Gen Z quyết tâm gìn giữ nghề gốm Lái Thiêu (Bình Dương)

Thứ năm, 08/08/2024 10:30 (GMT+7)

Thay vì làm công việc văn phòng, anh Hoàng Anh Tú (sinh năm 2000) chọn dành hết thời gian của mình để gìn giữ nghề gốm Lái Thiêu (Bình Dương).

Gen Z quyết tâm gìn giữ nghề gốm Lái Thiêu (Bình Dương)- Ảnh 1.

Anh Hoàng Anh Tú - Ảnh: NVCC.

Một lần lạc chân vào lò gốm Lái Thiêu xưa

Một ngày rảnh rỗi, Anh Tú lang thang qua các lò gốm Lái Thiêu (Bình Dương). Anh xin vào lò gốm Vương Xuân vẽ thử. Cảm giác hoài niệm ở một lò gốm cũ khiến anh quên hết ồn ào, thả hồn vào từng nét cọ.

Sản phẩm ra lò vượt xa sự mong đợi, anh Huỳnh (người thuê một phần lò gốm Vương Xuân) ngỏ lời mời anh Tú làm việc. Từ đó, anh Tú quyết định thử sức với nghề gốm.

Lò gốm Vương Xuân đã có tuổi đời trên 40 năm. Chủ lò là chú Bình Lị, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Thuở nhỏ, cô chú theo ba mẹ làm nghề từ lúc mới chín mười tuổi. Chú kể rằng ngày xưa, lò của chú rất đông đúc nhộn nhịp. Quanh đó cũng có cả trăm lò gốm, lao động tất bật vẫn không kịp với sức mua.

Gen Z quyết tâm gìn giữ nghề gốm Lái Thiêu (Bình Dương)- Ảnh 2.

Anh Tú chăm chú vẽ gốm - Ảnh: NVCC

Mặc dù hiện tại lò gốm không còn hưng thịnh như trước nhưng chú vẫn quyết đeo bám cách làm truyền thống của gốm Lái Thiêu. Các lò gốm ở đây thường sản xuất tô, chén, chậu... Người thợ không vẽ các chi tiết cầu kỳ, tinh xảo như gốm Bát Tràng, mà chọn những thứ gần gũi, bình dị quanh nhà như cây chuối, con gà, con cua...

Gen Z quyết tâm gìn giữ nghề gốm Lái Thiêu (Bình Dương)- Ảnh 3.

Lò gốm Vương Xuân (Bình Dương) trong ngày phơi gốm - Ảnh: HUỲNH XUÂN HUỲNH

Những ngày cùng gốm của chàng trai gen Z

Buổi sáng ở lò, anh Tú ngồi vẽ hoa văn lên đồ gốm do các thương hiệu đặt hàng. Sau khi xong việc, anh sáng tạo những món đồ gốm của riêng mình, rồi mang sản phẩm vào lò nung.

Những ngày ra lò, mọi người rất bận rộn, có hôm phải ở lại tới gần bảy giờ tối để thu dọn đồ gốm cất vào kho.

Gen Z quyết tâm gìn giữ nghề gốm Lái Thiêu (Bình Dương)- Ảnh 4.

Những sản phẩm anh Tú sáng tạo -Ảnh: NVCC

Lò gốm mỗi tháng nung một lần. Vì là lò củi nên không thể nung thường xuyên như lò điện hay lò gas, số lượng sản phẩm làm ra cũng ít hơn. Mỗi lần như vậy, anh Tú cùng các chú thợ nung đến cả ngàn sản phẩm.

Tiếp đến là công đoạn phơi gốm giữa trời nắng. Có những khi mưa ào xuống bất chợt, mọi người phải dầm mưa mang gốm vào thật nhanh, nếu không hàng ngàn sản phẩm sẽ bị hư hỏng.

Sau khi nung, anh gom những món đồ đó lại, kiểm tra, xử lý lỗi và đem đi cất hoặc giao cho khách.

Gen Z quyết tâm gìn giữ nghề gốm Lái Thiêu (Bình Dương)- Ảnh 6.

Sản phẩm gốm chủ đề mèo của anh Tú - Ảnh: NVCC

Anh Tú đang học thêm kỹ thuật xoay gốm, làm men... để làm những sản phẩm lớn, phức tạp hơn. Anh chia sẻ: “Mình thấy nghề gốm rất có chiều sâu, các kỹ thuật làm gốm luôn cần rèn luyện. Mỗi ngày trôi qua mình luôn cảm thấy mới mẻ, đặc biệt là khi giúp gốm Lái Thiêu tìm được đầu ra”.

Khách hàng mua gốm của anh Tú đa phần là các bạn trẻ. Anh hay bán hàng ở các hội chợ, nhận làm hàng cho khách du lịch nước ngoài.

Gen Z quyết tâm gìn giữ nghề gốm Lái Thiêu (Bình Dương)- Ảnh 7.

Những sản phẩm gốm sinh động - Ảnh: NVCC

Gen Z quyết tâm gìn giữ nghề gốm Lái Thiêu (Bình Dương)- Ảnh 8.

Ảnh: NVCC

Những chú mèo hoang ở lò gốm

Lò gốm có nhiều chú mèo hoang đáng yêu. Anh Tú thấy thương nên lấy đất dư ở lò nặn mấy thứ nhỏ xinh theo hình những chú mèo này, định bụng bán lấy tiền mua hạt cho mấy bạn nhỏ.

Anh Tú hay nhìn biểu cảm, hành động của tụi nhỏ rồi tưởng tượng thành những câu chuyện riêng, và đưa câu chuyện đó vào những sản phẩm.

Có lúc sản phẩm anh Tú làm ra vẫn bị hư nhiều, nên cảm thấy chán nản. Nhưng khi thấy mấy bé mèo bị đói, kêu meo meo thì anh lại thấy rất thương, và cố gắng làm thêm, bán được thật nhiều sản phẩm để lo cho các bé.

“Động lực để mình làm gốm một phần vì yêu nghề, một phần đến từ mấy bé mèo hoang nữa” - anh Tú tâm sự.

Bạn có thể xem các sản phẩm của anh Tú tại trang fanpage: Tiệm Cải Cúc.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: