Hoảng khi TikTok 'tư vấn' những ngành muốn giàu thì không học, học là thất nghiệp

Thứ hai, 22/01/2024 15:50 (GMT+7)

Không nên học ngành tâm lý; ngành marketing đã bão hòa; những ngành nếu muốn giàu thì không học… Nhiều clip 'tư vấn ngành nghề' trên TikTok khiến các bạn trẻ bối rối.

Học sinh tỉnh Gia Lai hào hứng đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn của chương trình - Ảnh: TRUNG TÂN

Học sinh tỉnh Gia Lai hào hứng đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn của chương trình - Ảnh: TRUNG TÂN

Nhiều thí sinh chia sẻ cảm thấy rối trước các clip tư vấn ngành nghề tràn lan trên TikTok, đặc biệt từ những TikToker không chuyên. Đây là chủ đề được nhiều học sinh quan tâm trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP Pleiku (Gia Lai) vào sáng 21-1.

Cùng ngày, chương trình đồng thời diễn ra tại TP Thái Bình. Các chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các sở giáo dục và đào tạo và các trường đại học, THPT tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn VinGroup.

Chọn ngành học nên xuất phát từ cái mình thích và đam mê, còn những lăn tăn khác, các bạn nên tìm kiếm người có chuyên môn hoặc liên hệ với trường để được tư vấn chính xác nhất.

TS PHẠM TẤN HẠ

TikTok gắn mác những "ngành thất nghiệp"

Bạn Mỹ Tuyết, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Pleiku), tâm sự rất thích ngành tâm lý học. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều người xung quanh lại nói ngành này không có việc làm. Một số clip trên TikTok còn khẳng định ngành này rất khó kiếm việc lại khiến Tuyết băn khoăn.

Trao đổi với học sinh, TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết thời gian gần đây có nhiều clip trên TikTok liệt kê các ngành học nằm trong top "những ngành sẽ thất nghiệp", "những ngành nếu muốn giàu thì không học"… Ngành tâm lý học cũng thường được một số clip TikTok khuyên "không nên học".

"Những chia sẻ này chỉ hoàn toàn cảm tính. Một số nội dung clip không đúng với thực tế. Vì vậy học sinh phải tỉnh táo trước những clip này" - ông Hạ nói.

Chẳng hạn với ngành tâm lý học, thầy Hạ cho biết công việc khá đa dạng ở những TP lớn từ làm các công việc tư vấn, can thiệp tâm lý đến bộ phận nhân sự ở các công ty. Khi kinh tế - xã hội ở các địa phương càng được nâng cao thì nhu cầu nhân lực tâm lý cũng gia tăng.

Trong khi đó bạn Ngọc Yến, học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (Pleiku), chia sẻ bạn nghe một số trang mạng nói ngành marketing bị bão hòa, hiện đang có rất nhiều người học marketing nên tốt nghiệp 4 năm sau có thể sẽ khó tìm việc.

GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, thừa nhận đây là băn khoăn mà ông nhận được rất nhiều từ các học sinh trong quá trình tư vấn. Những năm gần đây, điểm chuẩn ngành marketing ở những trường đại học lớn có đào tạo như Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường đại học Tài chính - Marketing… luôn ở tốp cao, cho thấy số bạn trẻ có mong muốn theo học cũng rất lớn.

Theo ông Bảo, những lo lắng của thí sinh hay các chia sẻ trên mạng về chuyện nhiều người học marketing sẽ khó xin việc chỉ đúng 50%. Ông giải thích một mặt marketing là một phần không thể thiếu của hoạt động kinh tế, nên chừng nào vẫn còn buôn bán, kinh doanh thì vẫn còn nhu cầu nhân lực ngành marketing.

"Nhưng mặt khác, marketing của 5 năm sau sẽ rất khác so với hiện giờ. Áp lực của nghề là luôn sáng tạo và bắt kịp với xã hội, đồng thời tích hợp thêm kỹ năng của nhiều ngành khác như truyền thông, tổ chức sự kiện và cả công nghệ" - ông Bảo nói.

Doanh nghiệp đồng hành

Các bạn học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp ở Thái Bình - Ảnh: NAM TRẦN

Các bạn học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp ở Thái Bình - Ảnh: NAM TRẦN

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Thái Bình diễn ra trong bối cảnh địa phương này đang có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế được mở ra khiến nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn về nhu cầu nhân lực tại địa phương.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Viết Hiển, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, cho biết các khu kinh tế đang là động lực để phát triển kinh tế của địa phương này. Theo đó, nhu cầu nhân lực, nhân lực chất lượng cao cũng sẽ tăng nhanh trong vài năm tới.

Ông Hiển nhấn mạnh bên cạnh cơ hội việc làm cao, những học sinh mong muốn trở về Thái Bình làm việc còn có ý nghĩa khác khi góp phần vào sự thay đổi diện mạo quê hương mình.

Một phụ huynh bày tỏ băn khoăn về việc trường đại học và doanh nghiệp có các giải pháp cụ thể như thế nào giúp các bạn học sinh, sinh viên biến "cơ hội" thành hiện thực, có những vị trí việc làm tốt.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí - Đại học Quốc gia Hà Nội, trả lời trong bối cảnh hiện nay, ranh giới giữa trường và doanh nghiệp đang được xóa nhòa đi khi doanh nghiệp có thể được tham gia đóng góp cho chương trình đào tạo, đặt hàng cụ thể trường đại học để có những sản phẩm đào tạo như ý mình. Nhiều doanh nghiệp tham gia vào khâu đào tạo ở những nội dung thực hành, hướng dẫn thực tập.

PGS.TS Phạm Văn Thuần, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Hàng hải Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm tại Hải Phòng, có trường hợp doanh nghiệp cấp học bổng và cả chi phí đào tạo để có thể được ưu tiên tuyển sinh viên giỏi cho mình. Sinh viên không chỉ được học kiến thức chuyên ngành mà học về tác phong công nghiệp và nhiều kỹ năng mềm khác khi trường và doanh nghiệp bắt tay với nhau trong đào tạo.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết thêm một số trường đại học hiện nay có hẳn một học kỳ doanh nghiệp.

Trong học kỳ đó, sinh viên sẽ học tại doanh nghiệp. Cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ của thầy cô tại doanh nghiệp, sinh viên được làm việc thực sự, trải nghiệm với những tình huống công việc thực sự. Cách đồng hành như vậy đang trở nên phổ biến hơn.

Với các trường đại học địa phương, theo cô Phạm Thị Ánh Nguyệt - phó hiệu trưởng Trường đại học Thái Bình, để đón trước nhu cầu nhân lực đang tăng khi Thái Bình xuất hiện nhiều khu kinh tế mới, trường đã rà soát, xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp hơn, sát hơn với nhu cầu ở các lĩnh vực.

"Kết nối giữa trường đại học tại địa phương với các cơ sở đại học lớn trong nước và nước ngoài là một hướng khác nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao" - cô Nguyệt nói.

Cơ hội "nhảy việc"

Chia sẻ với thí sinh "sợ chọn sai nghề", PGS.TS Bùi Đức Triệu - trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân - tư vấn thí sinh hãy chọn hướng đi phù hợp với đam mê, ước mơ của mình.

Nhưng ở thời điểm này, khi các em còn chưa biết sẽ đi hướng nào thì trước hết hãy nghiên cứu ba lĩnh vực chính: khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ và xã hội.

Khi đã chọn một lĩnh vực thì các em mới tìm hiểu lĩnh vực đó có những ngành, nhóm ngành nào và trường nào đào tạo. Việc chọn trường cũng cần lưu ý một số thông tin như môi trường đào tạo, yêu cầu học tập, cơ hội phát triển các kỹ năng mềm và cuối cùng là khả năng tài chính.

Theo thầy Triệu, trong các ngành kinh tế, có khoảng 50% các ngành, chuyên ngành làm lẫn việc của nhau. Ví dụ học quản trị kinh doanh, học marketing có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ có một số nghề khá rõ như kế toán phải làm đúng chuyên môn được đào tạo. Nếu học các ngành rộng, các em có nhiều hơn cơ hội "nhảy việc" ở nhiều nơi.

Hoảng khi TikTok 'tư vấn' những ngành muốn giàu thì không học, học là thất nghiệp- Ảnh 4.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: