Để group chat chung không phải là “nỗi ám ảnh”

Thứ ba, 01/10/2024 12:13 (GMT+7)

Quang Huy (sinh viên năm 1, Trường đại học Văn Lang) đang tham gia khoảng 12 group chat khác nhau. Các group được chia làm 4 loại: học tập, bạn thân, câu lạc bộ và những bạn có cùng chung sở thích.

Để group chat chung không phải là “nỗi ám ảnh”- Ảnh 1.

Group chat là nơi các bạn có thể trò chuyện, trao đổi thông tin một cách dễ dàng - Ảnh minh họa tạo bởi AI

Bất lực với tin nhắn từ group chat

Group chat là thuật ngữ quen thuộc đối với nhiều bạn trẻ. Theo sự tăng tiến của các cấp học, số lượng group chat cũng tăng dần và gây ra không ít phiền toái.

Theo Quang Huy, nhóm câu lạc bộ hồi cấp 3 của bạn mỗi ngày có khoảng 500 tin nhắn. Đặc biệt, sau đợt tuyển thành viên mới, nhóm lại hoạt động sôi nổi hơn, bất kể khung giờ, bất kể ngày đêm. Vì có quá nhiều tin nhắn nên Quang Huy chọn cách chỉ lướt đọc những tin nhắn của trưởng nhóm để nắm thông tin chính. 

Dù đôi khi bất lực với tin nhắn nhóm, nhưng đối với Quang Huy, các group chat mang lại niềm vui vì giúp mọi người gắn kết hơn. 

Trong group chat, các bạn thường xuyên rủ nhau call video học bài hoặc rủ đi chơi chung.

Ngoài ra, "seen" tin nhắn nhưng không rep/trả lời được coi là một đặc sản của các group chat. "Nạn nhân" của tình trạng này thường là các bạn lớp trưởng hoặc nhóm trưởng. Từng là tổ trưởng và phải chủ động nhắn tin vào nhóm nên Quang Huy cũng nhiều lần trải qua cảm giác này nhưng “riết thành quen”.

Chia sẻ về thói quen "seen" tin nhắn trong group lớp, bạn Tô Nguyễn Ái Nhi (sinh viên năm 3, Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết đối với những thông tin mà bạn biết, Ái Nhi vẫn sẵn sàng trả lời. Tuy nhiên, nếu đó chỉ là thông báo thông thường, Nhi sẽ chọn "react" vào tin nhắn này để tránh "trôi" thông báo.

Để group chat chung không phải là “nỗi ám ảnh”- Ảnh 3.

Tin nhắn của bạn lớp trưởng trong group lớp của Ái Nhi - Ảnh: NVCC

Nỗi sợ bỏ lỡ thông tin quan trọng

Nguyễn Thị Khánh Vy (sinh viên năm 4, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) đã cảm thấy choáng khi có quá nhiều nhóm học tập phải tham gia.

“Mình thấy rất phiền. Khoảng 4 môn 4 nhóm thôi là đã bị dễ lẫn lộn rồi, chưa kể đến các học kỳ đăng ký nhiều môn. Đôi khi, mình bị trôi tin nhắn và bỏ lỡ thông tin quan trọng”.

Không phủ nhận lợi ích của nhóm học tập, bạn La Thị Huế (sinh viên năm 4, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng group chat là nơi tổng hợp và cập nhật thông tin đầy đủ nhất.

Trong nhóm lớp của bạn, lớp trưởng sẽ tổng hợp thông tin và nhắc nhở về các deadline. 

Ngoài ra, khi có vấn đề cần giải đáp, các bạn trong group chat cũng hỗ trợ bạn rất nhiều.

Tuy nhiên, có những lúc mọi người trong nhóm nhắn quá nhiều mà không ghim lại thông tin quan trọng khiến cô bạn tưởng họ chỉ nói chuyện với nhau nên không xem. Kết quả Huế bị lỡ mất thông tin.

Cũng vì có quá nhiều nhóm và tin nhắn như vậy nên Huế ưu tiên kiểm tra tin nhắn trong nhóm học tập trước. Vì "ám ảnh" nên sau vài tiếng, bạn lại kiểm tra lại lần nữa dù không nhận được thông báo thì mới yên tâm. 

Còn đối với tin nhắn của bạn bè, tùy lúc và độ cần thiết mà bạn mới kiểm tra. Hoặc bạn sẽ xem lại tin nhắn sau đó khoảng 40 phút đến 1 tiếng khi đã giải quyết xong các công việc khác.

Chọn rời đi đối với những group chat không còn cần thiết

Bên cạnh những lợi ích từ các group chat học tập, vẫn có những group chat được lập ra nhưng chưa thực hiện theo mục đích ban đầu. Trong nhiều trường hợp, có bạn quyết định rời khỏi nhóm học tập vì không còn phù hợp.

Từ những phiền phức kể trên, sau khi kết thúc môn, Khánh Vy chọn cách tự rời khỏi nhóm để tránh bị lẫn lộn. Ngoài ra, Vy cho biết trong nhiều trường hợp các nhóm sẽ tự giải tán sau khi kết thúc môn.

Để group chat chung không phải là “nỗi ám ảnh”- Ảnh 5.

Kết thúc các môn học hoặc hoạt động, trưởng nhóm là người giải tán nhóm hoặc sinh viên sẽ chủ động rời nhóm - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Đồng tình với Khánh Vy, bạn La Thị Huế từng chủ động rời khỏi một group chat. Bên cạnh lí do kết thúc thời gian đồng hành thì theo bạn, nguyên nhân còn đến từ việc bạn cảm thấy các bạn trong nhóm có cách nói chuyện không thực sự phù hợp với mình.

Trong trường hợp của Quang Huy, bạn kể từng cãi nhau trong nhóm bạn thân dẫn đến việc rời nhóm. Tuy nhiên, sau đó, khi gặp lại và nói chuyện bên ngoài đời thật, các bạn đã hiểu nhau hơn. Tin nhắn không thể biểu lộ hết cảm xúc. Đặc biệt, việc nhắn tin trong group chat còn dễ khiến các thành viên hiểu sai về ý của nhau làm cho những lần rời nhóm xảy ra.

Một số cách để sử dụng group chat hiệu quả:

- Lựa chọn tham gia các nhóm cần thiết.

- Đặt ra những yêu cầu trong group chat.

- Chỉ nên đề cập tới những thông tin xoay quanh mục đích ban đầu của nhóm.

- Cần có trưởng nhóm hoặc quản trị viên quản lý nhóm. Khi xảy ra những vấn đề không mong muốn hoặc có thành viên phát ngôn chưa đúng, trưởng nhóm nên nhắc nhở hoặc thậm chí mời thành viên này rời khỏi nhóm.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: