Ứng phó bạo lực học đường: không chỉ là chuyện của học sinh

Thứ hai, 31/03/2025 16:22 (GMT+7)

Dù lý do là gì, bạo lực học đường tuyệt đối không được phép xảy ra.

Ứng phó bạo lực học đường: không chỉ là chuyện của học sinh - Ảnh 1.

Em Phương Thảo (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo) giao lưu với ban tư vấn tại chương trình - Ảnh: MAI TRÚC

Đây là khẳng định của tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A trong buổi talkshow kết hợp lễ ra mắt bộ sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường, diễn ra sáng 31-3 tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM).

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức, thu hút đông đảo học sinh và phụ huynh tham gia.

Ứng phó bạo lực học đường: không chỉ là chuyện của học sinh - Ảnh 2.

Bà Mai Ngọc Liên (phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam, bìa trái) và tiến sĩ Nguyễn Thành Anh (phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục tại TP.HCM, bìa phải) tặng quà lưu niệm cho 5 tác giả sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường - Ảnh: MAI TRÚC

Đừng nói: "Sao con không méc cô"!

Dù đang ở lứa tuổi tiểu học, nhiều em học sinh đã tiếp xúc với hành vi bắt nạt qua những lời chọc ghẹo, ánh mắt xa lánh hay cả những tin nhắn độc hại trên mạng.

Khi đoạn clip tái hiện các tình huống bạo lực học đường tại Việt Nam những năm gần đây được trình chiếu, nhiều học sinh nhíu mày, lo lắng, thì thầm trao đổi. 

Tiến sĩ Tô Nhi A (giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM) cho rằng việc nhận diện bạo lực học đường không quá khó nếu cha mẹ chịu tương tác với con, lắng nghe con kể về một ngày ở trường.

Theo cô, điểm đặc biệt của bộ sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường nằm ở "tham vọng" tạo ra sản phẩm dùng được cho cả 3 nhóm: học sinh, giáo viên và phụ huynh.

"Cùng một tình huống, học sinh được tiếp cận và gợi ý cách ứng xử để tự tìm ra giải pháp cho mình; thầy cô có thể thiết kế, lồng ghép vào bài giảng; phụ huynh cùng con trao đổi, hướng dẫn cho con. Đó là một bài toán khó, nhưng cũng là ý nghĩa lớn nhất của bộ sách này", cô nói.

Ứng phó bạo lực học đường: không chỉ là chuyện của học sinh - Ảnh 3.

Tiến sĩ Tô Nhi A chia sẻ với phụ huynh - Ảnh: MAI TRÚC

Trả lời thắc mắc của một phụ huynh có 3 con ở cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS), tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng rào cản lớn nhất trong việc theo dõi tâm lý con cái chính là câu nói quen thuộc: "Tôi không có thời gian".

Theo cô, dù cha mẹ bận rộn mưu sinh - điều hoàn toàn không sai - nhưng vẫn cần nghiêm túc "tính toán" lại quỹ thời gian mỗi ngày dành cho con. "Nguyên tắc là: ít thôi nhưng đều đặn. Đừng lâu lâu dành nửa ngày, trẻ không cần nhiều đến vậy. Mười phút mỗi ngày là đủ", cô nói.

Cũng theo chuyên gia, điều khiến trẻ xa cách cha mẹ chủ yếu là vì cách tiếp cận của người lớn: hay "tra khảo" hoặc trách mắng. "Các con thích nói chuyện với ba mẹ, nhưng ngại vì người lớn thường dễ cộc, quạu. Hãy lắng nghe con một cách điềm tĩnh, chưa cần đưa ra giải pháp ngay", cô đưa lời khuyên.

Tiến sĩ Tô Nhi A cũng cảnh báo nhiều phản ứng phổ biến của phụ huynh như "Sao con không méc cô?", "Sao con không đánh lại?",... không hề giúp ích, mà thậm chí còn làm con cái thêm căng thẳng và ngừng chia sẻ.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên (chuyên viên tham vấn tâm lý Trường đại học Bách Khoa TP.HCM) bổ sung một góc nhìn quan trọng: phản ứng vội vàng của cha mẹ khi biết con bị bắt nạt - như lập tức gặp giáo viên hoặc phụ huynh bạn kia - đôi khi lại đẩy sự việc đi xa hơn.

Ứng phó bạo lực học đường: không chỉ là chuyện của học sinh - Ảnh 4.

Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo xin chữ ký thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên sau buổi trò chuyện - Ảnh: MAI TRÚC

"Chỉ riêng việc hiện diện như một người lắng nghe đã là điều rất ý nghĩa với trẻ", cô khẳng định.

"Thay vì tập trung vào việc ai đúng, ai sai, phụ huynh nên hỏi con: 'Con có đau không?', 'Con thấy sao?', 'Nếu ba mẹ làm thế này, con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?'", cô Uyên gợi ý.

Theo cô Uyên, trẻ em là người hiểu rõ nhất bối cảnh câu chuyện mình trải qua. Khi được hỏi đúng cách, các em sẽ có không gian để nhìn nhận vấn đề và tự đề xuất giải pháp.

"Không phải lúc nào cha mẹ cũng cần ra tay hành động. Có khi chỉ cần đồng hành, thảo luận cùng con. Đó là cách để chuẩn bị một phương án phù hợp", cô chia sẻ.

Ứng phó bạo lực học đường: không chỉ là chuyện của học sinh - Ảnh 5.

Nhà báo Hoàng Hương giao lưu và chia sẻ với học sinh tại sự kiện - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bạo lực học đường không chỉ là đánh bạn

Theo các chuyên gia, bạo lực học đường không chỉ là hành vi xô xát, mà còn xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Chuyên gia tâm lý Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM) chia bạo lực học đường thành 3 hình thức: bạo lực truyền thống (đánh, đấm, gây thương tích), bạo lực tinh thần (nói xấu, tẩy chay) và bạo lực trên môi trường số - hình thức ngày càng phổ biến nhưng khó nhận diện.

Ứng phó bạo lực học đường: không chỉ là chuyện của học sinh - Ảnh 6.

Thầy Đào Lê Tâm An nhấn mạnh tác hại của bạo lực mạng - Ảnh: MAI TRÚC

"Những trò chơi online, đoạn voice chat chửi thề hay video có nội dung không phù hợp cũng có thể là hình thức bắt nạt", thầy An chỉ rõ.

Với trẻ nhỏ, những trải nghiệm này để lại tổn thương thật sự dù phụ huynh nhiều khi cho rằng không có vết thương thì không nghiêm trọng, chỉ là "đùa vui". Thầy nhấn mạnh: "Không nhìn thấy thương tích không có nghĩa là không tổn thương".

Ứng phó bạo lực học đường: không chỉ là chuyện của học sinh - Ảnh 7.

Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo xem sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chuyên gia tâm lý Đào Lê Tâm An chỉ ra 3 đặc điểm khiến bắt nạt trực tuyến trở nên nguy hiểm và dễ bị xem nhẹ:

- Không giới hạn thời gian, không gian: khác với bạo lực truyền thống thường chỉ xảy ra trong phạm vi trường học hoặc phải đối mặt trực tiếp với người bắt nạt, bạo lực trực tuyến có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, kể cả khi học sinh đang ở nhà, chỉ cần có thiết bị kết nối mạng.

- Khó nhận biết: nhiều hành vi bị ngụy trang dưới dạng "đùa vui", nhưng lại gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho người bị hại. Điều này khiến phụ huynh và giáo viên dễ bỏ qua hoặc xem nhẹ.

- Thông tin tồn tại lâu dài: một khi nội dung bắt nạt được đăng lên mạng, nó có thể tồn tại vĩnh viễn và bị đào lại bất kỳ lúc nào, khiến nạn nhân khó thoát khỏi cảm giác bị tổn thương kéo dài.

Kết lại phần chia sẻ, thầy An cho rằng phụ huynh cần quan tâm đến việc con đang xem gì, chơi gì và trò chuyện với ai trên mạng. Thay vì cấm đoán, cha mẹ nên đồng hành, cùng con phân tích các tình huống để trẻ biết khi nào cần tìm đến người lớn hỗ trợ.

Theo thầy, nếu không được nhận diện và xử lý kịp thời, nhiều hành vi bắt nạt tinh thần trên mạng có thể dẫn đến bạo lực trực tiếp ở những cấp học lớn hơn.

Thầy An ví von, mở ra cho con thế giới trực tuyến cũng như đưa vào tay con một con dao. Phải dạy con cách sử dụng đúng để tự vệ, thay vì vô tình biến nó thành thứ khiến con bị tổn thương.

Làm gì khi bị bắt nạt?

Gợi ý từ các chuyên gia tâm lý tại talkshow:

- Giữ an toàn là ưu tiên hàng đầu: có thể bỏ chạy, la to để tìm sự giúp đỡ. Trong một số trường hợp, việc phản kháng để bạn dừng lại là hành vi tự vệ, không phải bạo lực.

- Chia sẻ với người đáng tin cậy: nhờ họ chỉ ra nguyên nhân. Nếu do người khác, hãy tìm cách nhắc nhở hoặc can thiệp; nếu do bản thân, hãy điều chỉnh hành vi.

- Trao đổi với ba mẹ: cần thiết có thể thay đổi không gian học tập.

- Giữ thái độ rõ ràng, cứng rắn: không cho phép người khác làm tổn thương mình.

* Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ.

Bộ sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường gồm hai cuốn, dành riêng cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, được chấp bút bởi đội ngũ gồm các chuyên gia tâm lý, nhà báo nhiều năm kinh nghiệm trong mảng giáo dục.

Ứng phó bạo lực học đường: không chỉ là chuyện của học sinh- Ảnh 9.

Bộ sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường - Ảnh: MAI TRÚC

Mỗi tình huống trong sách đều được xây dựng từ chất liệu đời sống thực tế, kèm hướng dẫn ứng xử và gợi ý giải pháp.

Sách không chỉ dành cho học sinh, mà còn là tài liệu hữu ích để phụ huynh, giáo viên đồng hành, trao đổi và xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện hơn.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: