Đề tài gia đình, giấc ngủ đoạt giải nhất cuộc thi Chuyên gia tâm lý trẻ 2025

Chủ nhật, 09/03/2025 06:31 (GMT+7)

Chiều 8-3, vòng chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng tâm lý Chuyên gia tâm lý trẻ 2025 đã diễn ra tại Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF).

Đề tài gia đình, giấc ngủ đoạt giải nhất cuộc thi Chuyên gia tâm lý trẻ 2025- Ảnh 1.

Đề tài Card game: Sợi dây gắn kết gia đình đã đoạt giải nhất bảng THPT - Ảnh: UEF

Mong muốn gỡ 'nút thắt' trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái

Cuộc thi Chuyên gia tâm lý trẻ 2025 diễn ra với hai bảng thi, một bảng dành cho học sinh THPT và một bảng dành cho sinh viên các trường đại học tại TP.HCM. Qua hơn hai tháng tranh tài, sân chơi thu hút gần 200 học sinh, sinh viên từ 8 trường đại học và 8 trường THPT với 58 đề tài đăng ký tham gia cuộc thi.

Tại vòng chung kết, mỗi nhóm thí sinh trình bày về đề tài của mình trong 2 phút, sau đó nhận câu hỏi và phản biện từ ban giám khảo trong 8 phút. Thí sinh trình bày theo dạng thuyết trình, video, mô phỏng livestream hoặc diễn tiểu phẩm, tổ chức minigame đều được chấp nhận.

PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà (trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông của UEF, đơn vị chủ trì tổ chức cuộc thi) nhận định: "Với một cuộc thi mang dấu ấn của ngành Tâm lý học, đây là cơ hội tốt để các bạn trẻ có môi trường chuyên nghiệp để cọ xát, học hỏi, được thể hiện quan điểm, kiến thức tâm lý học gắn với vấn đề mà bản thân, xã hội quan tâm".

Đề tài gia đình, giấc ngủ đoạt giải nhất cuộc thi Chuyên gia tâm lý trẻ 2025- Ảnh 2.

Lê Khánh Thy, Trường TH-THCS-THPT Hoàng Gia (Royal School), trình bày về đề tài của mình - Ảnh: UEF

Kết quả chung cuộc, học sinh Lê Khánh Thy, Trường TH-THCS-THPT Hoàng Gia (Royal School) với đề tài Card game: Sợi dây gắn kết gia đình đã đoạt giải nhất bảng THPT.

Theo đó, bộ card game của Khánh Thy gồm có 30 thẻ với các chủ đề như học tập, tình bạn, tình cảm, ngành nghề, kỹ năng sống. 

Mỗi ngày hoặc mỗi tuần, người chơi là phụ huynh và học sinh sẽ lấy một thẻ theo thứ tự rồi trả lời câu hỏi trên thẻ. Khi bốc thẻ cuối cùng, người chơi sẽ nhìn nhận lại thời gian đã qua mình đã hiểu nhau được bao nhiêu. Có ba loại câu hỏi trong bộ thẻ gồm câu hỏi thể hiện sự chia sẻ, thể hiện quan điểm và đưa ra lời khuyên.

Đề tài gia đình, giấc ngủ đoạt giải nhất cuộc thi Chuyên gia tâm lý trẻ 2025- Ảnh 3.

Đội thi đoạt giải nhì bảng THPT của cuộc thi - Ảnh: UEF

Thy cho biết, đề tài này xuất phát từ việc bạn nhận thấy tình trạng mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái trong xã hội ngày càng tăng. Do đó bạn đã thực hiện một cuộc khảo sát về kinh nghiệm và lời khuyên của cha mẹ ở hai đối tượng là phụ huynh và học sinh, từ đó tạo ra bộ card game này.

"Thông qua đề tài, mình mong rằng hành trình thấu hiểu giữa hai đối tượng kể trên sẽ phần nào trở nên dễ dàng hơn, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh cãi trong gia đình", Khánh Thy nói.

Giải nhất bảng sinh viên Chuyên gia tâm lý trẻ 2025: Ngưng trì hoãn giấc ngủ để tỏa sáng

Trưởng nhóm Trương Đình Thiên Ngọc cho biết, sau khi nhóm của bạn hoàn thành phần thi đầu tiên, các bạn đã theo dõi phần thi của các đội khác và thấy rất ấn tượng. Vì thế mà đến phần công bố giải thưởng, ba thành viên nhóm đều không nghĩ mình sẽ giành giải nhất bảng sinh viên do có quá nhiều đối thủ nặng ký.

Đề tài gia đình, giấc ngủ đoạt giải nhất cuộc thi Chuyên gia tâm lý trẻ 2025- Ảnh 4.

Thành viên nhóm đoạt giải nhất bảng sinh viên, từ trái sang phải: Nguyễn Chí Bảo, Trương Đình Thiên Ngọc, Phạm Khải Hoàn - Ảnh: UEF

"Lúc đó cả ba tụi mình đều rất hồi hộp và không quá kỳ vọng. Tuy nhiên khi được xướng tên cho ngôi vị cao nhất thì ai nấy đều bất ngờ và hạnh phúc", Thiên Ngọc nhớ lại.

Tên đề tài của nhóm là "Sleep on time, shine all the time" (tạm dịch là ngủ đúng giờ, tỏa sáng mọi lúc) hướng đến mục đích giúp sinh viên bớt dần thói quen trì hoãn giấc ngủ, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Từ đó nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần và cải thiện hiệu quả học tập, phát triển theo định hướng nghề nghiệp.

Thiên Ngọc cho rằng, giấc ngủ là một trong những yếu tố cần thiết giúp cơ thể phục hồi và duy trì sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều sinh viên hiện nay đang gặp phải tình trạng thiếu ngủ do áp lực học tập, công việc, các yếu tố xã hội và đặc biệt là thói quen trì hoãn giấc ngủ.

Đây là một thói quen nguy hiểm, được hình thành khi sinh viên không biết cách quản lý thời gian, thiếu kỷ luật cá nhân và thiếu những thói quen sinh hoạt lành mạnh.

Để giải quyết vấn đề này, Thiên Ngọc cùng Nguyễn Chí Bảo và Phạm Khải Hoàn (cả 3 đều là sinh viên năm 3, ngành tâm lý học giáo dục, Khoa Giáo dục thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) triển khai fanpage Chúc ngủ ngon

Tại đây, nhóm cung cấp kiến thức về giấc ngủ, khái niệm trì hoãn giấc ngủ,... Sau đó, nhóm sẽ đề xuất giải pháp, tổ chức minigame để người theo dõi cùng thực hiện.

"Nhóm mình đã nhận được rất nhiều bình luận tích cực về nội dung trên fanpage Chúc ngủ ngon và những tác động của đề tài này đến giấc ngủ, thái độ sống của các bạn. Điều đó làm chúng mình cảm thấy rất ấm lòng. Bật mí là tụi mình sẽ tiếp tục phát triển Chúc ngủ ngon theo hướng cụ thể hơn trong tương lai", Thiên Ngọc chia sẻ.

Được biết, Chuyên gia tâm lý trẻ 2025 là cuộc thi đầu tiên về lĩnh vực tâm lý học được tổ chức ở quy mô toàn thành phố. Cuộc thi góp phần tìm kiếm các nhân tố tiềm năng trong lĩnh vực nghề nghiệp mà doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: