Kỹ năng đặc biệt lưu ý khi làm bài thi môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10

Thứ năm, 05/06/2025 12:03 (GMT+7)

ThS Trần Lê Duy (đồng tác giả sách giáo khoa môn ngữ văn bộ Chân trời sáng tạo) lưu ý một số kỹ năng quan trọng để làm bài thi đạt kết quả tốt.

Thạc sĩ ngữ văn mách teen cách ôn luyện, làm bài hiệu quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 - Ảnh 1.

Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi môn văn tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) năm 2024 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đọc hiểu văn bản: đừng học thuộc lòng, hãy học kỹ năng đọc

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM đang đến gần, đối với môn ngữ văn, phần đọc hiểu văn bản luôn khiến nhiều bạn "căng não" vì... không biết học sao cho đúng, ôn sao cho đủ.

Theo thạc sĩ Trần Lê Duy (giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, đồng tác giả sách giáo khoa ngữ văn bộ Chân trời sáng tạo), nếu học theo trục kỹ năng, học sinh hoàn toàn có thể làm chủ phần đọc hiểu văn bản một cách nhẹ nhàng.

Cụ thể, thay vì nghĩ "Mình phải học những văn bản nào?", bạn nên hỏi: "Mình cần thành thạo những kỹ năng đọc gì?". 

Thạc sĩ ngữ văn mách teen cách ôn luyện, làm bài hiệu quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 - Ảnh 2.

Thạc sĩ Trần Lê Duy (giảng viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP.HCM)- Ảnh: NVCC

Đây chính là điểm mấu chốt trong cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 hiện nay, đặc biệt tại TP.HCM. Bởi từ năm 2025, đề thi không kiểm tra trí nhớ, mà kiểm tra học sinh làm được gì với một văn bản mới.

Thầy Duy chia sẻ cách học hiệu quả là luyện từng kỹ năng đọc phù hợp với từng thể loại văn bản, vì mỗi thể loại sẽ có kiểu câu hỏi riêng. 

Khi nắm vững các kỹ năng đọc theo thể loại, bạn sẽ dễ dàng hình dung được dạng câu hỏi có thể gặp trong đề thi và biết cách trả lời sao cho đúng.

"Đây không phải là đoán đề, mà là hình dung cấu trúc tư duy đọc - viết của đề thi yêu cầu", thầy cho biết.

Ví dụ: Nếu đang học văn bản thơ, học sinh có thể luyện theo 6 kỹ năng cơ bản sau:

1. Phân tích vần và nhịp thơ để hiểu nhạc điệu, cảm xúc qua cách gieo vần, ngắt nhịp.

2. Phân tích từ ngữ, hình ảnh để khám phá ngôn ngữ hàm súc, gợi cảm trong thơ.

3. Xác định mạch cảm xúc: nhận biết sự phát triển cảm xúc qua từng khổ thơ.

4. Nhận diện cảm hứng chủ đạo - tức cảm xúc lớn bao trùm toàn bài thơ.

5. Rút ra chủ đề, thông điệp, tư tưởng từ bài thơ.

6. Đánh giá kết cấu bài thơ - cách tổ chức nội dung và hình thức của tác phẩm.

Học cách thao tác các bước với văn bản

Trong quá trình học tập, teen đã làm quen với rất nhiều kiến thức lý thuyết của môn ngữ văn như vần, nhịp, biện pháp tu từ,… Nhưng đến lúc thi, đề sẽ không hỏi "Vần là gì?", thay vào đó yêu cầu phân tích cách gieo vần và tác dụng của nó trong bài thơ.

Vì vậy, theo thầy Trần Lê Duy, học sinh nên hệ thống hóa lại kiến thức, nhưng theo cách gắn với hành động cụ thể - tức là học và làm theo các bước.

"Điều quan trọng không chỉ là học thuộc khái niệm, mà là biết cách sử dụng khái niệm đó để đọc và phân tích văn bản", thầy nhấn mạnh.

Ví dụ: Khi gặp câu hỏi liên quan đến yếu tố vần trong bài thơ, có thể xử lý theo 2 bước sau:

Bước 1: xác định cách gieo vần bằng cách tìm các từ có âm cuối giống nhau ở các dòng thơ gần nhau.

Bước 2: nhận xét tác dụng của cách gieo vần đó - nó tạo nên nhạc điệu gì, gợi cảm xúc gì, làm nổi bật điều gì trong bài thơ.

Những lưu ý quan trọng khác khi làm bài thi môn văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 TP.HCM

Cũng theo thầy Trần Lê Duy, một vấn đề thí sinh thường gặp phải là cách trình bày câu trả lời: học sinh hiểu đề, biết câu trả lời, nhưng vẫn bị mất điểm.

Thầy Duy lý giải điều này xảy ra phổ biến vì cách trình bày của học sinh chưa rõ ràng, thiếu bố cục hoặc chưa đúng yêu cầu của đề.

Để khắc phục, teen cần lưu ý luyện cách viết câu trả lời chuẩn xác. Phần trình bày không chỉ phải nêu đúng ý, mà còn sử dụng từ khóa chính xác và có dẫn chứng cụ thể từ văn bản để thầy cô chấm thi dễ dàng theo dõi, từ đó đánh giá đúng năng lực thí sinh.

Ngoài những bí kíp ôn tập cụ thể, thầy còn nhấn mạnh: học sinh cần chú ý từ khóa trong câu lệnh của đề, như chỉ ra, phân tích, nhận xét, đánh giá,… Mỗi từ khóa sẽ gắn với một thao tác tư duy khác nhau, vì vậy muốn làm đúng, trước hết phải hiểu đề đang yêu cầu mình làm gì.

Ở phần viết văn, khi thấy từ "đối thoại" xuất hiện trong đề, nhiều bạn hoang mang tưởng rằng đây là dạng đề mới.

Nhưng theo thầy Duy, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM hiện nay chỉ có 2 kiểu bài chính: viết bài nghị luận trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống và viết bài nghị luận về một vấn đề cần giải quyết. Như vậy, chữ "đối thoại" chỉ là một cách viết câu lệnh để khuyến khích học sinh nhìn nhận vấn đề từ nhiều chiều.

Thầy cũng lưu ý thêm: không phải lúc nào viết văn cũng cần phản biện. Phản biện (hay phản đề) chỉ cần thiết khi đề có tính trao đổi, bàn luận hoặc có nhiều góc nhìn. Còn với những đề yêu cầu trình bày giải pháp, phân tích ý nghĩa,… chỉ cần tập trung làm rõ luận điểm chính.

Cuối cùng, đừng quên một nguyên tắc cực kỳ quan trọng: bài văn có tính chỉnh thể. Nghĩa là nếu bạn chưa viết xong mà hết giờ, bài sẽ không được tính điểm. Vì vậy, hãy canh thời gian hợp lý để không mất điểm đáng tiếc chỉ vì bài văn còn dang dở.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: