, trong khi bệnh tình của dạ dày phong phú, bao gồm viêm loét và không viêm loét. Bảng kê triệu chứng chung tính riêng cho teen sẽ là: đau thượng vị (bụng trên gần ngực), đầy bụng, chướng bụng, buồn nôn và nôn, ợ hơi ợ nóng (trào ngược axit dạ dày), tức ngực, ăn kém, mệt mỏi...

* Có khi nào đau bao tử mà không đau?

Đau là dấu hiệu quan trọng nhưng đôi khi những cơn đau đến nhẹ nhàng, không thấm vào đâu so với đầy bụng, ợ hơi, buồn nôn và nôn. Bản thân đau trong đau bao tử cũng diễn biến từ âm ỉ đến đau nhói, đau rát, đau sau lưng khó nhìn ra cặn kẽ.

* Trị đau bao tử như thế nào?

Chữa đau bao tử tùy loại, tức bệnh nào thuốc ấy, nhưng cơ bản gồm 3 món: thuốc (kháng axit, bảo vệ niêm mạc, kháng sinh nếu do H.pylori/theo toa bác sĩ), thay đổi lối sống (ăn uống lành mạnh, quản lý căng thẳng, tránh chất kích thích) và sinh hoạt (không nằm sau ăn, vận động vừa phải, tránh ăn muộn).

* Trị đau bao tử tuổi teen thường nhẹ hơn người lớn, ít có nguy cơ bị mãn tính?

Teen có những lợi thế như: dạ dày khỏe, ít bệnh nền, ít dùng thuốc hại bao tử, đáp ứng thuốc trị và dễ điều chỉnh thói quen. Điều này giúp việc chữa đau bao tử ở tuổi teen dễ dàng hơn so với người lớn. 

Cũng với ưu thế tương tự, teen ít khi bị đau bao tử đeo bám lâu dài. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được chủ quan bởi nhiều đợt đau bao tử ngắn lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến cơn đau dạ dày mãn tính.

* Làm thế nào để phòng tránh?

 Ăn uống lành mạnh: đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, hạn chế chất kích thích dạ dày (cay, chua, dầu mỡ), chia nhỏ bữa ăn giảm gánh nặng cho bao tử.

* Kiểm soát stress (học hành khoa học, giải lao, giải trí), ngủ đủ giấc.  Thể dục đều đặn nhưng đừng quá sức.

* Từ bỏ thói quen kém thân thiện cho dạ dày (không ăn khuya, cẩn thận dùng thuốc kháng viêm không steroid...).

* Vệ sinh thực phẩm, rửa tay thường xuyên.

* Đặc cách thực phẩm “bổ bao tử”: dễ tiêu, bổ sung probiotics, men vi sinh...

* Loại bỏ ngay suy nghĩ “bệnh nhẹ không cần đề phòng” ra khỏi đầu.

* Những toa thuốc cây nhà lá vườn thì sao?

Đúng là có nhiều toa thuốc “nhà làm” khá mát tay với chứng đau bao tử như nghệ, mật ong, gừng, tía tô, nha đam, cam thảo, bạc hà, chuối hột... tuy nhiên cần cẩn thận với chẩn đoán “đau dạ dày nhẹ”.

Tốt nhất nên trao việc đánh giá nặng nhẹ của bệnh cho bác sĩ. Lắm khi cơn đau dạ dày nhẹ hều nhưng giấu sau nó là bệnh tình đáng sợ như ổ loét to đùng hay khối ung thư dạ dày.

* Đau bao tử nhẹ thì chỉ cần vài “chiêu” giảm đau tại nhà là ổn?

Có nhiều cách “khắc chế” những cơn đau bao tử nhỏ lẻ như xoa bóp bụng (chà sát làm nóng hai bàn tay và xoa bụng từ trái qua phải, lên và xuống), chườm ấm (nước ấm 50 độ C), hít thở đều, không đi nằm, uống nước gừng ấm, nước sắc bạc hà... Một số thuốc không kê đơn như đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, táo bón cũng có thể sử dụng.

* Nghe đồn ăn đồ sống, đồ ủ chua dễ dính H.pylori?

H.pylori lây qua đường miệng - miệng (hôn, dùng chung muỗng, đũa, bàn chải đánh răng), đường phân - miệng (nước uống và thực phẩm ô nhiễm).

Theo đó mọi thức ăn không được bảo quản, chế biến tốt đều có nguy cơ tiếp tay cho H.pylori. Hải sản, rau sống, đồ ủ chua, sữa và sản phẩm từ sữa không tiệt trùng hoặc thức ăn đường phố nói chung... đều có nguy cơ nằm trong danh sách này.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: