Đọc vị cơn ho giảm bớt nỗi lo

Thứ sáu, 20/09/2024 20:00 (GMT+7)

Thời tiết mưa nắng thất thường khiến chúng ta dễ mắc các bệnh về hô hấp. Những cơn ho gió, ho khan, ho có đờm kéo dài khiến nhiều bạn khó chịu.

Đọc vị cơn ho giảm bớt nỗi lo- Ảnh 1.

Minh họa do AI thực hiện

Vì sao chúng ta ho?

Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể, có vai trò tự vệ và làm sạch. Bằng luồng hơi áp lực cao từ cơ hoành, cơn ho giúp cơ thể tống khứ những vị khách không mời như vi khuẩn, vi rút, dị vật, chất kích thích, nhầy nhớt... ra khỏi đường thở, làm sạch hô hấp.

Tương tự, khạc nhổ cũng có vai trò như ho, chỉ khác ở sự chủ động.

Ho là “đặc sản” của bệnh hô hấp?

Mọi thứ làm hại, làm phiền tới hệ hô hấp đều thuộc phạm vi che chở của cơn ho. Những nguyên nhân gây ho có thể kể đến như: viêm nhiễm (cảm, cúm, viêm họng, viêm phế quản, ho gà, lao), dị ứng, hen suyễn, kích ứng (không khí lạnh, khói thuốc, bụi bặm, mùi hăng).

Ngoài ra, cơn ho đôi khi bị “vạ lây” từ nơi khác như: trào ngược dạ dày thực quản, viêm xoang, suy tim, xơ nang...

Cơn ho được “chia bảng” như thế nào?

Bắt bệnh đúng cơn ho giúp việc chẩn đoán và điều trị chính xác hơn. Nhìn nhầm cơn ho dẫn đến điều trị sai, biến ho nhẹ thành nặng, ho cấp thành mãn tính.

Người ta phân chia cơn ho đủ kiểu: theo thời gian (cấp/ bán cấp/mãn tính), thủ phạm... Nhưng dễ nhận diện và sát thực tế hơn cả là dựa vào “độ ướt”, tức ho khan và ho có đàm.

Có phải ho khan nhẹ hơn ho có đàm?

Ho khan thường là tác phẩm của vi rút, dị ứng, kích ứng, hen suyễn. Trong khi các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, trào ngược dạ dày... là thủ phạm gây ra ho có đàm.

Khó phân định nặng nhẹ giữa ho khô và ho ướt. Chẳng hạn, ho có đàm thường từ viêm nhiễm hô hấp dưới nhưng nhờ “ẩm ướt” mà cơn ho trông không khổ sở như ho khan. Tuy vậy, tốt hơn nên trao quyền “đọc vị” cơn ho cho bác sĩ.

Thế nào là một cơn ho nặng?

Đó là những cơn ho kéo dài (trên 2 tuần không thuyên giảm) kèm sốt, khó thở, đau ngực, ho ra máu hoặc ảnh hưởng đến ăn uống, ngủ nghỉ, sụt cân, khàn tiếng, mồ hôi đêm...

Từ đây, có thể suy ngược từ dấu hiệu cơn ho nặng để nhận diện cơn ho nhẹ. Theo đó, cơn ho nhẹ có thời gian dưới 2 tuần. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm độ nghiêm trọng triệu chứng kèm theo, và độ lành của căn nguyên (cảm, cúm, dị ứng, kích ứng).

Có những cơn ho cần cấp cứu ngay?

Những cơn ho nguy hiểm thường dính đến các căn bệnh nặng như: viêm phổi nặng, phù phổi, xẹp phổi, tràn khí, dị vật... Lúc này, bạn cần phải cấp cứu ngay. Đặc biệt, cơn ho đỏ mặt tía tai là dấu hiệu vàng giúp cứu kịp nhiều đứa trẻ bị hóc dị vật.

Xử lý tốt nhất với cơn ho là để yên hay xử mạnh tay?

Như các miếng tự vệ khác (sốt, tiêu chảy) của cơ thể, chúng ta cũng hành xử với cơn ho tương tự. Nếu không có gì bất ổn thì để yên cho cơn ho làm nhiệm vụ. Chúng ta chỉ nên ra tay khi chúng “làm mình làm mẩy” nhưng không phải tiêu diệt mà là giảm nhẹ khó chịu.

Điều trị cơn ho thế nào?

Tất nhiên phải điều trị bệnh gốc. Khi trị xong bệnh gốc thì cơn ho cũng “cuốn gói ra đi”. Để một cơn ho dịu lại, có thể dùng:

* Toa không kê đơn gồm: thuốc ức chế ho (dextromethorphan), kháng histamin (chlorpheniramine), long đờm (guaifenesin), thông mũi (pseudoephedrine).

* Hoặc toa kê đơn có chữ ký bác sĩ với codein, benzonatate, thuốc hít.

Tốt hơn hết là bạn nên có hướng dẫn chuyên môn, bởi cả với cơn ho nhẹ, nếu không nhận diện được bạn vẫn có thể uống sai hoặc thừa thuốc.

Có thể trị cơn ho không tốn viên thuốc?

May mắn ho là triệu chứng dễ chịu với thuốc Nam. Trong dân gian có cả kho cây nhà lá vườn, rất mát tay khi điều trị những cơn ho nhẹ và ngắn ngày, có thể kể đến như: mật ong, gừng, tần dày lá, quất, cam, lê, tỏi, hẹ, chanh, củ cải...

Từ những dược liệu căn bản này có thể “xào nấu” vô số bài thuốc trị ho “nhỏ mà có võ”, đơn cử như rau tần hấp mật ong, quất chưng đường phèn, lê hấp đường phèn, sirô hành tím, nước củ cải luộc, nước tỏi hấp...

Những cách làm dịu cơn ho

* Nước là “bậc thầy” làm dịu cơn ho, tốt nhất uống nước ấm, hạn chế nước lạnh, đá lạnh.

* Súc miệng bằng nước muối ấm.

* Xông hơi nước mũi họng, tắm nước nóng giúp giảm khó chịu, thông mũi.

* Nghỉ ngơi, kê cao gối khi ngủ, tránh khói bụi, ẩm thấp và tăng cường miễn dịch.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: