Làm thế nào để không 'khó chịu vô cùng' với bạn cùng bàn?

Thứ hai, 14/10/2024 22:33 (GMT+7)

Sẽ như thế nào nếu bạn bắt đầu năm học mới với một người bạn cùng bàn và xảy ra những tình huống 'khó chịu vô cùng'.

Làm thế nào để không 'khó chịu vô cùng' với bạn cùng bàn?- Ảnh 1.

Bạn cùng bàn luôn có nhiều điều để nói - Ảnh: COPILOT (AI)

Khi bạn cùng bàn 'đại chiến'

Gắn bó suốt năm học, gặp mặt nhau mỗi ngày nên đôi khi những đôi bạn cùng bàn không tránh khỏi mâu thuẫn, thậm chí cạch mặt nhau.

Vân Anh (lớp 12, Trường THPT Trương Định, Tiền Giang) và cô bạn ngồi cạnh từng chiến tranh lạnh, không nói chuyện với nhau suốt một tháng.

“Trong lớp có hai nhóm bạn đối đầu nhau, mình chọn trung lập không muốn chơi thân với nhóm nào cả. Nhưng cô bạn ngồi cạnh muốn mình chỉ được chọn một “phe”.

Do không tìm được tiếng nói chung nên cả hai cạch mặt nhau. Khoảng thời gian đó mình vô cùng khó chịu, bầu không khí xung quanh rất nặng nề”, Vân Anh chia sẻ.

Ganh tị nhau về điểm số, bị so sánh, hiểu lầm... đó là những lý do khiến các đôi bạn cùng bàn dễ quay lưng nhau.

Bảo Ngọc (lớp 11, Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi) chia sẻ: “Trước đây mình và bạn ngồi cạnh khá hòa thuận, lần nọ bị điểm số môn Hóa của mình vượt mặt, bạn ấy tỏ vẻ không hài lòng. Tuy không nói ra nhưng cả hai dần có khoảng cách và ít đùa giỡn với nhau hơn”.

Tiêu chí chọn 'hàng xóm'

Bạn cùng bàn cũng giống như người hàng xóm, nếu có hàng xóm tuyệt vời, vừa ý sẽ giúp bạn có một năm học “nở hoa”.

Là người kỹ tính nên Thanh Tâm (lớp 12, THPT Nguyễn Trãi, quận 4) mong muốn người bạn ngồi cạnh phải lịch sự, biết để ý xung quanh tránh làm phiền.

"Nếu có tiêu chí, mình muốn bạn ngồi cạnh là người cùng giới để dễ tâm sự, không cần học quá giỏi đâu, chỉ cần có ý chí phấn đấu là được. Mình cũng sẵn sàng hỗ trợ bạn ấy trong việc học”, Thanh Tâm chia sẻ.

 Vốn dễ tính nên bạn Đức Anh (lớp 12, Trường THPT chuyên Tiền Giang, Tiền Giang) ngồi cùng với ai cũng dễ dàng “bắt sóng” hòa đồng. Tuy nhiên Đức Anh thích được ngồi cạnh những bạn hài hước, vui nhộn hơn là các bạn hướng nội. Nếu có học lực khá giỏi, giúp đỡ nhau trong học tập thì càng tốt.

Làm thế nào để không 'khó chịu vô cùng' với bạn cùng bàn?- Ảnh 3.

Đức Anh và cậu bạn thân ngồi cùng bàn Tấn Thành - Ảnh: NVCC

Cùng nhau xây dựng “tổ ấm”

Sau một tháng chiến tranh lạnh với cô bạn cùng bàn, Vân Anh đã quyết định mở lời nói chuyện lại. Nhờ vậy cả hai đã hiểu rõ và tôn trọng quyết định của nhau hơn.

Vân Anh cho biết: “Đầu năm học mới khi xác định phải ngồi chung với bạn nào, mình sẽ chủ động hỏi sở thích của đối phương để tìm chủ đề cùng trò chuyện”.

Vì là học sinh xuất sắc nên trước đây Thanh Tâm thường được giáo viên sắp xếp ngồi cạnh một bạn học lực yếu hơn để giúp đỡ. Tâm cho rằng, dù bạn ấy chưa giỏi nhưng mình cần tôn trọng, lắng nghe bạn nhiều hơn. Sau một thời gian Tâm đã giúp bạn tiến bộ.

“Mình phát hiện bạn ấy tiếp thu bài rất nhanh, chỉ do ham chơi nên kết quả học tập chưa cao. Ngược lại bạn ấy cũng bảo vệ mình. Những lúc mình ngủ gật, chính bạn là người đánh thức kịp lúc để mình không bị giáo viên phạt”, Tâm nhớ lại.

Năm nay Thanh Tâm ngồi cùng bàn với bạn Nhi rất xinh và học giỏi. Để cùng nhau có một năm học thân tình, ngay từ đầu Tâm và Nhi đã nói rõ những điều cả hai không thích: “Mình sẽ không vui nếu người khác tự ý lấy đồ dùng của mình như bút, sách... mà không hỏi, còn Nhi không thích mình cứ lải nhải nói đi nói lại các vấn đề đã được giải quyết”.

Làm thế nào để không 'khó chịu vô cùng' với bạn cùng bàn?- Ảnh 4.

Thanh Tâm (áo đen) và Nhi - Ảnh: NVCC

Vốn dễ tính nên Đức Anh thường chủ động làm quen trước để bạn ngồi cạnh có ấn tượng về mình. Trong học tập chắc chắn cả hai sẽ rất cần đối phương giúp đỡ nhau. Theo Đức Anh, đây chính là cơ hội để bạn bè tăng gắn kết.

“Sẽ có rất nhiều lý do như làm bài tập nhóm, hỏi bài, nhắc nhở nhau ngày mai có tiết kiểm tra, rủ bạn ăn vặt cùng... Mình nghĩ sẽ không khó để thân thiết với bạn ngồi cạnh bên, chỉ cần bạn tìm được lý do”, Đức Anh chia sẻ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: