Khi anh chị em trong một nhà thấy...ghét nhau

Thứ sáu, 17/05/2024 18:00 (GMT+7)

Anh chị em trong một nhà có lúc vui vẻ nhưng cũng có lúc nhìn thôi đã bực. Bạn có chung những thắc mắc như các bạn dưới đây không?

Khi anh chị em trong nhà

Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

* Nhà mình có 2 chị em. Chị học đại học, còn mình học lớp 6. Chị gái sơ hở là la mình như lúc chị dạy học cho mình, lúc chị dọn dẹp nhà cửa... Làm thế nào để chị yêu thương và dịu dàng với mình? (Một bạn học sinh lớp 6, TP.HCM)

- Là người em trong gia đình, ai cũng muốn được anh, chị yêu thương và đối xử với mình một cách ân cần, nhẹ nhàng. Hẳn chị gái của bạn cũng muốn được bạn yêu quý và mối quan hệ giữa hai chị em luôn luôn thân thiết, ấm áp. Ngay cả việc chị hay cằn nhằn khi dạy bạn học bài hay dọn dẹp nhà cửa có lẽ cũng là do chị quan tâm tới bạn.

Chị muốn nhắc nhở bạn chú tâm vào học tập hơn, biết cách tự chăm sóc bản thân và phụ giúp gia đình. Rất tiếc cách nói của chị lại khiến bạn cảm thấy không thoải mái, thậm chí còn cho rằng chị không yêu thương bạn.

Để chị thay đổi thái độ, trước hết bạn hãy nhìn nhận lại bản thân xem mình đã thực sự chăm chỉ, tự giác và nghiêm túc trong việc học tập, phụ giúp ba mẹ việc nhà chưa?

Nếu gặp khó khăn gì trong học tập hay làm việc nhà, bạn hãy thẳng thắn chia sẻ với chị để nhờ chị hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn cho đến khi bạn hiểu rõ và làm theo được.

Bạn cũng nên bày tỏ với chị cảm nhận của bạn về cách ứng xử của chị, nói rõ mong muốn của bạn với chị để chị rút kinh nghiệm và thay đổi dần dần.

Nếu cảm thấy khó nói chuyện trực tiếp với chị, bạn có thể nhắn tin, viết thư cho chị hoặc tâm sự với ba mẹ, nhờ ba mẹ góp ý thêm với chị. Chắc chắn khi thể hiện bạn là một đứa em hiểu chuyện, biết cách cư xử như vậy, chị sẽ yên tâm về bạn và dịu dàng với bạn ngay thôi!

* Mình có em trai nhỏ hơn vài tuổi. Chơi chung với em, em hay méc ba mẹ khiến mình bị la. Mình “cay” lắm! Chỉ giúp mình cách “trị” cái tật méc của em với ạ! (Bạn trai lớp 7, Q.10)

- Chắc bạn rất yêu quý em trai nhỏ của mình nên mới dành thời gian chơi chung với em. Trong quá trình chơi không thể tránh khỏi có những lúc xảy ra điều khiến em không vừa ý, méc lại ba mẹ khiến bạn bị la. Bạn cảm thấy ấm ức và “cay” cũng là lẽ thường tình thôi.

Trước khi tìm cách “trị” cái tật méc của em thì bạn nên hiểu: méc (hay còn gọi là “mách lẻo”) là thói quen thường thấy ở các em nhỏ trong độ tuổi của em bạn bây giờ.

Vì còn nhỏ tuổi nên các em rất ham thích tìm hiểu, khám phá mọi chuyện xảy ra xung quanh. Tuy nhiên, các em chưa biết cách phân tích và tự xử lý tình huống. Do vậy, các em thường méc người lớn về những điều các em nhìn thấy, nghe thấy hàng ngày như một cách để khoe với người khác về sự hiểu biết của mình. Có em méc để gây sự chú ý hoặc nhờ người lớn giải quyết giúp những rắc rối mà các em không tự giải quyết được.

Cũng vì chưa phân biệt được điều nên và không nên nói, các em vô tình tiết lộ những câu chuyện riêng tư, bí mật của người khác, có thể khiến người đó cảm thấy bị tổn thương hoặc gặp phải những rắc rối, bất lợi.

Vì thế, bạn hãy trò chuyện với em để giúp em hiểu rằng mỗi người đều có bí mật riêng tư, không muốn bị người khác biết. Người nào hay đưa chuyện, nói xấu sau lưng người khác sẽ không được mọi người yêu quý, tôn trọng. Bạn có thể hỏi em xem em sẽ cảm thấy thế nào nếu mỗi khi em mắc lỗi, cư xử không đúng mực mà có người kể lại điều đó với ba mẹ, khiến em bị la mắng, trách phạt?

Em sẽ hiểu rằng không phải chuyện gì cũng méc ba mẹ. Nhưng nếu có ai đó bắt nạt, đe dọa em, khiến em cảm thấy lo lắng, sợ hãi, bất an, khi đó em cần nói cho ba mẹ hoặc một người lớn đáng tin cậy để em được an toàn. Còn khi hai anh em chơi chung với nhau, nếu em có gì không vừa ý với bạn, em cần nói cho bạn biết để bạn điều chỉnh chứ không nên cái gì cũng méc ba mẹ.

Có một điều nữa bạn cũng nên nhớ, đó là: “Nếu không muốn người khác biết việc mình làm thì tốt nhất là không làm”. Trong khi chơi với em, bạn hãy chịu khó quan sát thái độ của em, nhường nhịn, bày cho em chơi những trò chơi khiến cả hai anh em đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái.

Nếu em có méc ba mẹ thì cũng chỉ toàn nói tốt về bạn, khiến ba mẹ cảm thấy hài lòng và tự hào về bạn mà thôi.

Khi “có biến”, U15 muốn ba mẹ cư xử thế nào?

Khi nhắc đến em trai, bạn N (lớp 9, quận 3) liếc mắt bực bội. Theo N, bạn cảm thấy ba mẹ lúc nào cũng yêu thương, chiều chuộng và dỗ dành em dù có lúc em sai. Việc này làm bạn càng ngày càng ghét em.

Trong khi đó, bạn T (lớp 9, TP.Thủ Đức) chia sẻ bạn có em trai đang học lớp 3. Đôi lúc em bướng khiến T tức không chịu được. Bạn đang học bài, em chạy vô phòng la hét um sùm trêu ngươi. Em ú na ú nần, cần giảm cân. Vậy mà khi mình góp ý, em không thèm nghe. Có lần em còn cố tình thể hiện và chọc tức T bằng cách uống một hơi đến 4 hộp sữa.

Những lúc hai anh em cãi nhau, mẹ im lặng lắng nghe. Ai sai mẹ sẽ xử phạt chứ không bênh em nhỏ, bắt mình phải nhường nhịn. Sự công bằng của mẹ khiến T cảm thấy hài lòng.

Học cách hòa giải, ba mẹ ơi!

Nếu cư xử không khéo, ba mẹ có thể khiến anh chị em cùng nhà ghét nhau. Đây là ý kiến của các chuyên gia tại một chương trình trò chuyện online với ba mẹ về việc nuôi dạy con cái diễn ra vào tháng 4-2024.

Trong đó có sự tham gia của cô Phạm Thị Thúy - Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ tâm lý trị liệu; Ths. Nguyễn Hải Anh - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD).

Chương trình đã đưa ra những lời khuyên để con cái trong nhà yêu thương nhau, ba mẹ nên làm những điều sau:

1. Nói tốt anh chị em cho nhau nghe để con cái thấy được điểm đáng yêu, dễ thương của người còn lại.

2. Bình tĩnh, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của con khi các con đang có mâu thuẫn.

3. Tôn trọng cảm xúc, ý kiến của con và không nên phán xét.

4. Đưa ra những giải pháp tích cực để giải quyết mâu thuẫn của các con cũng như giúp các con hiểu và yêu thương nhau hơn.

NGUYỄN TÚ thực hiện Với sự tư vấn của Ths. NGUYỄN HẢI ANH - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: