Gen Z kể chuyện đứng lên từ thất bại trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thứ tư, 31/07/2024 20:05 (GMT+7)

Thất vọng, hụt hẫng… là cảm xúc của những bạn có điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 không như mong đợi. Nhưng bạn ơi, thất bại chỉ xảy đến khi bạn thật sự bỏ cuộc.

Gen Z kể chuyện đứng lên từ thất bại trong kỳ thi tốt nghiệp THPT- Ảnh 1.

Anh Chế Quang Huy - Ảnh: NVCC

Thất bại với nguyện vọng 1 nhưng thành công với nguyện vọng thứ 2

Khi đọc được dòng than thở của một bạn học sinh: “Mình xét khối C00 nhưng chỉ đạt 20 điểm, có khả năng đậu trường nào hay không?”, anh anh Chế Quang Huy, nghiên cứu viên tại Trường đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) có chút chạnh lòng và nhớ lại thất bại của bản thân của ngày xưa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

6 năm trước, anh Huy rất mê vẽ và khao khát được đậu vào ngành kiến trúc Trường đại học Kiến trúc TP.HCM. Ngày nhận kết quả trượt nguyện vọng 1 vì thiếu 0,05 điểm khối V00, anh đã rất hụt hẫng. “Mình xem đây là cơ hội duy nhất để có thể theo đuổi đam mê”, anh Huy nói.

Thời gian đó, anh Huy đã không để bản thân chìm trong sự thất vọng, chán nản quá lâu. Trước đó, anh cũng đã tìm hiểu về ngành kỹ thuật máy tính và chọn đây là nguyện vọng thứ 2.

Thời gian đầu tiếp xúc với công nghệ thông tin, robotic... anh cảm thấy ngành học này khá khô khan, không thể hiện được sự sáng tạo như kiến trúc.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc sâu hơn, anh nhận ra ngành này sẽ có nhiều đóng góp hữu ích trong cuộc sống. Sau đó, anh Huy đã có một đề tài nghiên cứu giúp cải thiện hệ thống nhận diện biển số xe của các phương tiện vi phạm.

Năm thứ ba đại học, anh Huy muốn tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực công nghệ thông tin nên quyết định học thêm văn bằng 2 ngành khoa học máy tính. Anh mất 4,5 năm để tốt nghiệp hai bằng đại học với số điểm 8.36/10. Hiện tại, anh Huy là nghiên cứu viên và giảng dạy tại Trường đại học Công nghệ Thông tin.

“Với mình nguyện vọng 1 cũng chỉ là một sự lựa chọn trong cuộc sống, xuất phát từ ưu tiên bản thân. Khi cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, biết đâu thành công sẽ đến sớm hơn so với lựa chọn ban đầu.

Nếu không may mắn ở kỳ thi này thì hãy cố gắng, nỗ lực với những cơ hội khác thay vì nghĩ đến việc bỏ cuộc”, anh Huy chia sẻ.

Đổi 0,25 điểm để lấy hành trình 7 năm ý nghĩa

9 năm trước, anh Nguyễn Thiện Thắng gần như chết lặng khi biết bản thân thi trượt vào Trường đại học An ninh Nhân dân (TP.HCM). Điểm chuẩn năm đó của trường là 25, anh chỉ thiếu 0,25 điểm.

Khi ba mẹ hỏi về kết quả, anh chực trào nước mắt, đôi môi run bần bật như muốn nói nhưng không thể cất lời. Ngày hôm ấy, anh Thắng tưởng như cả bầu trời sụp đổ.

Trước đó, anh từng là học sinh chuyên Toán Trường THPT chuyên Thăng Long (tỉnh Lâm Đồng). Anh luôn tự tin vào sức học của bản thân. Trong tất cả những lần thi thử, anhThắng đều đạt tổng điểm khối A trên 26.

Gen Z kể chuyện đứng lên từ thất bại trong kỳ thi tốt nghiệp THPT- Ảnh 3.

Anh Nguyễn Thiện Thắng - Ảnh: NVCC

Bước vào phòng thi với trạng thái đầy tự tin, nhưng khi nhận được kết quả anh Thắng gần như gục ngã. Điểm môn Toán đạt 7,75, thấp nhất trong 3 môn xét tuyển khối A00. “Lớp mình năm đó có hơn 20 bạn đỗ vào trường y, còn mình thì rớt đại học”, anh Thắng nói.

Xấu hổ, thất vọng, chán ghét bản thân... là những cảm giác mà anh Thắng phải trải qua vào 9 năm trước.

Khoảng 1 tuần sau, anh mới chấp nhận được rằng bản thân đã thất bại. Nhờ gia đình động viên, anh đăng ký và trúng tuyển vào Trường cao đẳng An ninh Nhân dân 1 (Đồng Nai).

Thời gian đầu nhập học, anh Thắng vẫn còn mang theo cảm giác tủi thân vì phải học bậc cao đẳng trong khi bạn bè cùng trang lứa đang học đại học.

Trong quá trình học, anh gặp được những người bạn cùng cảnh ngộ: “Mình được ở chung với những người bạn cũng trượt nguyện vọng 1. Mọi người đã thấu hiểu và chia sẻ với nhau rất nhiều thứ. Thời gian này, mình đã rất nỗ lực để đạt được thành tích tốt trong học tập”, anh Thắng chia sẻ.

Năm 2018, anh tốt nghiệp cao đẳng và được phân công về công tác tại đơn vị ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. “Lúc này, mình mới nhận ra, hành trình của bản thân rất đáng tự hào. Mình được ra trường và làm việc trước những bạn học đại học 1 năm. Những va chạm thực tế khi đi làm như một khoảng bù trừ tuyệt vời cho hành trình học tập của mình”, anh Thắng chia sẻ.

Hai năm sau, anh Thắng sắp xếp công việc tại đơn vị và tiếp tục liên thông lên bậc đại học tại Trường đại học An ninh Nhân dân, nơi mà 5 năm trước anh từng khao khát được đặt chân vào. Năm 2022, anh Thắng tốt nghiệp đại học và trở về đơn vị công tác.

“Hành trình theo đuổi ước mơ của mình có thể dài hơn, nhưng nó đầy trải nghiệm và bài học quý giá. Mình có thêm hai nhóm bạn khi học cao đẳng và đại học. Mình được học, ăn, ngủ, tập luyện ở cả hai ngôi trường, điều này giúp mình được va chạm, quen biết và kết nối nhiều mối quan hệ hơn”, anh Thắng nói.

Anh Thắng rất tâm đắc câu: “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó” của nhà văn Paulo Coelho.

Thời điểm hiện tại, chẳng ai còn nhớ câu chuyện anh Thắng từng rớt đại học. “Mình cũng chẳng còn buồn. Mọi người cũng chỉ quan tâm hiện tại mình có sống tốt hay không. Vì vậy, hãy tìm cho mình cơ hội thứ hai để học tập, trải nghiệm. Hành trình của chúng ta có thể hơi vất vả, không đúng như dự tính ban đầu nhưng rồi sẽ thành công nếu cố gắng, khao khát”, anh Thắng nói.

Hãy là những cánh diều bay ngược gió!

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, cựu giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM, đã có thêm một số chia sẻ giúp teen mình vượt qua “cú sốc đầu đời” này.

* Cảm giác thất vọng, hụt hẫng ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn bình thường. Bạn hãy chấp nhận cảm xúc của bản thân nhưng đừng quá tiêu cực, suy sụp. Sẽ chẳng có gì xấu hổ nếu chúng ta đã cố gắng hết sức trong kỳ thi vừa qua. Dù sao cũng nên trân trọng thành quả của mình.

* Hãy nhìn nhận lại quá trình học tập, ôn luyện, tâm lý trong lúc làm bài thi... nếu kết quả chưa phản ánh đúng năng lực của bạn. Tiếp tục cố gắng ôn luyện và trở lại vào kỳ thi năm sau. Hành trình của bạn có thể dài, thử thách hơn dự định nhưng nó sẽ rất tuyệt vời nếu xem đây là cơ hội để rèn luyện, thử thách bản thân.

* Hãy tập suy nghĩ theo hướng có rất nhiều người đang thành công, nhưng những bước đầu của họ cũng chông gai, khó khăn và mình đang bắt đầu hành trình đó. Diều ngược gió thì mới bay cao, nếu xem đây là thất bại thì còn quá sớm. Bạn chẳng cô đơn, vì có rất nhiều bạn cũng đang rơi vào trường hợp tương tự. Hãy tự đặt câu hỏi rằng: “Họ đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội thứ hai thì tại sao mình lại có ý định bỏ cuộc?”.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: