Hướng dẫn gợi ý làm bài Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT 2020

Chủ nhật, 09/08/2020 13:45 (GMT+7)

Mời bạn tham khảo phần hướng dẫn gợi ý làm bài thi Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT 2020.

Phần I: Đọc hiểu (3.0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận

Câu 2. Trong đoạn trích, các loài thực vật ở vùng Tsunodo thuộc Bắc cực sinh trưởng giữa mùa hè ngắn ngủi bằng cách đua nhau nẩy mầm, nở thật nhiều hoa, kết hạt, chen chúc vươn mình trong khoảng không với mảnh đời thật ngắn ngủi.

Câu 3. Sự tương đồng giữa các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực và vùng sa mạc Sahara trong đoạn trích là sống hết mình, sống nghiêm túc trong khoảng thời gian của cuộc đời mình.

Câu 4. Thí sinh có thể trả lời theo quan điểm riêng của mình. Quan trọng là lí giải sự lựa chọn đó. Song, với đề thi này thí sinh nên đồng ý. Bởi lẽ, sống hết mình cho hiện tại dù thành công hay thất bại cũng không bao giờ hối tiếc. Sống hết mình cho hiện tại giúp cuộc sống có ý nghĩa hơn, làm được nhiều điều có ích cho đời hơn!

Phần II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1: Nghị luận xã hội (3.0 điểm)

Yêu cầu về hình thức:

  • Đủ dung lượng (khoảng 200 chữ).
  • Đúng hình thức (khoảng 10 câu)
  • Không sai yếu tố chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

Yêu cầu về nội dung:

Học sinh tập trung cao vào từ khóa “sự cần thiết của việc trân trọng cuộc sống hằng ngày”.

Câu 3: Nghị luận văn học (4.0 điểm)

Học sinh làm theo những gợi ý sau:

1. Kiến thức về tác giả - tác phẩm:

- Nguyễn Khoa Điềm là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu chất suy tư, xúc cảm lắng đọng, thể hiện tâm tư, ý thức của một công dân yêu nước về vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc, thể hiện những nhận thức sâu sắc về nhân dân, đất nước qua những trải nghiệm của chính mình.

- Đoạn trích thuộc phần đầu chương V có tên Đất Nước của trường ca Mặt đường khát vọng được Nguyễn Khoa Điềm viết ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971, in lần đầu 1974. Đây là giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cũng là giai đoạn ác liệt nhất đòi hỏi sức mạnh tổng lực cho chiến thắng trong đó lực lượng giữ vai trò đặc biệt quan trọng là thế hệ trẻ. Bản trường ca kết cấu theo quá trình vận động ý thức của tuổi trẻ các thành thị bị tạm chiếm miền Nam thức tỉnh trước hiện tại đất nước, nhận rõ kẻ thù, ý thức sâu sắc về nhân dân, đất nước và trách nhiệm của thế hệ mình, đứng dậy tham gia vào cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc.

- Đoạn thơ được bình giảng thuộc phần cuối của đoạn trích, trong đó, cảm nhận về đất nước được mở ra theo các bình diện của không gian địa lí, thời gian lịch sử, chiều sâu văn hóa và tâm hồn dân tộc. Tất cả các bình diện đó đều được soi chiếu từ một tư tưởng nhất quán: Đất Nước của Nhân Dân, chính Nhân Dân đã làm nên Đất Nước.

2. Nội dung đề thi cần làm rõ

- Những suy ngẫm của nhà thơ về thời gian lịch sử của Đất Nước trong mối quan hệ với cuộc sống Nhân Dân.

- Sau những phát hiện mới mẻ và độc đáo về sự đóng góp của nhân dân để làm nên những không gian hữu hình của đất nước, nhân vật trữ tình lại cất tiếng gọi thiết tha tới người con gái yêu thương, cùng nhau hướng cái nhìn suy tư va hoài niệm vào dòng chảy xa xăm, sâu thẳm, vô hình của bốn nghìn năm

- Tiếp theo, Nguyễn Khoa Điềm đề cập đến cách sống, cách nghĩ và khẳng định công lao của nhân dân trong bốn câu thơ:

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Đây là công lao của nhân dân, lực lượng đông đảo nhất, vĩ đại nhất và cũng thầm lặng nhất suốt bốn nghìn năm qua kiên cường bền bỉ tạo dựng, giữ gìn, làm ra Đất Nước, đoạn thơ nối tiếp đã đề cập cụ thể hơn công lao to lớn của nhân dân với đất nước trong sự tôn vinh và lòng ngưỡng mộ.

- Trước hết là công lao trong sự nghiệp dựng nước, trong việc sáng tạo, bảo vệ, duy trì từ của cải vật chất đến những giá trị tinh thần:

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

- Khi Đất Nước có chiến tranh, Nhân Dân lại là những người xông pha nơi hòn tên mũi đạn, dũng cảm chiến đấu, sẵn sang hi sinh để bảo vệ sự bình yên cho Đất Nước:

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

- Mạch cảm xúc, suy ngẫm của bài thơ cứ dồn tụ dần để dẫn tới cao trào trong đoạn cuối, làm bật lên tư tưởng cốt lõi “Đất Nước của Nhân Dân”

3. Tổng kết

- Tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân không chỉ được khẳng định ở bình diện nội dung mà còn được thể hiện ngay trong yếu tố hình thức của đoạn thơ, trong một không gian nghệ thuật thấm đẫm phong vị dân gian ngay trong những câu thơ trí tuệ và hiện đại. Ca ngợi nhân dân bằng chính những sản phẩm trí tuệ của nhân dân, bằng những sáng tác phản ánh tâm hồn, tính cách và số phận nhân dân, Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn độc đáo khiến tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân được thể hiện sâu sắc và đầy sức thuyết phục.

- Đoạn thơ đã cảm nhận , phát hiện về đất nước trong cáu nhìn tổng hợp, toàn vẹn, mang đậm tư tưởng nhân dân, đã sử dụng phong phú các yếu tố của văn hóa, văn học dân gian một cách sáng tạo, hòa nhập trong cách diễn đạt và tư duy hiện đại, đem đến màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, phù hợp với tư tưởng cốt lỗi của tác phẩm, cũng là tư tưởng bao trùm trong văn học 1945-1975: Đất Nước của Nhân Dân.

Người hướng dẫn giải đề: Thạc sĩ Hồ Hoài Khanh

Tổ trưởng tổ Ngữ văn – Trường THPT Đông Đô

Trường học thông minh 789.vn

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: