Khi phát hiện bạn bè bắt nạt người khác, bạn nên làm gì?

Thứ bảy, 16/03/2024 19:10 (GMT+7)

Mình từng bắt gặp một nhóm bạn bắt nạt bạn khác. Lúc đó, mình e ngại không dám lên tiếng. Điều này khiến mình áy náy. Nếu bắt gặp cảnh này, mình nên xử trí thế nào? (Một bạn nữ sinh lớp 9, TP.Thủ Đức).

Khi phát hiện bạn bè bắt nạt người khác, bạn nên làm gì?- Ảnh 1.

Hãy xem bạn bè là anh chị em thân thương trong gia đình bạn nhé! - Ảnh minh họa: NGUYỄN TÚ

Trong Báo cáo khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) thực hiện, bạo lực học đường là một trong những vấn đề khiến học sinh lo lắng nhất. Việc này làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và tâm lý của các bạn.

Để đối phó với bạo lực, các bạn cần có sự nhận biết, phòng ngừa và xử lý một cách khôn ngoan, hiệu quả.

Khi phát hiện bạn bè bắt nạt người khác, bạn cần can thiệp tích cực và bảo vệ nạn nhân khỏi tình huống này.

Điều bạn cần làm lúc này là bình tĩnh yêu cầu bạn bè dừng lại hành vi không đúng đắn ấy. Đồng thời, bạn cảnh báo với bạn ấy về hậu quả của hành vi bạo lực, các vấn đề nạn nhân và kẻ bắt nạt phải đối mặt.

Chẳng hạn: các bạn sẽ bị kỷ luật, bị bạn bè xa lánh. Thậm chí, bạn ấy có thể trở thành người bị bắt nạt. Hoặc bạn đưa ra các dẫn chứng, bài báo cụ thể về việc kẻ bắt nạt đã bị xử lý như thế nào, ảnh hưởng đến việc học hành ra sao…

Ngoài ra, để không là nạn nhân của kẻ bắt nạt, các bạn nên phát triển kỹ năng tự bảo vệ và tránh xa, nói không với bạo lực. Một trong những điều quan trọng nhất để ứng phó tình hình này là phải đảm bảo nguyên tắc:

* Nói “Không” - Không chấp nhận bị bắt nạt.

* Bỏ đi - Tìm cách bỏ đi, tránh xa để đảm bảo an toàn cho bản thân trước tiên.

* Kể lại - Nói chuyện với thầy cô, cha mẹ, bạn bè ngay lập tức để tìm sự hỗ trợ giúp đỡ.

Hãy xem bạn bè là anh chị em thân thương của bạn

Trong chương trình tọa đàm Chung tay đẩy lùi bạo hành, xâm hại trẻ em, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM) đã nhắn gửi: “Hãy xem trường học như ngôi nhà thứ hai của mình và bạn bè là anh chị em thân thương. Nếu làm được như vậy, cô tin rằng tình trạng bạo lực học đường sẽ chấm dứt”.

NGUYỄN TÚ thực hiện với sự tư vấn của cô Nguyễn Phương Linh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD))

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: