Muỗi vằn: 'Máy bay địch' chuyên đánh lén con người

Thứ tư, 03/04/2024 12:13 (GMT+7)

Đâu đó trong các đồ dùng chứa nước hoặc chỗ có nước đọng, bạn sẽ nhìn thấy những chấm nhỏ li ti màu đen. Đó chính là trứng của muỗi vằn - kẻ có 'máu mặt' trong dòng họ nhà muỗi.

Muỗi vằn: 'Máy bay địch' chuyên đánh lén con người- Ảnh 1.

Minh họa: FREEPIK

Trứng muỗi

Nhìn bằng kính lúp, trứng muỗi vằn có hình dạng như hạt gạo, bóng và nhỏ bằng đầu bút chì chuốt nhọn. Lúc mới sinh ra, chúng có lớp vỏ bên ngoài trong suốt, nhưng sẽ dần cứng lại và chuyển sang màu đen sau một thời gian ngắn. 

Lớp vỏ dày là tấm áo giáp thần kỳ, giúp trứng muỗi chịu được thời tiết khô hạn trong nhiều tháng liền. Tuy nhiên, chúng sẽ “chết cóng” nếu ở trong môi trường quá lạnh (dưới 10 độ C).

Khi mưa xuống hoặc khi “ổ” được đổ thêm nước, cộng với môi trường dồi dào thức ăn, trứng muỗi sẽ nở thành lăng quăng, bắt đầu cuộc phiêu lưu của đời mình.

Lăng quăng và cung quăng

Sau khi bị ngập nước khoảng 2 ngày, trứng muỗi vằn sẽ nở thành lăng quăng. Giai đoạn này kéo dài khoảng 8-10 ngày tùy theo nhiệt độ và thức ăn trong môi trường.

Lăng quăng bơi rất nhanh bằng những cử động uốn éo, vặn mình liên tục trong nước. Khi mệt, chúng treo ngược thân mình ở mặt nước để thở nhờ vào các ống thở ở phần đuôi. Khi phát hiện nguy hiểm, chúng sẽ nhanh chóng lặn xuống dưới để trốn. 

Lăng quăng rất háu ăn. Chúng thích ăn rong, tảo và những sinh vật nhỏ sống trong nước.

Lăng quăng phải trải qua 4 lần lột xác để lớn dần lên. Sau lần lột xác thứ 4, chúng trở thành cung quăng, một giai đoạn khá ngắn ngủi (chỉ khoảng 1-2 ngày).

Cung quăng có hình dấu phẩy, rất ít bơi lội, chỉ treo mình ở mặt nước để thở. Giống như lăng quăng, khi phát hiện nguy hiểm, chúng sẽ nhanh chóng rời khỏi mặt nước bằng cách búng mạnh cái bụng của mình. 

Cung quăng không ăn gì trong suốt thời gian tồn tại. Cuối cùng chúng lột xác thành muỗi trưởng thành.

Thả cá vào lu nước, cho vài giọt dầu ăn vào bình hoa… là những biện pháp thường dùng để diệt trừ lăng quăng và cung quăng.

Muỗi cái trưởng thành

Muỗi vằn màu đen, có khoang trắng ở thân và chân. Muỗi đực nhỏ hơn so với muỗi cái, ăn nhựa cây và mật hoa suốt cuộc đời mình. Còn muỗi cái chỉ ăn những thứ này trong vòng 3 ngày đầu sau khi lột xác từ cung quăng.

Những ngày sau đó, muỗi vằn cái bắt đầu hút máu người và động vật. Bên cạnh đó, chúng còn là “trạm trung chuyển” cho một số bệnh lây truyền từ người sang người như sốt xuất huyết dengue, sốt vàng…

Máu của người và động vật cung cấp chất đạm cho muỗi, giúp trứng muỗi phát triển. Chúng thường “kiếm ăn” vào ban ngày, đặc biệt là lúc sáng sớm và chập tối.  

Muỗi vằn cái cần “ăn” no trước khi đẻ trứng. Khi đang hút máu, nếu nhận thấy nguy hiểm, chúng sẽ bay mất, sau đó quay lại hoặc tìm “con mồi” khác để hút máu cho đến khi no bụng. Vì vậy, một con muỗi vằn cái có thể hút máu của nhiều người hoặc động vật cùng một lúc. 

Ba ngày sau khi hút no máu, chúng sẽ đẻ trứng, bắt đầu một vòng đời mới.

Muỗi vằn đực sống trung bình khoảng 1 tuần, còn muỗi vằn cái sống trung bình 2-3 tuần tùy thuộc nhiệt độ, độ ẩm… của môi trường.

Đừng quên xử lý khu vực ao tù nước đọng, dùng kem chống muỗi hoặc sử dụng nhang muỗi, thuốc xịt muỗi nếu cần bạn nhé!

Dự án Công tắc Khoa học được thực hiện bởi Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU; Công ty Bayer Việt Nam và Ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ của báo Tuổi Trẻ.



Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: