Nhóm chat học tập - ‘trợ thủ’ hiệu quả của teen

avatar DUY DƯƠNG

Thứ năm, 09/11/2023 18:00 (GMT+7)

Thời buổi 4.0, những nhóm chat học tập ra đời với muôn vàn lợi ích, nhưng cũng kéo theo những câu chuyện “trời ơi đất hỡi”.

Học hành hiệu quả nhờ nhóm chat

So với việc nhắn tin, gọi điện cho từng học sinh để thông báo bài thì chỉ cần một tin nhắn trong nhóm chat, các bạn đã kịp thời nắm tin tức. Vì vậy, các thầy cô thường tận dụng những nhóm chat để thông tin chung cho lớp.

Thầy La Chí Khang (giáo viên trường THPT Nguyễn Du, quận 10) cho biết thầy lập nhóm chat để phổ biến cho lớp những thông báo từ nhà trường. Ngoài ra, đây cũng là nơi để các bạn thảo luận về những việc chung của lớp như nhảy flashmob, chọn áo lớp...

Vui buồn chuyện nhóm chat học tập - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: FREEPIK

Vui buồn chuyện nhóm chat học tập - Ảnh 2.

Tin nhắn trao đổi làm việc nhóm - Ảnh: NVCC

Bạn Lê Sao Mai (lớp 10D2, Trường THPT Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) cho hay, hiện bạn tham gia ba nhóm học tập là Toán, Văn và Anh văn. Các nhóm chat trên các nền tảng mạng xã hội giúp Mai dễ dàng nhận và hoàn thành bài. Các bài tập sẽ được bạn phụ trách gửi vào nhóm kèm yêu cầu và dặn dò của giáo viên giúp Mai ghi nhớ và biết được mình cần chuẩn bị những gì cho tiết học sau.

Còn với bạn Phạm Ngọc Phương Nghi (lớp 9A7, Trường Trung học Thực hành Sài Gòn), nhóm chat trên mạng xã hội được lập ra với mục đích làm việc nhóm

Điều này giúp bạn thuận tiện liên lạc và trao đổi công việc với các thành viên khác.

Mạng xã hội phát triển, kéo theo sự tiện lợi trong học tập cho teen. Tuy vậy, những chuyện “dở khóc dở cười” cũng xuất hiện từ đây.

Những chuyện “trời ơi” trong nhóm chat

Hiện bạn Ninh Tấn Sang (lớp 10C01, Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn) tham gia 6 nhóm chat học tập, chưa kể bạn còn tham gia các nhóm về hoạt động ngoại khóa, thể thao, ca hát...

Vì có quá nhiều nhóm, nên đôi khi chỉ cần không chú ý là Sang nhắn nhầm “địa chỉ”. Lần nọ, khi cần nhắn tin về học tập nhưng cậu bạn lại gửi nhầm sang nhóm câu lạc bộ bóng chuyền. Mọi người ai nấy đều ngơ ngác, còn Sang khi xem lại tin nhắn thì “ôi con sông quê”.

Vui buồn chuyện nhóm chat học tập - Ảnh 3.

Nhóm chat còn được thành lập để các thành viên liên lạc, trao đổi khi tham gia ngoại khóa với lớp - Ảnh: NVCC

Khác với việc trò chuyện trực tiếp, khi trao đổi qua tin nhắn sẽ khó hình dung được biểu cảm, thái độ của người nhắn, vì vậy đôi lúc sẽ gây ra những hiểu lầm, cãi cọ không đáng có. “Những lúc bất đồng quan điểm, mình với các bạn cũng có cãi nhau. Nhưng đa số mọi người giảng hòa nhanh nên cũng không đến mức nghiêm trọng”, Phương Nghi chia sẻ.

Bạn H.G.B (lớp 10, huyện Củ Chi) cho biết bạn tham gia một số nhóm chia sẻ kinh nghiệm học tập. Tuy nhiên, đôi khi nhóm trở thành nơi để một số bạn “xả” bực tức về cách dạy của giáo viên hoặc là nơi để “hóng drama” ở trường khiến nhóm trở nên lộn xộn, đi sai với mục đích ban đầu.

Thầy La Chí Khang cho biết, đôi khi thầy gặp trường hợp các bạn học sinh tán gẫu qua lại dông dài trong nhóm chat. Thầy đã nhắc nhở các bạn nên nhắn riêng với những ai đang trong câu chuyện để tránh “trôi” thông báo chung hoặc thông báo quan trọng.

Chuẩn mực nào cho nhóm chat?

Thầy Khang cho rằng, rất cần thiết có quy định chung khi tham gia nhóm học tập, như tránh nhắn tin riêng, nhắn quá khuya... 

Phía các thành viên cần nghiêm túc thực hiện để tránh ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Nhất là đối với những nhóm có giáo viên, cần có thái độ nghiêm túc, tránh cợt nhã.

Tương tự, đối với nhóm báo bài và giải đáp thắc mắc do thầy Nguyễn Duy Phú (giáo viên Trường TH, THCS và THPT Tre Việt, cơ sở huyện Hóc Môn), thầy quy định báo bài trước 19h hằng ngày để các bạn biết được ngày hôm sau sẽ có những công việc gì (thường lớp phó học tập sẽ đảm nhận vai trò này).

Thầy khuyến khích nên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho nhau và tương tác mỗi khi có bạn báo bài hoặc thắc mắc. Mỗi tháng, lớp sẽ bình chọn cho hạng mục “chiến binh tương tác” để nhận quà nên các bạn rất chăm trao đổi với nhau.

Vui buồn chuyện nhóm chat học tập - Ảnh 4.

Thầy La Chí Khang - Ảnh: NVCC

Thầy cho biết, vì tâm lý chung các bạn thường lười kiểm tra tin nhắn nhóm do quá nhiều tin đến liên tục. Việc tắt thông báo nhóm có thể các bạn sẽ không xem được những thông tin cần trao đổi. 

Thầy cho rằng việc kích thích tương tác nhận quà khiến các bạn thấy việc trao đổi kinh nghiệm trên nhóm hứng thú hơn. Ngoài ra, thầy Phú còn đặt ra thời gian trao đổi bài là 19h30 hằng ngày để tránh tình trạng tin nhắn đến rải rác, làm ảnh hưởng đến các bạn.

Về cách tránh tình trạng tin nhắn gửi “nhầm địa chỉ” do sơ suất, nếu cần thiết bạn có thể tách riêng tài khoản học tập với tài khoản “sống ảo” thường ngày. Điều này giúp bạn tập trung hơn trong những giờ cần trao đổi về học tập, làm việc nhóm, hạn chế việc bị “quê độ” khi nhắn tin nhầm nhóm.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: