Để rút ngắn khoảng cách thế hệ

avatar THANH TRÚC

Thứ năm, 06/07/2023 09:59 (GMT+7)

Câu chuyện sau đây của bạn Thanh Trúc (THPT Trần Phú, Q.Tân Phú) sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn khác về khoảng cách thế hệ.

Lí do khoảng cách thế hệ ngày càng lớn

Chẳng biết từ lúc nào, giữa mình và ba mẹ dần bị ngăn cách bởi một bức tường mang tên: khoảng cách thế hệ. Cũng như bao người, mình đã và đang trải qua những lần dở dở ương ương của tuổi dậy thì, những biến đổi về mặt tâm sinh lí.

Ngay từ những ngày bắt đầu chập chững vào lớp một, mình đã được ba mẹ dặn dò: "Phải cố gắng được học sinh giỏi". Mình đã nỗ lực trong suốt năm năm tiểu học và đem về danh hiệu ưu tú đó cho ba mẹ. Những sự cố gắng đầy mệt mỏi ấy, mình không dám kể cho ai, kể cả ba mẹ.

Có lẽ vì thế mà ngay từ những năm cấp hai, mình vẫn giữ thói quen ấy: Không chia sẻ gì cả. Bị bạn bè bắt nạt, mình tự nói thầy cô giáo; bị áp lực điểm số từ gia đình, tự giữ trong lòng. Mình âm thầm chịu đựng. Cứ như thế, mình đến tuổi dậy thì.

Cách để mình rút ngắn khoảng cách thế hệ - Ảnh 1.

Gia đình Thanh Trúc năm 2017.

Chẳng hiểu sao mình trở nên dễ cáu gắt với mọi người, từ những chuyện nhỏ nhặt nhất, đặc biệt là với những người trong gia đình. "Bi ơi, ra chuyển tiền điện thoại giùm cho ba" - "Ba tự làm đi, con đang học". Mỗi khi ba mẹ nhờ vả việc gì, mình đều lấy lí do đang học hoặc là vẫn đi làm nhưng với sự không-tình-nguyện.

Ba mẹ có yêu cầu rất cao đối với việc học của mình, phải được top đầu của lớp, làm mình rất áp lực. Cảm giác mệt mỏi và bất lực khiến mình không muốn tiếp xúc và nói chuyện với ai, chỉ muốn chìm đắm trong không gian của mình. Mình cảm thấy sợ khi đối mặt hay ăn cơm với ba mẹ, sợ bị hỏi điểm hay bị so sánh với "con nhà người ta".

Mình cảm thấy ba mẹ chẳng hiểu mình, chỉ biết áp lực lên mình. Mình giận ba mẹ, nên mình ít nói chuyện được đàng hoàng với họ, thường chỉ trả lời cộc lốc. Đương nhiên là sau đó mình sẽ bị la, nhưng chẳng biết sao lúc đó mình bướng lắm, càng cấm, càng la thì mình càng làm. Vì vậy, mình và ba mẹ cứ thế mà xa cách dần.

Cho đến một ngày...

Mình đi học về sau một ngày mệt mỏi, đang ăn cơm, ba mẹ tình cờ đề cập đến một chị được học sinh giỏi ở lĩnh vực nọ. Xong ba mẹ mới quay ra nói mình là, học cho cố sau này không có kĩ năng giao tiếp xã hội và ngoại hình thì cũng như bỏ đi.

Như giọt nước tràn li, mình đập đũa xuống bàn. Ba mẹ mình sốc lắm, không nghĩ mình sẽ phản ứng như vậy. Mình bắt đầu nức nở nói: "Ba mẹ bắt con học được hạng này, hạng kia, con cũng cố. Con cũng mệt lắm, đi học con không chỉ áp lực mỗi việc học, sao ba mẹ không hiểu cho con. Con cũng chỉ là người bình thường, con đã cố gắng hết sức. Tại sao ba mẹ cứ khăng khăng là con không cố, con không áp lực".

Hãy đặt mình vào vị trí của ba mẹ

Rồi mình bỏ lên phòng. Mấy ngày sau cũng thế, mình chẳng thèm đụng mặt và nói chuyện với ba mẹ. Mình cứ tưởng sẽ mãi như thế. Nhưng vài ngày sau, ba mình uống say về nói: "Ba xin lỗi con gái, từ nay ba mẹ không áp lực con nữa. Chỉ là ba mẹ không muốn con phải khổ giống ba mẹ".

Mình ậm ừ dạ dạ không sao. Mãi khi ba về phòng, mình mới bật khóc. Mình vui không? Vui chứ, vui vì sau bao lần mình chịu đựng, cuối cùng ba mẹ cũng hiểu cho mình, mình đỡ áp lực hơn nhiều.

Rồi trong một lần đi ngang qua chỗ mẹ nghỉ ngơi, mình thấy mẹ ngồi xem những video, đọc những bài báo về sự thay đổi tâm sinh lí của tuổi dậy thì. Mình thấy ba lắng nghe những gì mình nói và quan tâm mình nhiều hơn. Ba mình cũng dần học cách lắng nghe, thông cảm, hiểu những áp lực của mình. Mình thấy cả ba lẫn mẹ bắt đầu cảm thông cho mình...

Cách để mình rút ngắn khoảng cách thế hệ - Ảnh 3.

Gia đình Thanh Trúc năm 2022.

Mình bắt đầu ngồi lại và tự đặt câu hỏi một cách nghiêm túc: Liệu có bao giờ mình hiểu cho ba mẹ chưa? Chắc chắn là mình chưa từng hiểu cho ba mẹ, chưa từng đặt bản thân vào vị trí của họ. Giữa cuộc sống bộn bề xoay quanh bốn chữ "cơm- áo - gạo- tiền", họ chỉ muốn những đứa con của mình trở nên thật ưu tú để thoát khỏi cuộc sống cùng cực. Có lẽ vì thế mà ba mẹ đã yêu thương mình sai cách. Nhưng chung quy lại, ba mẹ đều muốn tốt cho mình.

Mình bắt đầu ngồi lại và tự đặt câu hỏi một cách nghiêm túc: Liệu có bao giờ mình hiểu cho ba mẹ chưa?
Thanh Trúc

Những lần đi làm mệt mỏi về, đáng lẽ họ phải được sự quan tâm từ những đứa con của mình, chứ không phải là không khí "giương cung bạt kiếm". Mình bật khóc. Mình nhận ra, mình chưa bao giờ là một đứa con ngoan, mình cũng bắt đầu hối hận. Mình hối hận vì đã có những lần gắt gỏng với ba mẹ, hối hận vì chưa bao giờ hiểu cho ba mẹ mà phải bắt ba mẹ hiểu mình...

Nhưng rồi, nếu chỉ hối hận suông thôi thì thật vô nghĩa. Mình học cách thay đổi, kiềm chế cảm xúc. Mình học cách làm những món quà, viết những bức thư, trao những cái ôm đến ba mẹ vào những dịp sinh nhật, dịp lễ, hay đơn giản là nói cảm ơn: "Cảm ơn mẹ vì đôi dép nghen!".

Mình cũng dành một ít thời gian để tâm sự với ba mẹ, kể cho ba mẹ nghe những câu chuyện trong cuộc sống của mình. Và, mình thấy sự vui vẻ trong mắt của họ. Mình nghĩ, ồ, thì ra khoảng cách thế hệ chẳng có gì to tát lắm. Quan trọng là cả hai bên đều thông cảm và thấu hiểu cho nhau.

Ngày Gia đình Việt Nam, mình chuẩn bị một món quà nho nhỏ gửi đến ba mẹ. Đó là một bức ảnh về cả gia đình. Mong cả nhà mình luôn được bình yên và hạnh phúc. Thế là đủ!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: