Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn

Chủ nhật, 12/05/2024 18:43 (GMT+7)

Sáng 12-5, 595 học sinh THCS tham gia vòng chung kết giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ được tổ chức tại Thảo cầm viên Sài Gòn (quận 1).

Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 1.

Học sinh xem triển lãm 50 điều thú vị về TP.HCM - Ảnh: TRỌNG ANH

Để hoàn thành tốt chung kết giải Lê Quý Đôn, các thí sinh sẽ trải nghiệm 4 góc chủ đề. Những kiến thức từ các góc chủ đề này sẽ được vận dụng để giải câu hỏi trong đề thi.

Sản phẩm cuối cùng mà thí sinh cần nộp là một ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ do chính các bạn viết nội dung và trang trí bìa báo. 

Các chuyên đề của tờ báo chính là kiến thức tại các góc chuyên đề cùng với kiến thức ba môn toán, văn và tiếng Anh. Đặc biệt ở hai đề thi dành cho khối 6 - 7 và 8 - 9 đều xuất hiện yêu cầu thực hiện thiết kế, mô tả chuyến du lịch khám phá thành phố.

Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 2.

Chị Vũ Thị Hương Giang (giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn) tham dự lễ khai mạc vòng chung kết giải Lê Quý Đôn - Ảnh: TRỌNG ANH

Học cách thiết kế một tour du lịch ngắn ngày

Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 3.

Chị Trần Gia Bảo (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) giới thiệu về du lịch TP.HCM - Ảnh: MAI TRÚC

Đó là trải nghiệm của các thí sinh giải Lê Quý Đôn năm nay. Chị Trần Gia Bảo (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) lưu ý rằng, để thiết kế thành công tour du lịch, trước hết cần xác định được bản thân muốn giới thiệu khía cạnh nào của TP.HCM.

Ngoài ra, số lượng người tham quan, kinh phí, phương tiện di chuyển và sở thích cá nhân của du khách cũng là những yếu tố khá quan trọng cần được chú ý. 

Chị Gia Bảo gợi ý các bạn nên chọn nhiều điểm tham quan cùng tuyến đường để thuận lợi trong việc di chuyển. Từ đó tạo ra một tour du lịch kết hợp ẩm thực, tham quan các địa danh lịch sử, kiến trúc độc đáo,...

Chăm chú lắng nghe và ghi chú chi chít trên tờ giấy nháp, bạn Nguyễn Duy Hoàng (học sinh lớp 9A5, Trường THCS Trường Chinh, quận Tân Bình) cho biết bạn rất tâm đắc với những kinh nghiệm tham quan Bưu điện thành phố mà chị Gia Bảo tự trải nghiệm và chia sẻ lại với thí sinh.

Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 4.

Duy Hoàng ghi chép lời chia sẻ từ chị Gia Bảo - Ảnh: MAI TRÚC

Ngoài sử dụng những kinh nghiệm này để mang vào phần thi, Hoàng còn có thể sử dụng chúng trong các chuyến tham quan thành phố sau này của chính mình hoặc truyền đạt lại cho bạn bè cùng biết.

Ngoài ra, trước khu vực làm bài thi chính, ban tổ chức đã bố trí triển lãm ảnh 50 điều thú vị về TP.HCM. Qua đó, nhiều địa điểm du lịch của thành phố, món ăn ngon, chương trình văn hóa - giải trí, phương tiện giao thông,... được thể hiện trực quan bằng hình chụp và các thông tin tương ứng.

Teen còn thích mê khi được thưởng thức các món bánh dân gian tại góc Ẩm thực. Chọn cho mình chiếc bánh bò màu hồng, bạn Nguyễn Đức Minh Khang (lớp 9/2, Trường THCS Thông Tây Hội, quận Gò Vấp) cho biết đây là món bánh yêu thích của bạn. Nhờ quầy bánh mà Khang biết thêm một số loại bánh như bánh chuối, bánh dừa nướng, bánh khoai mì,...

Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 5.

Thí sinh ghi chép thông tin về lễ hội áo dài TP.HCM - Ảnh: THẢO NGỌC

Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 6.
Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 7.

Minh Khang lựa chọn món bánh bò trong mâm bánh dân gian - Ảnh: THẢO NGỌC

Khám phá nhiều điều thú vị về Thảo cầm viên Sài Gòn

Thảo cầm viên Sài Gòn là nơi tổ chức vòng chung kết giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ năm học 2023 - 2024.

Tại góc tìm hiểu Thảo cầm viên, thí sinh được hai chuyên gia từ xí nghiệp động, thực vật giới thiệu về nơi đây.

Góc trải nghiệm giới thiệu về động vật do anh Mai Khắc Trung Trực (giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo cầm viên Sài Gòn) phụ trách. Đây là một trong những góc thu hút nhiều bạn học sinh nhất. Anh Trực đã có những chia sẻ rất thú vị về Thảo cầm viên và các loài vật đặc biệt. 

Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 8.

Thí sinh chăm chú lắng nghe phần chia sẻ từ anh Trực - Ảnh: TRỌNG ANH

Theo lời anh Trực, Thảo cầm viên hiện nay đang nuôi dưỡng hơn 200 loài động vật. Trong đó có những loài có nguy cơ tuyệt chủng như: báo lửa, trĩ sao, vượn má vàng, hổ Đông Dương.

Một nhân vật đặc biệt khác mà ai cũng phải ghé thăm khi đến Thảo cầm viên là em gấu Noel. Nguồn gốc cái tên là do bé gấu được chào đời gần đêm Noel năm 2020. Câu chuyện về những chú voi ở Thảo cầm viên cũng được các bạn hết sức quan tâm.

Anh Trực chia sẻ: "Sự quan tâm, đặt câu hỏi của các bạn làm cho anh cảm thấy rất hứng thú. Từ đó, anh mong muốn truyền tải được nhiều nhất những kiến thức hay cho các bạn. 

Trước là giúp cho các bạn hoàn thành bài thi tốt, sau nữa là để các bạn có một vốn hiểu biết nhất định về sự đa dạng của hệ sinh thái Thảo cầm viên.

Các bạn cũng sẽ biết thêm về công tác bảo tồn cây xanh, bảo vệ động vật. Từ đó lan tỏa đến bạn bè trong và ngoài nước về những vẻ đẹp của TP.HCM nói chung và Thảo cầm viên nói riêng".

Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 9.

Anh Trực kể về một số em thú đáng yêu tại Thảo cầm viên - Ảnh: TRỌNG ANH

Sau phần giới thiệu của anh Trực, bạn Huỳnh Thị Thanh Ngân (lớp 8A1, Trường THCS Vân Đồn, quận 4) cảm thấy rất hào hứng, sẵn sàng để thực hiện bài thi của mình. "Những kiến thức mà anh Trực chia sẻ với tụi em rất hay và bổ ích, đặc biệt là câu chuyện về bé gấu Noel.

Em cảm nhận được Thảo cầm viên đã và đang dành cho em gấu sự chăm sóc, tình yêu thương và bảo vệ tốt nhất. Em hy vọng rằng sau này sẽ có thêm nhiều cuộc thi, buổi trải nghiệm như thế này".

Ở một khu vực khác, nhiều bạn học sinh đang cặm cụi ghi chép thông tin từ bài giới thiệu của chị Nguyễn Thị Bé Ba (tổ trưởng thí nghiệm thực vật Thảo cầm viên Sài Gòn).

Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 10.

Chị Bé Ba chia sẻ về thực vật quý hiếm tại Thảo cầm viên - Ảnh: THẢO NGỌC

"Thì ra, đây là một trong những vườn thú đầu tiên của nước ta. Mình cũng biết thêm về một số loài cây quý hiếm tại Thảo cầm viên, điển hình là cây bao báp. Đây có lẽ sẽ là loài cây yêu thích mới của mình vì dáng thẳng đứng, lớp vỏ thì trơn láng không sần sùi", bạn Nguyễn Thanh Thúy Huyền (lớp 7/1, Trường THCS Thị trấn Ba Tri, tỉnh Bến Tre) hào hứng kể lại.

Thúy Huyền cũng biết thêm về công dụng của hạt "loài cây có 2 nỗi buồn" - tên gọi dí dỏm mà chị Bé Ba đặt cho cây mù u. Dầu được ép từ hạt mù u có có công dụng trị bỏng và một số tình trạng khác về da.

Sau phần chia sẻ của cô Bé Ba, các bạn thí sinh cũng không ngần ngại đặt thêm câu hỏi để hiểu rõ hơn về các loài thực vật này.

Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 11.

Chị Bé Ba giải đáp thắc mắc từ học sinh - Ảnh: THẢO NGỌC

Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 12.
Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 13.
Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 14.
Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 15.
Giải Lê Quý Đôn: Sáng tạo tờ báo về TP.HCM và Thảo cầm viên Sài Gòn- Ảnh 16.

Một số mẫu trang trí bài thi do thí sinh thực hiện sau khi trải nghiệm 4 góc chủ đề - Ảnh: THẢO NGỌC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: