Ba mẹ gửi lời mời kết bạn, gen alpha xử lý sao cho mượt?

Thứ sáu, 28/03/2025 20:57 (GMT+7)

Mạng xã hội như một thế giới riêng, nơi tụi mình có thể thoải mái thể hiện cá tính, 'tám' chuyện với bạn bè. Nhưng rồi một ngày đẹp trời, bạn nhận được lời mời kết bạn từ ba mẹ.

Ba mẹ gửi lời mời kết bạn, gen alpha xử lý sao cho mượt? - Ảnh 1.

Bạn Lê Huy - Ảnh: TUYẾT NHI

Lúc đó, bạn vui vẻ bấm "chấp nhận" hay ngay lập tức tìm cách "bỏ qua", tránh xa?

“Hôm đó đang lướt TikTok vui vẻ thì mình chợt thấy thông báo lời mời kết bạn từ… ba. Cảm giác như trời sập vậy á. Nếu từ chối sợ ba buồn mà đồng ý coi như hết đường tung hoành”, Mai Vân (lớp 7 Trường THCS Phan Văn Trị, quận Gò Vấp) chia sẻ.

Không ít bạn gen alpha từng rơi vào tình huống “đứng hình” như Vân. Hầu hết tụi mình đều có lý do chưa sẵn sàng kết bạn với ba mẹ trên mạng xã hội.

Tại sao gen alpha tụi mình ngại ba mẹ kết bạn?

Ba mẹ hay lo lắng quá mức

Bạn Lê Huy (lớp 8 Trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp) kể: “Có lần mình chỉ đăng “hôm nay mệt quá” thôi, vậy mà ba lập tức gọi điện thoại “phỏng vấn” làm mình phải vội vàng giải thích đủ thứ”. Nhiều khi chỉ vì một câu nói vu vơ của mình nhưng lại kéo theo rất nhiều tin nhắn quan tâm từ ba mẹ.

Ba mẹ gửi lời mời kết bạn, gen alpha xử lý sao cho mượt? - Ảnh 2.

Bạn Mỹ Chi và Gia Hân - Ảnh: TUYẾT NHI

Khi mạng không còn là nơi “xả stress”

Bạn Mỹ Chi và Gia Hân (lớp 8 Trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp) chia sẻ: “Hai đứa mình rất mê anime nhưng ba mẹ không hiểu, còn lo lắng rồi cấm luôn, sợ tụi mình mê quá ảnh hưởng việc học”.

Từ chỗ là nơi thoải mái chia sẻ sở thích, mạng xã hội bỗng thành nơi tụi mình phải dè chừng vì ba mẹ có thể không đồng cảm với những gì mình yêu thích.

Áp lực “con ngoan” ngay cả trên mạng?

Bạn Hoàng Minh (lớp 9 Trường THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận) thừa nhận đã từng phải “xóa vội” một bài đăng chỉ vì sợ ba mẹ hiểu lầm: “Mình thích đăng ảnh nhí nhố, viết caption bá đạo nhưng từ khi ba mẹ kết bạn, tự nhiên thấy phải sống nghiêm túc hơn.

Không dám nói linh tinh, không dám đăng mấy tấm hình hề hước nữa. Cảm giác như lúc nào cũng có giám thị theo dõi vậy đó”.

Không chỉ mất đi sự tự nhiên, tụi mình còn áp lực phải giữ hình ảnh “con ngoan” ngay cả trên mạng xã hội.

Vậy tại sao ba mẹ lại muốn kết bạn với mình?

Tụi mình đã được nói lên tiếng lòng rồi, giờ cùng nghe ý kiến từ ba mẹ nhé. Ba mẹ cũng có lý do riêng để muốn gần gũi con hơn.

Muốn hiểu con nhiều hơn

Cô P.T (phụ huynh bạn H.H, quận 10) chia sẻ: “Hồi trước, cô lo lắm khi thấy con suốt ngày ôm điện thoại. Nhưng từ khi kết bạn với con, cô mới biết con xem video học tập, theo dõi thần tượng và trò chuyện với bạn bè. Có lần con buồn vì bài vở, nhờ đọc status, cô kịp thời an ủi”.

Cập nhật xu hướng của con cái và trở thành người bạn đáng tin cậy của con

Chú S.H. (phụ huynh bạn H.Đ, quận Gò Vấp) thừa nhận rằng kết bạn với con giúp chú trẻ ra vài tuổi: “Các bạn trẻ có nhiều trend, nhiều ngôn ngữ lạ quá! Nếu không theo dõi, nhiều khi con nói chuyện mà chú chẳng hiểu gì. Thế là chú cũng xem TikTok, còn hỏi con “trend này là gì?”, vậy mà con thích lắm, còn nhiệt tình giải thích nữa”.

Một số bạn có thể không hay tâm sự trực tiếp với ba mẹ nhưng những dòng trạng thái, những bài đăng hay thậm chí là một tấm ảnh đôi khi cũng thể hiện cảm xúc của con.

Cô M.H (phụ huynh bạn K.Đ, quận Bình Thạnh) kể lại: “Có lần cô thấy con gái đăng một bài viết buồn. Cô không hỏi ngay mà chỉ để lại biểu tượng trái tim, sau đó nhắn tin riêng: “Có chuyện gì mẹ có thể giúp không?”.

Thật bất ngờ, K.Đ chịu tâm sự với cô. Nếu không có mạng xã hội, có lẽ cô đã bỏ lỡ cơ hội ấy”.

Ba mẹ ơi, đừng trở thành anti-fan của con trên mạng!

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân chia sẻ: “Vấn đề không phải là ba mẹ có kết bạn với con hay không mà là cách ba mẹ và con tương tác trên mạng xã hội, đó mới là điều quan trọng”.

Dưới đây là 4 cách chuyên gia gợi ý giúp ba mẹ và tụi mình thoải mái hơn khi kết nối trên không gian ảo:

Tận dụng chế độ riêng tư

Không phải bài viết nào mình cũng muốn chia sẻ với ba mẹ. Nếu có những status chỉ muốn tâm sự với bạn bè, tụi mình có thể chỉnh chế độ “Bạn bè thân thiết” để chỉ một nhóm người xem được, giúp giữ không gian riêng tư mà không gây hiểu lầm.

Thảo luận thẳng thắn với ba mẹ

Nếu không thoải mái khi có ba mẹ trên mạng, thay vì lén “block”, hãy thử nói chuyện thẳng thắn. Ví dụ: “Ba mẹ ơi, con muốn có không gian riêng với bạn bè trên mạng, nhưng nếu ba mẹ lo thì con sẽ cập nhật những chuyện quan trọng với ba mẹ ngoài đời nhé”.

Cách này sẽ giúp ba mẹ hiểu rằng tụi mình không có gì xấu cần giấu, chỉ là muốn một chút tự do thôi.

Ba mẹ gửi lời mời kết bạn, gen alpha xử lý sao cho mượt? - Ảnh 4.

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - Ảnh: TUYẾT NHI

Chủ động chia sẻ một số chuyện ngoài đời thật

Một trong những lý do ba mẹ theo dõi con trên mạng là vì họ lo lắng. Nếu tụi mình chủ động chia sẻ một số chuyện quan trọng ngoài đời, ba mẹ sẽ ít cảm thấy cần phải “theo dõi” mình trên mạng hơn. Cách này giúp ba mẹ bớt tò mò mà tụi mình cũng không cảm thấy bị soi quá nhiều.

Đừng đăng những gì mà sau này phải hối hận

Mạng xã hội không phải là nơi an toàn tuyệt đối. Một status “bùng nổ cảm xúc” hay một tấm ảnh “dìm hàng” có thể khiến tụi mình gặp rắc rối sau này. Trước khi đăng, hãy tự hỏi:

* Mình có thoải mái nếu bài viết này xuất hiện lại sau 5 năm không?

* Nếu thầy cô hoặc phụ huynh khác thấy được, mình có ngại không?

Nếu câu trả lời là “không chắc”, tốt nhất suy nghĩ lại trước khi đăng.

Ba mẹ tinh tế, con sẽ cởi mở. Mạng xã hội sẽ vui hơn nếu cả hai cùng tôn trọng và thấu hiểu nhau. Chỉ cần ba mẹ khéo léo trong cách quan tâm, con cái cũng chủ động chia sẻ, mạng xã hội không còn là nơi gò bó mà trở thành một góc nhỏ kết nối gia đình.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: