Khi gen alpha và drama là đôi bạn thân

Thứ sáu, 07/03/2025 11:14 (GMT+7)

'Ê, bà biết chuyện gì chưa?', hay 'Trời ơi, có chuyện hot lắm nè!' - câu nói mở đầu luôn khiến tụi mình không kiềm lòng được mà dỏng tai hóng hớt.

Khi gen alpha và drama là đôi bạn thân- Ảnh 1.

Drama thường đầy bất ngờ, không ai biết trước diễn biến tiếp theo - Ảnh do AI thực hiện

Dù là trên mạng xã hội hay ngay trong lớp học, drama như một "món ăn" không thể thiếu, khiến ai cũng phải chú ý.

Drama như một “món ăn”

TikTok, Facebook, Instagram… đâu đâu cũng thấy drama. Từ việc idol cãi nhau, chuyện tình cảm của người nổi tiếng đến những cuộc chiến “không hồi kết” giữa fanclub của các idol K-POP, V-POP.

Bạn Kim Phượng (lớp 9 Trường THCS Bình Quới Tây, quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể: Có lần mình bị hư điện thoại một ngày, hôm sau vô lớp nghe tụi bạn bàn tán chuyện drama như nghe tiếng ngoài hành tinh vậy. Ai cũng kể rôm rả mà mình chẳng hiểu gì hết”.

Còn trường học chính là vũ trụ drama thu nhỏ. Mỗi lớp học là một bộ phim dài tập với đủ thể loại: từ mấy vụ bạn thân thành bạn lạ, chuyện teamwork đến “một mình tui work” cho đến chuyện cạnh tranh trong lớp học.

Bạn Bảo Ngọc (lớp 7 Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp, TP.HCM) kể: “Lớp mình học kỳ vừa rồi có hai bạn cãi nhau vì chuyện làm nhóm. Ban đầu chỉ là hiểu lầm nhỏ nhưng rồi bạn này đăng story đá xéo bạn kia, bạn kia phản hồi, cả lớp hóng muốn xỉu. Cuối cùng, hai bạn làm hòa nhưng tụi mình vẫn nhớ drama đó tới tận bây giờ”.

Nói tới drama mà bỏ qua chuyện tình cảm tuổi học trò thì thiếu sót quá! Những câu chuyện kiểu như: “Ai crush ai?”, “Ai tỏ tình nhưng bị từ chối?”, “Ai lén viết thư tình giấu trong hộc bàn?” luôn có sức hút cực lớn.

"Tại sao drama lại khiến tụi mình “nghiện”?

Tụi mình thích hóng không phải vì thích thị phi đâu mà vì sự tò mò tự nhiên của con người. Ai cũng muốn biết chuyện gì đang xảy ra hay bên nào đúng, bên nào sai và quan trọng là có cái để bàn tán với hội bạn thân.

Drama thường đầy bất ngờ, không ai biết trước diễn biến tiếp theo. Giống như một bộ phim dài tập, có nhân vật chính, phản diện, cao trào, “plot twist” khiến ai cũng tò mò. Chỉ cần có drama là tụi mình có chuyện để tám.

Bạn Hoàng Quân (lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp) chia sẻ: “Nhóm mình luôn “cập nhật drama” trước khi ăn uống. Không có gì hot là cứ thấy thiếu thiếu”.

Khi gen alpha và drama là đôi bạn thân- Ảnh 3.

Chuyên gia tâm lý giáo dụcTrần Hữu Phước - Ảnh: NVCC

Chuyên gia tâm lý giáo dục Trần Hữu Phước chia sẻ thêm: “Các bạn Gen Alpha thường bị cuốn hút bởi drama vì sự tò mò, thích khám phá những điều bí ẩn. Ngoài ra, một lý do nữa là tâm lý “sợ bị bỏ lại phía sau”.

Khi mọi người trong nhóm đang nói về một câu chuyện, nếu bạn không biết, bạn sẽ cảm thấy như mình bị bỏ rơi và không theo kịp những gì đang xảy ra”.

Nhưng mà… hóng drama quá có tốt không ta?

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Trần Hữu Phước:Hóng drama không phải là chuyện xấu, nhưng nếu quá đắm chìm vào nó, tụi mình có thể rơi vào 2 kiểu tư duy: tư duy phát triển và tư duy bị lỗi”.

>> Tư duy phát triển giúp tụi mình nhìn mọi chuyện theo hướng tích cực, học hỏi từ drama và áp dụng những bài học đó vào cuộc sống. Thay vì chỉ chê bai hay tranh cãi, tụi mình sẽ tự rút ra được cách hành xử tốt hơn và biết đâu, còn giúp đỡ người khác nữa!

>> Còn tư duy bị lỗi thì ngược lại, tụi mình sẽ chỉ tập trung vào những điều tiêu cực, cứ mải mê soi mói lỗi của người khác mà không học được gì. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng bị “nghiện drama”.

Khi gen alpha và drama là đôi bạn thân- Ảnh 4.

Thường drama ở lớp học sẽ còn khó giải quyết hơn so với drama trên mạng- Ảnh do AI thực hiện

Và thường drama ở lớp học sẽ còn khó giải quyết hơn so với drama trên mạng. Drama ở trường dễ khiến các bạn chia bè phái, mất đoàn kết và thậm chí dẫn đến bắt nạt học đường.

Bí kíp hóng drama tích cực, không dính thị phi

Thầy Trần Hữu Phước chia sẻ với tụi mình 2 từ khóa cực kỳ quan trọng khi hóng drama, đó là “vị thế” và “tâm thế”. 

- Vị thế là cách tụi mình xác định mình là ai trong trường, lớp, trên mạng xã hội… Trước khi tham gia vào drama, hãy tự hỏi: “Mình vào mạng xã hội để làm gì? Mình muốn mình là ai trong không gian này?”. Hãy luôn nhớ, bạn là người quyết định cách mình xuất hiện trong những môi trường cụ thể!

- Tâm thế: Để hóng drama một cách tích cực, tâm thế cực kỳ quan trọng, có 2 điều quan trọng:

* Tâm thế tự tin: Không phải cứ thấy mọi người xôn xao là phải chạy theo. Drama có thể hấp dẫn, nhưng đừng để nó làm mất đi sự tự tin của bạn. Mạnh dạn đứng vững, bạn không cần phải tham gia tất cả mọi thứ.

* Tâm thế học hỏi: Hóng drama là để học hỏi, rút ra những bài học cho bản thân. Cứ mỗi lần hóng drama, hãy tự hỏi: “Mình có thể học được gì từ đây?” Đừng để những câu chuyện làm bạn mất thời gian mà phải biết cách tận dụng nó để trưởng thành hơn.

Thế là, hóng drama cũng cần một chút “chiến thuật” đấy! Drama có thể vui, nhưng nếu biết cách hóng, tụi mình sẽ chỉ thêm “xịn” thôi!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: