Gặp bạn cùng bàn “tánh kỳ” - phải làm sao đây?

avatar AN TÚ - PHI LÊ

Thứ hai, 25/09/2023 14:01 (GMT+7)

Khi đi học, hầu như bạn nào cũng muốn có bạn cùng bàn hợp gu. Thế nhưng, đôi lúc chúng ta lại gặp phải những bạn “tánh kỳ”.

Những điều dễ hờn từ bạn cùng bạn

Trần Thu Hằng (quận 10) rất khó chịu khi bạn cùng bàn tùy tiện lấy đồ của mình dùng. Thỉnh thoảng, bạn ấy còn cầm nhầm đồ của Hằng mang về. Thế là Hằng lúc nào cũng phải để mắt canh chừng bạn.

Bạn Trần Kiều My (Trường THPT Trưng Vương, quận 1) cho biết, lúc đầu bạn cảm thấy bạn cùng bàn khá hài hước. Tuy nhiên, càng ngày "đối phương" càng nói nhiều. Bạn nói cả trong giờ học khiến My không thể tập trung. Thậm chí My còn bị giáo viên mắng oan vì tội nói chuyện riêng.

"Lần đó, mình cho bạn cùng bàn mượn sách. Nhưng khi trả, sách quăn góc, nhăn nheo và nhiều trang rất bẩn. Mình hỏi thì bạn bảo đấy là thói quen. 

Tuy bạn đã xin lỗi nhưng mình vẫn thấy khó chịu" - bạn Nguyễn Thị Thanh Trúc (Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp) kể khổ.

Không những vậy, nhiều bạn còn có trải nghiệm "chịu hổng nổi" với nhà kế bên như mùi hôi cơ thể, mùi giày... Đến mức nhiều bạn phải xin cô chuyển chỗ.

Việc “hổng hợp” với bạn cùng bàn không phải là chuyện hiếm. Nếu không biết cách giải quyết rất dễ dẫn đến tình bạn rạn nứt, cãi vã, khó tập trung học tập.

Như Trường hợp của Thu Hằng trong câu chuyện trên. Bạn và bạn cùng bạn đã cạch mặt nhau. Hằng kể: “Sau nhiều lần mất đồ, mình nhắn tin nói thẳng với bạn ấy. Cả hai dùng những lời lẽ khá khó nghe. Cô chủ nhiệm mời phụ huynh và phải đổi chỗ cho tụi mình. Từ đó cả hai không thèm nhìn mặt dù học cùng lớp”.

Để "cơm lành, canh ngọt" với bạn cùng bàn

Bạn cùng bàn thường gắn bó với tụi mình cả năm học. Mỗi người đều có lối sống, suy nghĩ khác nhau. Đôi khi "bạn cùng bàn" sẽ không biết những thói quen của mình lại làm bạn khó chịu, và ngược lại. Thế nên, thay vì căng thẳng, hãy góp ý nhỏ nhẹ trước.

Bạn Trần Kiều My rủ cậu bạn “nói nhiều” ra căn tin uống trà sữa. Nhờ đó My mới biết bạn ấy thường xuyên ở nhà một mình. Do cô đơn nên bạn có nhu cầu...nói nhiều. My và bạn đã thỏa thuận trong lúc cô giảng sẽ tập trung nghe. Những lúc ra chơi, My sẽ nhiều chuyện cùng bạn ấy. "Nếu ngại nói chuyện, chúng mình hoàn toàn có thể viết thư hoặc nhắn tin góp ý" - My cho biết.

Để "cơm lành, canh ngọt" với bạn cùng bàn không quá khó -  Ảnh minh họa: Marguelicot - HHT MEDIA CLUB

Để "cơm lành, canh ngọt" với bạn cùng bàn không quá khó - Ảnh minh họa: Marguelicot - HHT MEDIA CLUB

Bạn Minh Anh (cựu học sinh Trường THPT Thủ Đức, TP.Thủ Đức) chia sẻ rằng, với những thói quen khó thay đổi như rung đùi, than vãn, cần nói thẳng cảm xúc của mình ra.

"Teen nên nói chuyện với bạn cùng bàn về thói quen và sự khác biệt của nhau. Mỗi người chịu thay đổi một chút" - Minh Anh hiến kế.

Ngoài ra chúng mình cũng nên tâm sự và xin lời khuyên từ người ngoài cuộc để có cái nhìn khách quan hơn. Nhiều khi "người cùng bàn" không quá đáng ghét, chỉ là do chúng ta ác cảm quá mức thôi.

Nếu chúng mình đã thẳng thắn trao đổi nhưng vẫn không thể cứu vãn thì teen nên gặp riêng giáo viên chủ nhiệm xin đổi chỗ nhé!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: