Học trò lo lắng, cô giáo lập group “đau mắt đỏ” để hỗ trợ bài vở

avatar NGUYỄN TÚ

Chủ nhật, 17/09/2023 09:27 (GMT+7)

Bệnh đau mắt đỏ đang lây lan nhanh trong trường học khiến nhiều teen lo lắng!

Học sinh thi nhau nghỉ học vì đau mắt đỏ

Minh Anh (lớp 6 trường L, TP. Thủ Đức) cho biết những ngày qua, lớp bạn không đảm bảo sĩ số bởi có nhiều bạn nghỉ học vì đau mắt đỏ. Cuối cùng, điều Minh Anh lo lắng đã đến, bạn đã... "dính chưởng".

Ngày thứ 2 bị bệnh, mắt Minh Anh sưng húp, nhướng mắt lên đã thấy khó chịu. Bạn chỉ biết nhỏ thuốc theo toa bác sĩ, mong mắt mau khỏi để đi học lại.

Đây là tình trạng chung, xảy ra ở nhiều trường. Một thầy ở trường T (quận Bình Tân) cho biết, có nhiều lớp học sinh vắng nhiều, đa phần là do đau mắt đỏ.

Trước tình hình này, các thầy cô tích cực gửi bài lên group phụ huynh, học sinh để các bạn bị đau mắt đỏ có thể bù bài trong những ngày nghỉ học.

Thậm chí, cô chủ nhiệm của một lớp 7 trường L (TP. Thủ Đức) còn lập group "học sinh đau mắt đỏ". Sau đó, cô phân công ban cán sự lớp chụp ảnh bài vở các môn gửi vào group để các bạn chép lại bài. Bạn nào không hiểu cứ nhắn vào group, các bạn còn lại sẽ hỗ trợ.

Trong vòng xoáy… đau mắt đỏ - Ảnh 2.

Khi có triệu chứng đau mắt đỏ, bạn Đức Trí (THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp) đã xuống phòng y tế để được thăm khám - ẢNH: T.T.

Để kiểm soát dịch đau mắt đỏ, nhiều trường đã quyết liệt theo dõi, kiểm tra tình hình bệnh của học sinh.

Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp) phân công một số thầy cô đứng ở cổng trường để quan sát. Thấy học sinh nào mắt hơi đỏ, thầy cô sẽ gọi lại để kiểm tra.

Ngoài ra, trường còn nhắc nhở học sinh có dấu hiệu đau mắt đỏ hoặc phát hiện bạn bè có triệu chứng phải báo ngay với trường. Các bạn sẽ được phòng y tế thăm khám, rửa mắt, gọi phụ huynh đón về.

Hỏi - đáp về đau mắt đỏ

+ Đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc. Nguyên nhân thường gặp là vi rút, nhưng sau đó bị nhiễm thêm vi khuẩn. Khi kết mạc bị viêm thì mắt có màu đỏ do các mạch máu kết mạc dãn ra giúp tăng lưu lượng máu nhằm loại bỏ vi khuẩn , vi rút và làm sạch vùng kết mạc bị tổn thương.

+ Bệnh có tự khỏi không?

Có nha! Bệnh có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh diễn tiến nặng như: mắt đỏ nhiều, ghèn ra nhiều gây khó nhắm mở mắt, cộm xốn, nhìn mờ… thì bạn nên đến chuyên khoa mắt để được thăm khám.

+ Nếu bệnh, đi học có ổn không?

Không nên đi học khi bị đau mắt đỏ nhé! Bệnh lây qua dịch tiết, giọt bắn. Khi đi học, các bạn thường sinh hoạt chung với nhau như dùng chung bữa ăn, ngủ cùng phòng, học bơi chung một hồ… Vì vậy, nếu bị đau mắt đỏ, tốt nhất, bạn nghỉ học ở nhà để tránh lây lan sang các bạn khác.

+ Khi bị đau mắt đỏ nên và không nên làm gì?

Nên:

- Giữ vệ sinh cá nhân, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, khám chuyên khoa mắt và dùng thuốc theo chỉ định.

- Đeo kính râm để hạn chế dụi tay lên mắt cũng là một cách tránh tổn thương mắt, giảm lây lan bệnh do dịch tiết từ mắt dính vào tay.

- Cũng cần tránh khói bụi, hạn chế xem máy tính, điện thoại

Không nên:

- Dụi tay lên mắt.

- Dùng vật dụng vệ sinh cá nhân chung với người khác.

- Tự ý dùng thuốc nhỏ mắt.

Để phòng tránh bị đau mắt đỏ, cần làm gì?

- Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

- Rửa tay thường xuyên.

- Giữ vệ sinh cá nhân.

- Không sử dụng chung các đồ dùng sinh hoạt liên quan đến mắt như: khăn mặt, thuốc nhỏ mắt, kính...

- Hạn chế tiếp xúc người nghi ngờ bị đau mắt đỏ hoặc người đang bị.

Trường học đã có nhiều trường hợp đau mắt đỏ. Vì vậy, mỗi ngày đi học về, bạn nên nhỏ nước muối sinh lý để rửa mắt, mũi họng nhé!

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Làm gì khi bạn "tiếp xúc gần" bị đau mắt đỏ

Điều cần làm là hạn chế tiếp xúc. Sau đó, bạn rửa mắt, mũi, họng...thường xuyên bằng nước muối sinh lí. Nhớ rửa tay và theo dõi tình hình bản thân.

Khi thấy các dấu hiệu như: mắt đổ ghèn, ghèn dính mí mắt không mở mắt được, mắt có những tia đỏ, sốt nhẹ, mệt mỏi, bạn cần đi khám ngay.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: