HƯỚNG DẪN CHẤM
I. Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn nghị luận văn học
Câu 1.
a. Đoạn trích được tô đậm viết theo thể thơ song thất lục bát. (0,5 điểm)
b. Những từ ngữ, hình ảnh về điều kiện thời tiết trong đoạn thơ: rét, heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn. (0,25 điểm) (Nêu đúng 2/3 từ ngữ, hình ảnh vẫn cho trọn điểm)
Tác dụng:
- Tái hiện sự khắc nghiệt, khó khăn của điều kiện thời tiết. (0,25 điểm)
- Tô đậm sự vất vả, khó nhọc và những hi sinh của người mẹ. (0,25 điểm)
c. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: đảo ngữ (khó nhọc đời bầm sáu mươi). (0,25 điểm)
Tác dụng:
- Nhấn mạnh, gợi ấn tượng rõ hơn về những vất vả của bầm. (0,25 điểm)
- Góp phần bộc lộ tình cảm, cảm xúc dành cho bầm của tác giả. (0,25 điểm)
(Nếu HS nêu các biện pháp khác (điệp từ, điệp cấu trúc, so sánh …) dù có ghi tác dụng đúng thì chỉ cho tối đa 0.5 điểm vì không nằm trong phạm vi kiến thức của chương trình lớp 8 và lớp 9)
d. HS tự do trình bày quan điểm cá nhân, miễn hợp lí và thuyết phục.
Phần trả lời của HS phải gồm 2 ý: ấn tượng về mặt nội dung và về mặt hình thức của những câu thơ.
Có thể theo gợi ý sau:
Ấn tượng với câu thơ sau:
"Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!"
Nguyên nhân:
- Về mặt nội dung: Thể hiện được nỗi lo lắng, sự quan tâm và tình yêu thương của người con chiến đấu xa nhà dành cho người mẹ của mình. (0,5 điểm)
- Về mặt hình thức: Tình cảm chân thành, tha thiết, sâu sắc ấy của người con đã được thể hiện qua hình ảnh đầy xúc động và được khắc họa sinh động, cụ thể với biện pháp tu từ so sánh. (0,5 điểm)
Câu 2.
Yêu cầu:
- Đáp ứng yêu cầu về hình thức của đoạn văn (theo cấu trúc đoạn phối hợp), dung lượng của đoạn văn (khoảng 200 chữ). (0,25 điểm)
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Bầm ơi (Tố Hữu). (0,25 điểm)
- Diễn đạt hay và có ý sáng tạo. (0,25 điểm)
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
- Lỗi diễn đạt lủng củng, sai chính tả, dùng từ và chấm câu sai, chữ viết cẩu thả.
Mắc từ 5 - 7 lỗi trừ 0,5 điểm
Mắc từ 8 - 10 lỗi trừ 0,75 điểm
Mắc trên 10 lỗi không cho vượt quá nửa số điểm cả câu.
Nội dung cần đạt:
Sau đây là một số gợi ý:
- Sáng tạo trong việc kết hợp hai thể thơ của dân tộc (lục bát và song thất lục bát). (0,25 điểm)
- Hình ảnh, từ ngữ được lựa chọn tinh tế, chắt lọc (heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn, chân lội dưới bùn, mưa phùn ướt áo tứ thân, mẹ già tóc bạc hoa râm,…) khiến thông điệp về tình cảm gia đình, tình yêu nước được chuyển tải nhẹ nhàng mà thấm thía. (0,25 điểm)
- Phát huy tối đa giá trị các biện pháp tu từ (đảo ngữ, câu hỏi tu từ, liệt kê, so sánh,…) trong việc biểu đạt ý nghĩa sâu sắc của bài thơ. (0,25 điểm)
- Giọng thơ ngọt ngào, tha thiết như một lời tâm tình chân thành của đứa con chiến đấu xa nhà hướng đến người mẹ ở quê của mình. (0,25 điểm)
II. Đọc hiểu văn bản nghị luận và viết bài văn nghị luận xã hội
Câu 1.
- Câu nói của Macxim Gorki có vai trò là một bằng chứng trong văn bản. (0,5 điểm)
- Bằng chứng này đã làm tăng sức thuyết phục, độ tin cậy cho luận điểm "công lao sinh thành, dưỡng dục của những người mẹ". (0,5 điểm)
Câu 2.
Yêu cầu:
- Đáp ứng yêu cầu về hình thức của bài văn (đầy đủ ba phần Mở bài - Thân bài - Kết bài). (0,5 điểm)
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: trình bày ý kiến về "con hư tại mẹ". (0,5 điểm)
- Diễn đạt hay và có ý sáng tạo. (0,5 điểm)
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.
- Lỗi diễn đạt lủng củng, sai chính tả, dùng từ và chấm câu sai, chữ viết cẩu thả.
Mắc từ 6 - 9 lỗi trừ 0,5 điểm
Mắc từ 10 - 13 lỗi trừ 0,75 điểm
Mắc trên 13 lỗi không cho vượt quá nửa số điểm cả câu.
Nội dung cần đạt: Sau đây là một số gợi ý
- Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề: vẫn lựa chọn .
- Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giải thích vấn đề nghị luận (Theo người xưa, việc giáo dục con cái là của người mẹ; do vậy, khi một đứa trẻ không ngoan ngoãn, nghe lời thì phần lớn trách nhiệm thuộc về mẹ vì đã không dạy dỗ đầy đủ. Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt tích cực hơn thì câu nói này cũng nhấn mạnh và đề cao vai trò của người phụ nữ trong việc giáo dục con cái. Chúng ta không phủ nhận vai trò của người cha trong gia đình nhưng thực tế mẹ là người dành nhiều thời gian bên cạnh con cháu hơn. Cũng vì lẽ đó, họ đóng vai trò lớn trong việc hình thành nhân cách và sự phát triển của trẻ). (0,5 điểm)
+ Đồng tình với mặt tích cực của quan điểm (đề cao tầm quan trọng của người mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái): Trong thiên chức làm mẹ, việc nuôi dưỡng con cái là nhiệm vụ và là vai trò đặc biệt của người phụ nữ. Với tình thương yêu vô bờ bến từ trái tim tuyệt vời, người mẹ nào cũng luôn mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con. Mẹ chăm sóc con toàn diện từ khi con mới chào đời, ngay cả sau khi con đã trưởng thành. Trong gia đình, mẹ là một người có nhiều ảnh hưởng đến con cái. Mẹ chọn lựa cẩn thận những sinh hoạt cho con, nâng đỡ và bảo vệ con. Mẹ quán xuyến tất cả các sinh hoạt, khuyến khích con tham gia những sinh hoạt tại trường và ngoài xã hội. Mẹ là luôn cô giáo đầu đời cho con, thường dành nhiều thời giờ hơn để cùng ăn chung, cùng làm việc, cùng đọc sách, cùng trao đổi. tâm sự. Mẹ luôn khích lệ và tin tưởng với những quyết định của con, luôn âm thầm yểm trợ cho con, và chấp nhận phần thiệt về mình. Với tâm tình dịu hiền, đảm đang, khôn ngoan người mẹ đã dạy dỗ con cái mình nên người chân thật, biết sống theo đạo lí. Niềm hạnh phúc của người mẹ là mong muốn thấy con cái mình trở nên những người hữu ích cho gia đình, xã hội và quê hương. (1,0 điểm)
+ Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều để có cái nhìn toàn diện (phủ nhận mặt tiêu cực của quan điểm "Con hư tại mẹ"): Trẻ em chính là sản phẩm của bố mẹ, ông bà. Một đứa con trưởng thành nên người đầu tiên là nhờ ảnh hưởng từ bố mẹ, ông bà, anh chị em trong gia đình. Sự ảnh hưởng này không chỉ là liên quan đến cách giáo dục gia đình mà còn bởi lối sống, bởi nhân cách của những thành viên trong gia đình đó. Thay vì tranh cãi xem trách nhiệm thuộc về ai khi con cái không ngoan ngoãn, người lớn hãy thống nhất để có được phương pháp giáo dục trẻ tốt nhất. Mẹ cần bớt cảm tính, nên lý trí, logic, nghiêm khắc hơn mỗi khi con mắc lỗi. Bố và những người thân khác cũng hãy quan tâm và có ý thức trách nhiệm hơn trong việc nuôi dạy con. (0,5 điểm)
- Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân (bản thân học sinh/ mỗi người trẻ cần cố gắng thể hiện tình thương yêu, sự quan tâm đến mẹ bằng những hành động, việc làm cụ thể: thay vì nói "con thương mẹ" thì hãy phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu những bữa ăn ngon hợp khẩu vị cho cả gia đình, nhớ những chi tiết quan trọng trong cuộc sống của mẹ như ngày sinh nhật, món ăn yêu thích để cho mẹ thấy rằng mình luôn ở bên cạnh, đồng hành cùng mẹ trong mọi khoảnh khắc; biết dần tự lập, biết cách tự chăm sóc bản thân bằng cách ăn uống, sinh hoạt điều độ lành mạnh, không thức khuya, bỏ bữa… để mẹ an tâm hơn). (0,5 điểm)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận