Học trò Trường THCS Nguyễn Du nhận bí quyết ứng phó với bạo lực học đường

Thứ hai, 14/04/2025 18:21 (GMT+7)

Sáng 14-4, học trò Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) được các chuyên gia hướng dẫn kỹ năng phòng chống bạo lực học đường.

Học trò Trường THCS Nguyễn Du nhận bí quyết ứng phó với bạo lực học đường - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) trả lời câu hỏi của tiến sĩ tâm lý học Tô Nhi A tại chương trình - Ảnh: THẾ KIỆT

Đây là nội dung chương trình "Phòng tránh bạo lực học đường - Xây dựng môi trường học tập an toàn và thân thiết" do báo Tuổi Trẻ đã phối hợp với Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức sáng 14-4. 

Chuyên gia chỉ học trò Trường THCS Nguyễn Du ứng xử với bạo lực học đường

"Phiên chợ chiều em cầm nhầm cái kính. Vậy lý do gì các bạn đánh nhau?" - là câu hỏi tình huống mà tiến sĩ tâm lý học Tô Nhi A (giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM) đưa ra cho học trò.

Chỉ vài phút sau, các bạn đã nêu những nguyên nhân dẫn đến đánh nhau như: thấy ánh mắt bạn nhìn khó chịu, ghen tỵ, hiểu lầm, học giỏi bị ghét, hướng dẫn bài sai, body shaming, thích cùng một người, nói xấu…

Học trò Trường THCS Nguyễn Du nhận bí quyết ứng phó với bạo lực học đường - Ảnh 2.

Chương trình diễn ra tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: LÊ VI

Sau khi nghe các bạn trả lời, tiến sĩ Tô Nhi A cho biết, có những vụ bạo lực học đường xảy ra với những lý do vô lý, khiến người lớn bất ngờ. Các bạn hành xử thô bạo với nhau có lúc không phải bênh vực quyền lợi của bản thân mà để bảo vệ một ai đó.

Học trò Trường THCS Nguyễn Du nhận bí quyết ứng phó với bạo lực học đường - Ảnh 3.

Bà Mai Ngọc Liên (phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam) tặng quà lưu niệm đến các tác giả sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường - Ảnh: LÊ VI

Tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng những biến chuyển cơ thể, tâm sinh lý ở tuổi dậy thì khiến các bạn khó chịu, dễ mất bình tĩnh, có thể "nổi đóa" với ai đó. Cô khuyên các bạn ăn uống đủ chất, ngủ nghỉ đủ giấc, luyện tập thể thao, học và làm có kế hoạch. Khi có lối sống lành mạnh, các bạn sẽ đủ tỉnh táo xử lý chứ không lao vào đánh nhau.

Ngoài ra, còn nhiều lý do dẫn đến bạo lực học đường như căng thẳng khi bị ba mẹ la mắng, không có ai để chia sẻ… 

Từ những sự việc này, tiến sĩ Tô Nhi A mong muốn các bạn sẽ chia sẻ, trò chuyện với ba mẹ nhiều hơn để cả nhà hiểu nhau. 

Ngoài ra, khi có trúc trắc trong lòng, bạn cũng có thể gặp gỡ những người thân thiết, có suy nghĩ tích cực như thầy cô, bạn bè… để giãi bày tâm sự.

Tham gia các hoạt động ngoại khóa, tập thể dục… cũng là cách để bạn "xả" những bực tức, khó chịu.

Học trò Trường THCS Nguyễn Du nhận bí quyết ứng phó với bạo lực học đường - Ảnh 4.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên hướng dẫn các bạn cách hạn chế tình trạng bạo lực học đường - Ảnh: THẾ KIỆT

Trong khi đó, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên (chuyên viên tham vấn tâm lý, Trường đại học Bách Khoa TP.HCM) chia sẻ mỗi bạn sẽ có suy nghĩ, cảm nhận riêng. Vì vậy, các bạn cần tôn trọng sự khác biệt của người khác. Chấp nhận được điều đó, tình trạng bạo lực học đường sẽ được hạn chế.

Bị đăng bài bốc phốt, nói xấu trên mạng thì phải làm sao?

Đây là câu hỏi học sinh trường đặt ra cho chương trình. Để giải thích, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM) đã đưa ra một số câu chuyện về việc bạo hành trên không gian mạng.  

Chẳng hạn như có bạn bình thường hiền hòa, dễ thương nhưng khi ai đó đụng đến thần tượng, bạn trở nên mất kiểm soát và hung dữ một cách lạ thường.

Để học sinh, phụ huynh và thầy cô hiểu rõ hơn, chuyên viên Đào Lê Tâm An đã nói rõ hơn về 6 hình thức hành vi bắt nạt trực tuyến, gồm: mạo danh, phát tán và lừa đảo, phỉ báng, theo dõi, đe dọa và tẩy chay.

Học trò Trường THCS Nguyễn Du nhận bí quyết ứng phó với bạo lực học đường - Ảnh 5.

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An chia sẻ các dấu hiệu về bạo lực trên mạng xã hội - Ảnh: LÊ VI

Trong đó, có những hình thức các bạn vô tình phạm phải mà không biết. Bạn crush một ai đó và bạn theo dõi nhất cử nhất động của người ta trên các nền tảng xã hội như đi đâu, làm gì... Đó cũng là một hình thức bắt nạt.

Ngoài ra, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An đã hướng dẫn các bạn cách ứng phó khi bị bắt nạt, công kích trên mạng.

Cụ thể, khi có ai đó nhắn tin đe dọa, phỉ báng trên mạng xã hội, bạn có thể dùng tính năng báo cáo là tin nhắn có nội dung quấy rối, bắt nạt, gây thù ghét đến nhà mạng. Nhà mạng sẽ xem xét và có thể khóa nick đó.

Bên cạnh đó, các bạn nên tắt màn hình điện thoại, máy tính để cách ly bản thân khỏi kẻ xấu. Bởi càng đọc, càng nhìn, bạn sẽ bị tổn thương suy nghĩ, cảm xúc. 

Ngoài ra, các bạn đừng quên chia sẻ với ba mẹ về việc rắc rối của mình để được lắng nghe và cùng bạn tìm cách giải quyết.

Không chỉ gỡ rối cho học sinh, chương trình còn tư vấn cách giải quyết cho phụ huynh khi con cái bị bắt nạt.

Các chuyên gia khuyên phụ huynh, thầy cô không chỉ bảo vệ cho học sinh bị bắt nạt mà còn cần lắng nghe, gỡ rối tâm lý cho học sinh bắt nạt bạn bè. Bởi các bạn còn trong độ tuổi đi học, rất cần được che chở và dạy dỗ để trở thành người tử tế.

Học trò Trường THCS Nguyễn Du nhận bí quyết ứng phó với bạo lực học đường - Ảnh 6.

Nhà báo Nguyễn Khắc Cường, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, tặng hoa cảm ơn cho cô Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du - Ảnh: THẾ KIỆT

Nhà báo Nguyễn Khắc Cường (phó tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ) cho biết trong khi nhiều bạn "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" thì vẫn có những bạn đang có tâm trạng bất an, lo lắng, sợ hãi vì bị bạo lực học đường. Đối với bạn ấy, mỗi ngày đến trường trở thành cơn ác mộng.

Do đó, xây dựng môi trường học tập an toàn và lành mạnh là một việc làm quan trọng. Hiểu được điều đó, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức biên soạn bộ sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường. Bộ sách bao gồm 2 cuốn, dành cho học sinh tiểu học và trung học.

Song song giới thiệu sách, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức các workshop tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) nhằm trang bị thêm kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cùng các em học sinh trong công tác đảm bảo an toàn, phòng chống bạo lực học đường.

Đặc biệt, đội ngũ tác giả của bộ sách không chỉ có các nhà tâm lý mà còn có các nhà báo. Trong đó gồm: Tiến sĩ Tô Nhi A, nhà báo Hà Thạch Hãn đồng chủ biên. Còn 3 tác giả khác là nghiên cứu sinh ngành tâm lý Đào Lê Tâm An, nhà báo Hoàng Hương và thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên.

Quyển sách có những tình huống chi tiết, gợi ý cụ thể để từng bạn học sinh có thể bảo vệ mình trong tình huống bị uy hiếp, bị thao túng tâm lý.

Việc xuất bản sách cùng tổ chức workshop hôm nay là sự nỗ lực của báo Tuổi Trẻ và các chuyên gia trong việc xây dựng một môi trường học tập an toàn.

Trong bạo lực học đường, nạn nhân và thủ phạm đều còn trong lứa tuổi hình thành nhân cách. Các bạn cần được giáo dục và yêu thương. Vì vậy, không chỉ bảo vệ trẻ em yếu thế, chương trình cũng mong muốn được quan tâm, tư vấn cho các bạn hay bắt nạt bạn bè.

Qua buổi worshop hôm nay, nhà báo Nguyễn Khắc Cường mong sẽ có thêm nhiều ý tưởng xây dựng môi trường học tập, an toàn cho các bạn.

Bà Mai Ngọc Liên (phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam) chia sẻ: bạo lực học đường nhiều khi xảy ra từ những nguyên nhân rất nhỏ, đơn giản. Tuy nhiên, nó sẽ để lại những vết sẹo trong tâm hồn của các bạn. Thậm chí, những tổn thương sâu sắc có thể theo các bạn đến lớn.

Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, việc trang bị cho học sinh - cũng như thầy cô giáo và phụ huynh - những kỹ năng để nhận biết, phòng ngừa và xử lý bạo lực học đường một cách đúng đắn, nhân văn và hiệu quả là điều vô cùng cấp thiết.

Xuất phát từ tinh thần đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam đã phối hợp với báo Tuổi Trẻ biên soạn 2 cuốn cẩm nang "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" dành cho học sinh cấp tiểu học và cấp trung học, với mục đích nâng cao nhận thức và cung cấp các giải pháp đối phó hiệu quả với bạo lực học đường.

"Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, với các tình huống là những câu chuyện có thật được cung cấp bởi đội ngũ phóng viên của báo Tuổi Trẻ, với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục và đội ngũ tác giả nhiều kinh nghiệm.

Bộ sách không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn đưa ra những tình huống thực tế, giúp học sinh nhận diện được các hình thức bạo lực, hậu quả mà "bạo lực" gây ra. Quan trọng hơn, thông qua bộ sách này, chúng tôi mong muốn các em học sinh có thể trang bị những kỹ năng để tự bảo vệ và ứng phó khi gặp các tình huống bạo lực', bà Mai Ngọc Liên phát biểu tại workshop.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: