Hôm nay 18-7, công bố điểm thi Đánh giá năng lực chuyên biệt đợt 3 của Trường đại học Sư phạm TP.HCM

Thứ sáu, 18/07/2025 07:21 (GMT+7)

Thí sinh có thể tra cứu điểm thi Đánh giá năng lực chuyên biệt đợt 3 bằng cách đăng nhập tài khoản cá nhân trên trang web tuyển sinh của Trường đại học Sư phạm TP.HCM.

Hôm nay 18-7, công bố điểm thi Đánh giá năng lực chuyên biệt đợt 3 của Trường đại học Sư phạm TP.HCM- Ảnh 1.

Thí sinh tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2024 do Trường đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức - Ảnh: N.T.

Các bước tra cứu điểm thi Đánh giá năng lực chuyên biệt đợt 3

Kết quả đợt thi cuối cùng của kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường đại học Sư phạm TP.HCM được công bố vào ngày 18-7. Để tra cứu kết quả, thí sinh thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập địa chỉ web: https://dkdgnl.hcmue.edu.vn/.

Bước 2: Đăng nhập vào tài khoản cá nhân bằng cách nhập số căn cước công dân và mật khẩu. Mật khẩu mặc định là ngày tháng năm sinh của thí sinh. Những thí sinh đã thay đổi mật khẩu trước đó thì nhập mật khẩu mới sau khi thay đổi. Trường hợp quên mật khẩu, thí sinh gửi email về địa chỉ dgnl.hotro.hcmue.edu.vn để được hỗ trợ.

Bước 3: Chọn mục KẾT QUẢ THI.

Bước 4: Thực hiện khảo sát công tác tổ chức thi Đánh giá năng lực chuyên biệt của trường.

Bước 5: Xem điểm thi.

Sau khi biết điểm thi, các thí sinh có nhu cầu phúc khảo sẽ đăng ký từ nay cho đến trước ngày 20-7. Trước ngày 28-7, hội đồng thi sẽ công bố kết quả phúc khảo.

Sau khi biết điểm thi, các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường có kết hợp kết quả của kỳ thi này, cần đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/ trước 17h ngày 28-7.

Điểm thi Đánh giá năng lực chuyên biệt được sử dụng như thế nào?

Đợt 3 của kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt cũng là đợt thi cuối cùng trong năm 2025. Đợt thi này diễn ra vào các ngày 8, 9 và 10-7. Đặc biệt, đợt thi chỉ diễn ra tại TP.HCM chứ không tổ chức ở một số tỉnh như khác như hai đợt thi trước.

Trải qua 3 đợt thi, kỳ thi thu hút hơn 28.000 lượt thí sinh dự thi đến từ TP.HCM và một số tỉnh như Gia Lai, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Long An (nay là Tây Ninh) và Đắk Lắk.

Kết quả thi Đánh giá năng lực chuyên biệt được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm. Kỳ thi bao gồm 6 bài thi môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh.

Năm 2025, Trường đại học Sư phạm TP.HCM có hai phương thức xét tuyển có kết hợp kết quả thi Đánh giá năng lực chuyên biệt.

1. Xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT kết hợp thi Đánh giá năng lực chuyên biệt

Phương thức tuyển sinh này chỉ áp dụng với một số ngành tại trường. Tổng điểm được quy đổi về thang điểm 30; có cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Công thức tính cụ thể như sau:

ĐXT = (0.5xĐMC + 0.25xĐM1 + 0.25xĐM2)x3 + ĐUT

Trong đó:

+ ĐXT: điểm xét tuyển, được làm tròn đến hai chữ số thập phân.

+ ĐMC: điểm môn chính được lấy từ kết quả thi Đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2024, 2025 hoặc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức năm 2025 (được quy đổi về thang điểm 10).

+ ĐM1, ĐM2: điểm trung bình 6 học kỳ ở THPT của hai môn còn lại theo tổ hợp xét tuyển.

+ ĐUT: điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phương thức áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2025. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của phương thức này là kết quả môn chính đạt từ 5,0 điểm trở lên và có một trong hai điều kiện:

+ Có học lực lớp 12 đạt loại tốt.

+ Có điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.

2. Xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt kết hợp thi tuyển môn năng khiếu

Phương thức tuyển sinh này chỉ áp dụng cho các ngành Giáo dục thể chất, Giáo dục mầm non và Giáo dục Quốc phòng – An ninh. Công thức tính điểm xét tuyển:

ĐXT = ĐM + ĐNK1 + ĐNK2 + ĐUT

Trong đó:

+ ĐXT: điểm xét tuyển, được làm tròn đến hai chữ số thập phân.

+ ĐM: điểm bài thi Đánh giá năng lực chuyên biệt môn toán hoặc văn do Trường đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức năm 2024, 2025 hoặc Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức năm 2025 (được quy đổi về thang điểm 10).

+ ĐNK1, ĐNK2: điểm môn thi năng khiếu do Trường đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức.

+ ĐUT: điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phương thức áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2025. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là thí sinh tham gia kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức và có kết quả đạt từ 5,0 điểm trở lên đối với mỗi môn thi. Yêu cầu với từng ngành:

- Giáo dục mầm non:

+ Trình độ đại học: Có học lực lớp 12 đạt loại tốt hoặc có điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.

+ Trình độ cao đẳng: Có học lực lớp 12 đạt loại khá hoặc có điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

- Giáo dục thể chất: Có học lực lớp 12 đạt loại khá trở lên hoặc có điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên hoặc là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đoạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế/giải vô địch quốc gia và quốc tế có điểm thi năng khiếu do trường tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10,0).

- Giáo dục Quốc phòng - An ninh: Có học lực lớp 12 đạt loại tốt hoặc có điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: