Nam sinh Phổ thông Năng khiếu mê lập trình, không ngại dấn thân

Thứ sáu, 07/03/2025 16:57 (GMT+7)

Học tập trong môi trường các bạn đều giỏi khiến Dương Kiến Khải (lớp 12 Tin, Trường Phổ thông Năng khiếu) có thêm động lực dấn thân vào những trải nghiệm mới.

Nam sinh Phổ thông Năng khiếu mê lập trình, không ngại dấn thân - Ảnh 1.

Dương Kiến Khải vừa đạt giải nhất học sinh giỏi quốc gia năm 2024-2025 môn tin học - Ảnh: NVCC

Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2024-2025 vừa qua, Dương Kiến Khải (lớp 12 Tin, Trường Phổ thông Năng khiếu) giành giải nhất môn tin học.

Trước đó, bạn từng là thủ khoa hệ chuyên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 TP.HCM năm 2022 với điểm 10 tuyệt đối cho 3 môn toán, ngoại ngữ và tin học. 

Đồng thời, với tổng điểm 46,65 (môn chuyên nhân đôi), Khải còn là thủ khoa đầu vào có điểm số cao nhất trong lịch sử thành lập Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Từ thủ khoa "nhiều người mê" đến giải nhất học sinh giỏi cấp quốc gia

Sau dấu ấn đặc biệt năm 15 tuổi, bước vào Trường Phổ thông Năng khiếu khiến Khải nhận ra bản thân vẫn chưa đủ giỏi. 

Năm lớp 10, Khải tập trung học để lấy lại cảm giác được công nhận. Trong năm đó, bạn đạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn tin học.

Đang trên đà thành công, "cú ngã" khi trượt top 3 của trường dự thi Olympic truyền thống 30-4 là điều Kiến Khải nhớ mãi.

"Cú ngã" đó như lời thức tỉnh, giúp Khải nhận ra mình đang đứng ở vị trí nào. Không nản chí, bạn tin rằng "thất bại không phải là cú ngã không thể đứng dậy được".

Khải hiểu ra rằng nếu không nỗ lực, tiếp thu cái mới thì bản thân sẽ thụt lùi. 

Một năm sau, Khải đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia và "phục thù" thành công khi mang về tấm huy chương vàng (thủ khoa) cuộc thi Olympic truyền thống 30-4.

 Nói về bản thân hiện tại, Khải thoái mái hơn và không tạo áp lực cho mình như năm lớp 10. Với Khải, quan trọng là biết mình là ai và đang ở vị trí nào.

Chinh chiến nhiều năm, với mỗi cuộc thi, Khải tự nhìn nhận nó quan trọng ra sao, từ đó, chọn cách tiếp nhận kỳ thi với tâm thế phù hợp.

Bớt thời gian học, thêm thời gian khám phá

"Trải nghiệm" và "Kết nối" cũng là hai từ khóa mà Kiến Khải hướng đến trong cuộc sống hiện tại.

Khải dành thời gian để đi trải nghiệm những điều mới, trong đó có việc tham gia các cuộc thi về tin học.

"Việc học tin học giúp mình có nhiều cơ hội và điều kiện để tham gia các cuộc thi. Các cuộc thi này đã cho mình cơ hội để đi nhiều nơi" - Khải nói.

Thông qua các cuộc thi tin học và học sinh giỏi, Khải được đi đến các tỉnh thành như: Đà Nẵng, Huế, Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội.

Đối với Khải, những trải nghiệm "không phải là thứ mình học được mà là thứ mình nhìn, cảm thấy được và là thứ theo mình đến tận sau này."

Riêng với từ khóa "Kết nối", khi bắt đầu hành trình gắn bó với tin học, Khải được hút vào một cộng đồng là đội tuyển, lớp chuyên và cộng đồng bạn bè của các cuộc thi như Hội thi Tin học trẻ,... Đó là một cộng đồng có những người cùng chung đam mê, chung hướng suy nghĩ.

"Hơn hết, mình muốn nói đến sự kết nối ở đây không chỉ là giữa những người bạn thân nhưng chưa chắc đã chung chí hướng. Điều mình trân trọng còn là sự đồng hành lâu dài của những người bạn này với mình trong tương lai." - Khải chia sẻ.

Nam sinh Phổ thông Năng khiếu mê lập trình, không ngại dấn thân - Ảnh 3.

Kiến Khải tham gia Hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc được tổ chức tại trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NVCC

Ngoài học tập tại trường, Kiến Khải còn tham gia nhiều hội nhóm về tin học, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Bạn còn là trưởng nhóm trong một dự án dạy học phi lợi nhuận mang tên Đường đến tri thức. Tại đây, các bạn sẽ dạy học 1 kèm 1 cho các em nhỏ tại các mái ấm trên địa bàn thành phố.

Hiện tại, Khải vẫn đang tích cực tham gia những cuộc thi, tích lũy những trải nghiệm cho độ tuổi đẹp nhất. Với bạn, chính những điều này sẽ là mảnh ghép cho hành trình khám phá ra điều phù hợp nhất với bản thân trong tương lai.

Công thức phân chia năng lượng của Kiến Khải

Khải ví chuyện giải đề tin học như giải một bài toán về năng lượng. Bạn chỉ có một khối năng lượng cố định và cần phân chia để sử dụng hợp lí.

Khi có trong tay đề thi, Khải chọn cách đọc hết đề và phân mức độ từ dễ đến khó của câu hỏi trong khoảng 5-10 phút đầu. Ngoài xác định độ dễ khó, Khải còn phân loại câu nào liên quan đến câu nào.

Theo Khải, khi phân loại ra như vậy, có những câu sẽ liên kết với nhau, khi giải được một câu sẽ có kết quả hoặc hoàn thành một phần việc của các câu khác.

Việc sắp xếp có tính toán này vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian, vừa không phải tiêu hao nhiều công sức khi làm bài.

Tuy nhiên, theo cậu bạn, mỗi người sẽ có một cách phân chia năng lượng riêng. Chính sự luyện tập về lâu dài sẽ giúp mỗi người tự tìm ra "công thức" cho riêng mình.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: