Gen Z làm kịch truyền thanh: đam mê và nỗ lực

avatar ĐẶNG HỒNG THẮM

Thứ hai, 07/08/2023 16:45 (GMT+7)

Trong bối cảnh “hiện hình” được xem là xu hướng, nhiều gen Z vẫn đang âm thầm tạo ra các sản phẩm truyền thông chất lượng bằng chính giọng nói của mình.

"Nghề nói" không đơn thuần là... nói!

Thanh Toàn hiện là chủ nhiệm CLB Phát thanh - Truyền hình Sinh viên, ký túc xá ĐHQG-HCM (thường được các thành viên gọi thân thương là "Nhà phát thanh"). Gia nhập CLB từ năm nhất đại học, đến thời điểm hiện tại, chàng trai gen Z này đã tích lũy cho bản thân kha khá kinh nghiệm trong lĩnh vực phát thanh.

Bàn về "nghề nói", Toàn bộc bạch: "Trước đó, mình nghĩ chỉ cần có chất giọng tốt là có thể làm được công việc này. Thế nhưng, sau hơn 2 năm trải nghiệm và học hỏi, mình nhận ra giọng nói là chưa đủ. Giọng hay, giọng đẹp nghe thì thích, nhưng nghe hoài sẽ bị 'lờn'. Điều quan trọng hơn chính là nội lực bên trong".

Gen Z làm kịch truyền thanh: đam mê và nỗ lực - Ảnh 1.

Theo Toàn, nếu muốn sống lâu dài với nghề, bên cạnh việc trau dồi giọng nói, người nói phải biết làm phong phú đời sống tâm hồn và nâng cao trí tuệ của bản thân. Ảnh: NVCC.

Là thành viên hoạt động sôi nổi của Nhà phát thanh, Mỹ Chi (sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho rằng người nói phải nắm chắc nội dung. Bên cạnh đó, bạn phải biết cách nuôi dưỡng cảm xúc để truyền đạt đến người nghe, giúp họ hiểu được, cảm được câu chuyện trong hoàn cảnh "không nhìn thấy".

Gen Z làm kịch truyền thanh: đam mê và nỗ lực - Ảnh 2.

Với Chi, "nghề nói" không đơn thuần là việc truyền đạt nội dung hay nói chuyện giao tiếp bình thường - Ảnh: NVCC.

Từng nghĩ việc nói đơn giản hơn việc "hiện hình", sau một thời gian trải nghiệm, Anh Thư (phó chủ nhiệm truyền thông Nhà phát thanh) chia sẻ: "Mình nhận ra người nói không thể chỉ biết mỗi "nói" mà còn phải biết nghe, biết viết, biết sử dụng công cụ phục vụ cho công việc, đặc biệt là biết học hỏi và rèn luyện để phát triển kỹ năng qua từng ngày".

Ở Nhà phát thanh, một sản phẩm có thể được tạo ra bằng cách thu - phát hoặc phát trực tiếp. Việc thực hiện có những điểm khác biệt, song các thành viên đều phải tuân thủ quy trình. Đầu tiên là tìm kiếm những đề tài phù hợp với đối tượng gen Z. Sau đó, các thành viên cùng lên kịch bản, Ban chủ nhiệm kiểm duyệt kịch bản. Kế đến là khâu thu âm và làm hậu kỳ. Toàn bộ quá trình thường sẽ do 2 thành viên phụ trách chính.

Với những chương trình phát trực tiếp, do yêu cầu kịp thời và chính xác nên kịch bản phải được biên tập một cách nhanh chóng, cẩn thận, còn khâu hậu kỳ được bỏ qua.

Mỗi lần đến phòng thu để thực hiện sản phẩm với những người bạn có cùng đam mê đều là một kỷ niệm đặc biệt, mỗi khoảnh khắc đều rất đáng trân quý.
Thanh Toàn

"Nghề nói" không hề lỗi thời

"Phải chăng loại hình báo chí phát thanh đang trong thời đoạn thoái trào?" - đây là câu hỏi khiến các thành viên trong Ban chủ nhiệm Nhà phát thanh trăn trở. Nhưng cuối cùng, các bạn vẫn tin rằng mỗi loại hình sẽ có những thế mạnh riêng. Phát thanh truyền tải thông tin và kết nối cảm xúc qua tiếng nói. Ngày nào con người còn có nhu cầu nghe thì ngày ấy còn phát thanh.

Với Anh Thư, xu hướng là do con người tạo ra và lựa chọn. "Thành viên câu lạc bộ chúng mình chủ yếu là gen Z. Các bạn yêu nghề nói và luôn nỗ lực để gửi đến thính giả những sản phẩm chỉn chu, chất lượng nhất. Chắc chắn, rằng ngoài kia vẫn còn rất nhiều gen Z giống như chúng mình" - Thư khẳng định.

Anh Thư tin rằng sản phẩm chất lượng sẽ luôn có chỗ đứng và sống bền với thời gian. Tất nhiên, bên cạnh việc giữ gìn "chất" phát thanh, các thành viên trong Nhà phát thanh phải luôn chủ động học hỏi, cập nhật xu hướng để làm đa dạng sản phẩm, thu hút sự quan tâm của sinh viên.

Hiện tại, các sản phẩm phát thanh vẫn đang nhận được phản hồi tích cực từ thính giả sinh viên. Mọi thứ được thể hiện qua các tin nhắn, lượt xem, lượt yêu thích, bình luận và chia sẻ trên Fanpage. Với tính chất "đóng" của một CLB thì những tương tác này vô cùng đáng quý, góp phần khích lệ tinh thần của mỗi thành viên.

Chúng mình thực sự biết ơn sự quan tâm của thính giả. CLB sẽ không ngừng trau dồi, đổi mới, sáng tạo để ngày càng có những sản phẩm đa dạng, đặc sắc và chất lượng.
Thanh Toàn


Tròn 20 năm hoạt động, CLB Phát thanh - Truyền hình Sinh viên, KTX ĐHQG-HCM đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng ước mơ của nhiều bạn trẻ đam mê "nghề nói". Hai thập kỷ trôi qua, nhiều thành viên của Nhà phát thanh đã trưởng thành, trở thành những người truyền cảm hứng bằng giọng nói. Hiện tại, thế hệ gen Z kế thừa vẫn đang nỗ lực phát triển CLB từng ngày.

CLB Phát thanh - Truyền hình Sinh viên, KTX ĐHQG-HCM những năm đầu thành lập - Ảnh: Tư liệu CLB

Mới đây nhất, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, CLB đã ra mắt dự án kịch truyền thanh Người sót lại của rừng cười dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Võ Thị Hảo.

Vở kịch có 3 tập, quá trình sản xuất kéo dài hơn một tháng. Trong quá trình thực hiện, các thành viên Nhà phát thanh luôn mang tinh thần cầu thị, chỉn chu đầu tư từ nội dung đến hình thức với hi vọng mang đến cho khán thính giả một sản phẩm chất lượng.

Sắp tới, CLB sẽ tổ chức một số hoạt động để hưởng ứng sự kiện Kỷ niệm 20 năm thành lập (6-12-2003 - 6-12-2023). Về lâu dài, các thành viên sẽ chung sức đổi mới các chương trình với mong muốn tạo ra sự đột phá, bước chuyển mình, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thính giả.

CLB Phát thanh - Truyền hình Sinh viên, KTX ĐHQG-HCM hiện nay - Ảnh

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: