Ghét nên mới anti - nhưng coi chừng, bạn đang phạm luật

avatar VENDY

Thứ năm, 17/08/2023 15:48 (GMT+7)

Ghét một ai đó là quyền của mỗi chúng ta. Nhưng anti rồi trở thành antifan cuồng, coi chừng nha, có thể bạn đang vi phạm pháp luật đấy!

Sơ hở là anti, ghét thì anti

Sau đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023, Hoa hậu Ý Nhi nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả. Tuy nhiên, cô bạn 18 tuổi này liên tục vướng tranh cãi liên quan đến những chia sẻ trong các buổi giao lưu truyền thông. Từ đó, không khó để gặp những người là antifan của cô

Trên mạng xã hội, cô bị lập nhóm "anti fan" (người tẩy chay hay người chống đối) với số người theo dõi lên tới nay đã hơn 616 nghìn thành viên. Nhóm đăng nhiều bài viết kêu gọi tẩy chay tân hoa hậu vì loạt phát ngôn thiếu kiểm soát, giao tiếp kém tinh tế, mắc bệnh ngôi sao.

Anti coi chừng vi phạm luật - Ảnh 1.

Chế ảnh để anti

Một số người còn gửi email đến Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu, yêu cầu tước vương miện Ý Nhi vì cho rằng cô chưa xứng đáng với ngôi vị cao nhất. Mới đây, cha của hoa hậu nghẹn ngào tiết lộ loạt tin nhắn "công kích" từ dân mạng yêu cầu con gái trả lại vương miện.

Không chỉ Ý Nhi mà nhiều hoa hậu khác cũng bị lập nhóm antifan như Đoàn Thiên Ân (hơn 60 nghìn thành viên), Lê Nguyễn Bảo Ngọc (hơn 26 nghìn thành viên)… Những người khác xoay quanh câu chuyện Hoa hậu Ý Nhi cũng bị lập nhóm anti như Dì Dung - "bà trùm hoa hậu", kình ngư Kim Sơn, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường…

Không chỉ vậy, nhiều người nổi tiếng khác như Jenny Huỳnh, Độ Mixi, Võ Hà Linh, Bray… cũng rơi vào vòng xoáy không nghỉ của hội antifan.

Hết loạt nghệ sĩ, giờ cư dân mạng quay sang lập group anti cho những chú chó, chú chim hay những đồ vật, nơi chốn mà mình không thích. Đặc biệt, học sinh giỏi, nhà xe, tiệm photocopy… cũng là chủ đề được hội anti quan tâm. Thậm chí, còn có hội "anti có tâm" nhằm chê đúng cách, không phải chê vô tội vạ.

Vậy lí do là gì? Lí do anti khá đơn giản: không thích giọng hát, khuôn mặt, giọng nói, thái độ, giả tạo… hay chỉ đơn thuần là ghét đấy. Trên mạng xã hội, chúng ta có thể "ẩn thân" bằng nick ảo, tha hồ "múa phím" đả kích, thả loạt icon phẫn nộ, nói xấu, lập page chế nhạo, xuất bản meme… mà không sợ ai phán xét.

Hay thậm chí, nhiều người khác không phải là "anti chân chính" mà chỉ là "anti thời vụ", chỉ vào group để hóng biến, hít drama, bình luận giải trí cho vui.

Khi chủ group anti là... học sinh

Mới đây, có người "bóc phốt" chủ group, người kiểm duyệt của một hội anti to bự chỉ mới là học sinh lớp 8, lớp 9 nhưng "cầm đầu" 500 anh em "anti đến hơi thở cuối cùng". Trong thực tế cũng có nhiều trường hợp anti bị phản tác dụng đó bạn!

Năm 2019, một học sinh tại quận Tân Bình bị kiểm điểm trước toàn trường do tự lập trang anti BTS, chủ động sử dụng những tranh ảnh thô tục, chửi rủa thô tục tới nhóm nhạc này. Lãnh đạo nhà trường cho biết, ngôn ngữ, hành vi của bạn ấy mang tính nhục mạ người khác qua hình ảnh thô tục, lời viết thô tục... trái với quy định đạo đức và nội quy nhà trường. Nhà trường đưa ra hình thức kỷ luật đã xem xét kỹ sai phạm của bạn và cả nhắc nhở học sinh khác.

Anti coi chừng vi phạm luật - Ảnh 3.

Một YouTuber bị lập nhóm anti - Ảnh: VENDY

Tương tự, ở Thanh Hóa, một trường đã thi hành kỷ luật 8 học sinh vào năm 2018 vì lập nhóm trên Facebook để nói xấu thầy cô, có những lời lẽ mang tính chất đe dọa, làm mất uy tín, hình ảnh của nhà trường trên mạng xã hội…

Bạn P. (13 tuổi, quận Bình Thạnh) chia sẻ: "Theo dòng drama, mình có theo dõi một group anti vận động viên Kim Sơn. Vào nhóm, mình khá sốc khi thấy các bạn chế ảnh anh đó mặc váy, đồ bơi, đội vương miện…, gọi ảnh là hoa hậu, chị gái và bình luận rất khiếm nhã. Ban đầu, mình thấy vui nhưng dần dần thì thấy nhóm tiêu cực quá nên lặng lẽ rời nhóm".

Bạn này cho hay, trong lớp cũng có nhiều bạn khác lập nhóm riêng để nói xấu vài bạn. Các bạn ấy đặt biệt danh cho bạn kia và có những lời lẽ không đúng. Có bạn còn tạo group để anti thầy cô, trường lớp, idol, anti mấy đứa chơi game dở… Nói chung, không thích là mặc sức anti.

Anti không sai, chúng ta sai

Bạn biết không, chúng ta có quyền tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, bạn không nên mất kiểm soát. Một bình luận thiếu suy nghĩ, thỏa mãn cảm xúc cá nhân cũng khiến bạn trở thành người cư xử kém văn minh hay nặng hơn là vi phạm pháp luật vì xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.

Anti coi chừng vi phạm luật - Ảnh 4.

Một hội anti có số thành viên cao ngất ngưởng - Ảnh: VENDY

Điều 6 Luật Trẻ em quy định nghiêm cấm hành vi "Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác".

Còn theo Thông tư số 32/2020/TTBGDĐT ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, hành vi, ngôn ngữ, ứng xử của học sinh phải đúng mực, tôn trọng, lễ phép, thân thiện, bảo đảm tính văn hóa, phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi học sinh trung học.

Học sinh không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

Ai cũng có khuyết điểm, cũng cần có thời gian học tập, trau dồi và rèn luyện bản thân. Thay vì dùng ngôn từ nặng tính mỉa mai, đá xéo để công kích, bạn hãy góp ý bằng thái độ tích cực.

Cư xử văn minh trên mạng xã hội cũng là cách đẩy lùi nạn Cyberbullying (bắt nạt qua thế giới ảo) nữa đó bạn!

Với sự tư vấn của Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: