Hội thi sáng tác văn học Quê hương em biết bao tươi đẹp: Khi yêu thương cất thành lời

avatar KQĐ

Thứ sáu, 01/09/2023 14:40 (GMT+7)

Đó là nhận xét của nhà thơ Cao Xuân Sơn (giám khảo chung kết Hội thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi chủ đề Quê hương em biết bao tươi đẹp) về các bài dự thi bảng B (Trung học cơ sở)

Khi yêu thương cất thành lời

Làm thơ, quan trọng nhất đôi khi không phải là nói điều gì, mà là nói thế nào. Với một đề tài quen thuộc và rộng mở đến như Quê hương em biết bao tươi đẹp, điều này càng dễ thấy.

Hội thi sáng tác văn học Quê hương em biết bao tươi đẹp: Khi yêu thương cất thành lời - Ảnh 1.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn - giám khảo vòng chung kết

Tình yêu quê hương luôn ở sẵn đâu đó trong tim mỗi chúng ta. Như mạch nước ngầm trong vắt, sâu thẳm, chỉ cần ai đó khẽ khơi gợi, cảm xúc sẽ tuôn trào. 

Một góc phố, con sông, một ngọn núi, cánh đồng, nhỏ hơn là một con đò, cây đa, một bờ lau, bãi sậy, thậm chí một tiếng chim, một cánh chuồn, một mùi cỏ dại không tên, một hương trái chín xa lắc xa lơ trong ký ức... hết thảy đều có thể thổi bùng ngọn lửa nhớ thương trong mỗi chúng ta.

Với vai trò giám khảo cuộc thi này, tôi được "du lịch" miễn phí qua rất nhiều danh lam thắng cảnh, nếm trải phong vị ẩm thực riêng có của mỗi vùng miền. 

Tình yêu quê hương biến các bạn thành những hướng dẫn viên du lịch nồng nhiệt, duyên dáng không ngờ. 

Không hiếm những cách diễn đạt sinh động, ngộ nghĩnh và rất thơ về những địa danh quen thuộc, từ Nam qua Trung, ra Bắc. 

Chẳng hạn, về "Sài Gòn hoa lệ", lâu nay nhiều người quen cắt nghĩa chữ "hoa lệ " rằng "hoa cho người giàu, còn lệ cho người nghèo". 

Không hẳn sai, nhưng nghe sao có đôi phần cay đắng. Tôi vẫn muốn một góc nhìn khác. May thay, tôi đã gặp, ở ngay cuộc thi này:

Hoa - những nụ cười vươn lên mạnh mẽ

Lệ - tình người thấm đẫm yêu thương

(Thành phố tôi yêu - Bùi Vũ An Mai)

Đó chỉ là một ví dụ về một góc nhìn, một lối nghĩ, một cách nói khác. Nhẹ nhàng, bao dung, độ lượng và đẹp biết chừng nào!

...Như mọi cuộc thi văn chương, giải thưởng lần này cũng chỉ mang tính khích lệ. Chẳng phải một khi tình yêu trong ta đã cất thành lời thì bản thân những lời ấy, dù ấp úng vụng về đến đâu cũng đã là giải thưởng lớn cho chính chúng ta đó sao.

Cái đẹp bật lên từ những nghĩ suy, những tấm lòng...

Hội thi sáng tác văn học Quê hương em biết bao tươi đẹp: Khi yêu thương cất thành lời - Ảnh 3.

Nhà văn Văn Thành Lê - giám khảo vòng chung kết

Quê nhà xứ sở, nói ra thì nhẹ tênh mà luôn trĩu nặng với bất cứ ai khi đứng trước câu hỏi: Mình là ai? Mình đến từ đâu? Mình được hun đúc từ những gì?... Vậy nên Hội thi sáng tác văn học Quê hương em biết bao tươi đẹp dành cho Đội viên, học sinh lần thứ 6 - năm 2023 là cơ hội để các em cùng nhìn về quê hương tươi đẹp của mình.

Quê hương tươi đẹp từ những điều bình dị, bé nhỏ. Phải quan sát kỹ lắm, hiểu lắm, tinh nhạy lắm mới thấu thị, chỉ ra được những điều bé nhỏ mà long lanh ấy.

Là Chuyện hẻm Sài Gòn của Hứa Minh Đăng, tác phẩm thể hiện rõ được dấu chỉ để nhận diện một Sài Gòn rất riêng. 

"Có những con hẻm to như con đường và những con đường nhỏ như con hẻm." Ở đó có thể bắt gặp một hiệu sách cũ, một hiệu bán đồ handmade hay hàng quán thân thương. "Ở đó, ta có thể tìm thấy mọi thứ bình dị nhất, gần gũi nhất, thân thuộc nhất với ta."

Cuộc phiêu lưu giữa vùng quê yên bìnhNhững vùng đất mới trong thành phố của Hồ Nguyễn Thanh Vy - một cuộc bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân để nhận diện và hiểu quê nhà, hiểu phố thị, có những hình dung rõ hơn về nơi mình được sinh ra và lớn lên.

Một ngày làm nhà nông của Nguyễn Mai Lâm - cuộc khám phá ẩm thực quê nhà, hấp dẫn, lôi cuốn, vỡ ra từng bất ngờ nho nhỏ.

Còn là "Bóng hình của ngoại trong ký ức quê hương của tôi quá lớn, nhìn từng bóng cây ngọn cỏ ở quê, tôi đều thấy hình dáng của ngoại" trong Ngoại là quê hương của Hứa Phùng Cúc Quỳnh. 

Hay "Khó có mùi hương nào vương vấn được như mùi khói của bếp củi" trong Chiếc bếp củi của Lê Thủy Trúc.

Và còn nhiều, nhiều nữa qua các sáng tác Không nơi nào đẹp bằng quê hương tôi (Trương Đức Quang), Những ngày hè rực rỡ (Phạm Vũ Anh Tuấn), Quê hương qua từng ô cửa (Võ Lê Hà Ngân), Mọc thêm những chồi xanh (Trần Phạm Hoàn Kim), Miền cổ tích thơm hương sữa đậu nành (Phan Lê Triệu Mẫn), Nơi sâu thẳm trong tim (Nguyễn Ngọc Thiên Thanh) v.v...

Những sáng tác tham gia hội thi lần này của các em như cuộc trình diễn sự tươi đẹp nối dài từ phố thị về khắp nẻo làng quê. 

Ở đó có ông bà, cha mẹ, xóm giềng và đẫm đầy thiên nhiên. Cái đẹp bật lên từ những nghĩ suy về quê hương bản quán. Cái đẹp bật lên từ chính tấm lòng của các em, để đọng lại cùng câu chữ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: