Mặt Trời phúc hậu cười sảng khoái, nụ cười ấy biến thành hàng nghìn bông hoa màu vàng tươi, nở tung rạng rỡ, vỡ òa khắp làng mạc một thứ ánh sáng ấm áp, tươi vui. Nắng xuân sáng bừng cả không gian, kéo lòng tôi bừng sáng theo mỗi độ xuân về tết đến.
Nếu có cuộc thi tìm kiếm gia đình giàu có nhất vùng bằng đồ vật quý giá nhất như truyện Thạch Sùng thuở bé thì nhà tôi cược cả năm miệng người vào chiếc xe honda cũ nát đã 20 năm của ba để chạy xe ôm và xoong bánh canh của mẹ. Nhưng không vì cái “cơ đồ” ấy mà Tết đến tôi không được rộn ràng sắm sửa như bao đứa trẻ mười lăm.
Tuổi mười lăm là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành về gu thời trang của tôi. Tôi sẵn sàng vẫy tay tạm biệt những chiếc áo thun in hình mèo, khỉ, gấu với giá cả mà dù sự sống có vận hành đi lên thì bảng quảng cáo: “100.000 đồng ba cái” vẫn hiện hữu trên con đường thời gian vô tận. Đôi mắt xanh non đã nhấp nháy “lúng liếng tình” với chiếc váy trễ vai điệu đà được trưng bày chễm chệ qua tấm kính trong suốt của shop Nguyệt Nga. Nhưng kẻ ái tình là chúa ngủ mơ giữa ban ngày. Giá của chiếc váy ấy là số tiền mà tôi chưa bao giờ cầm đến: 270.000 đồng. Những mùa Tết trước, năm mới của tôi chỉ gói gọn vào một chiếc áo thun mới và chiếc quần jeans mẹ cố gắng chen chân giành lấy từ cửa hàng từ thiện đầu chợ mỗi năm một lần. Nhưng trong các bài báo hoặc bản tin về tuổi trẻ vẫn thường trích dẫn câu nói nổi tiếng của Steve Jobs: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”, tôi sẽ thử “dại khờ”. Tôi đánh liều hỏi xin mẹ tiền mua váy mà nơron thần kinh cứ chạy ngổn ngang như chợ 30 Tết. Hỡi ôi, tôi bỗng chốc trở thành đạo diễn vẽ nên những khung cảnh hãi hùng của một bộ phim bom tấn.
-Đây, con cầm tiền mà sắm sửa và đi chơi Tết.
Lời nói dịu dàng của mẹ như bàn tay vô hình bóp nát các phân cảnh thót tim kia vỡ rôm rốp. Tờ 500.000 đồng mới cứng chìa ra trước con mắt ngơ ngác lạ lùng của tôi. Ôi, nắng xuân, thứ ánh sáng vàng thiên biến vạn hóa, khiến mọi vật thô thiển như thể đều được dát vàng, lấp lánh hơn, đẹp hơn nhờ nắng. Chao ôi, tôi là một đạo diễn điên rồ. Tại sao tôi lại làm phim kinh dị khi mùa tết đến, mùa của hạnh phúc và ấm no?
Xuân về với tấm danh thiếp rực rỡ của muôn hoa, với những tia nắng gói vào ngọn gió thanh mát sớm mai và cả sự dịu dàng quá đỗi từ ba mẹ tôi. Tôi có thể đi chơi tận 11 giờ đêm và nướng chín giường đến 10 giờ sáng. Tôi sẽ tiếp tục là con thuyền gặp gió lướt phăng phăng trong niềm hân hoan nếu cơn đau bụng quái ác giữa đêm mùng bốn không ập tới. Dường như tô bún riêu tôi ăn cùng lũ bạn hồi chiều có vấn đề khiến bụng tôi đánh trống liên hồi. Ba giờ sáng, tôi ù chạy ra nhà vệ sinh với đôi mắt lờ đờ cùng đôi chân cứ thích đá nhau như vũ công ba lê. Ấy chết… có tiếng lục đục trong bếp… là chuột hay ăn trộm, cơn đau bụng bắc thang theo từng nấc mỡ tôi tích tụ mấy ngày nay lan khắp cơ thể khiến chân tay tôi bủn rủn, tôi len lén nhìn. Ồ, cái bóng quen quá, tôi tiến lại gần hơn… là mẹ. Mẹ đang nhẹ nhàng khuấy nồi cháo giò. Từng sợi khói lượn lờ bốc lên, xoa mái tóc được buộc gọn gàng của mẹ. Ơ, mẹ bán bánh canh cơ mà? Tôi đảo mắt nhìn, xoong bánh canh đã đặt gọn gàng cuối bếp. Tiếng xe máy ì ạch từ xa vọng lại. Tiếng xe ba tôi đấy. Xe chạy thẳng vào sân sau, ba lê từng bước nặng nề vào gian bếp.
-Hôm nay thuyền thằng Đẩu đánh cá ít nên kéo lưới chỉ được 30 chục nghìn.
Ba đút tay vào túi quần lấy tiền đưa mẹ. Ô kìa, đôi bàn tay to lớn sao đầy những vết sẹo. Có những vết sẹo vẫn còn đỏ hỏn, rơm rớm máu.
Ba ngồi đánh phịch xuống bậc cửa, ngửa cái cổ rắn chắc lên khoảng không bạt ngàn.
-Tết, người ta ít ra chợ ăn uống nên lời ít lỗ nhiều, chắc tui phải đi làm thuê để có đồng ra đồng vào – Từng lời nói dịu nhẹ của mẹ như đám khói vội bay ra rồi tan đi âm thầm.
Gian nhà bỗng im ắng như thuở còn nguyên sơ.
-À, sao bà đưa tiền cho con Ngọc sắm sửa, đi chơi nhiều thế? – Ba cất tiếng, mắt không rời những mảng màu xanh đậm.
-Nó lớn rồi. Trong năm nó học hành chăm chỉ, Tết đến, cho nó bằng bạn bằng bè một chút. Thời con gái, tui chẳng biết hương vị Tết là gì, cả ngày chỉ quanh quẩn với bếp núc. Thôi, mình già lớn rồi, khổ đã quen, cố gắng khổ thêm một tí để con cái đón Tết được sung túc.
Đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ hướng tia nhìn vào khoảng trời đang yên giấc. Những vì sao hôm nay sáng quá hay đôi mắt đã biến thành hồ nước rộng bao la mà ánh nhìn của mẹ mênh mang chút gì đó luyến tiếc, phần nào đó xót xa và ít lấp lánh hi vọng.
Tiếng thở dài thườn thượt của ba tan nhẹ vào trong không khí nhưng quấn chặt lấy con tim rối bời của tôi. Quặn thắt. Thì ra ngoài công việc chính, ba mẹ còn phải tất tả làm thêm nhiều việc để có tiền sắm sửa cho chị em tôi có cái Tết trọn vẹn nhất. Tôi đã rối rít nhận lấy tờ tiền 500.000 đồng mà chẳng mảy may nhận ra tay mẹ ngày càng xương xẩu. Tôi đắm mình vào các cuộc vui chơi đến độ một ngày chỉ gặp ba mẹ vài phút. Cơn đau bụng lại hoàng hành khiến mắt tôi ầng ậc nước. Nước mắt tôi dắt tay nhau nhỏ tí tách xuống sàn theo nhịp bập bùng của ánh lửa bên cạnh mẹ. Tết đến, tôi vui, lũ bạn của tôi cũng vui lắm nhưng đâu phải tất cả mọi người đều vui. Tôi vui mà quên đi giọt mồ hôi nhọc nhằn của ba mẹ gồng gánh, chắt chiu từng ngày.
Nắng xuân đâu chỉ mỗi màu vàng chói chang. Nắng có bảy màu. Tết đâu chỉ có mỗi niềm vui, phấn khởi. Tết còn là nỗi nhung nhớ của đứa con xa quê không kịp chuyến tàu, còn là tiếng nấc nghẹn ngào của những ai mất người thân do tai nạn giao thông. Và Tết còn là nỗi lo toan ngập tràn của mảnh đời khốn khó như gia đình tôi đây.
Nắng vàng nhờ sự nhường nhịn của các màu khác khi qua tầng khí quyển. Tết đẹp hơn nếu ta biết sẻ chia.
Tôi lau vội những giọt nước mắt trên khuân mặt nhem nhuốc, bước nhanh ra gian bếp:
- Con lớn rồi. Ngày mai, con sẽ xin rửa chén quán phở bà Năm, ba mẹ nhé!
LÊ THỊ NGỌC PHỤNG (Lớp 10A2 trường THPT Tuy Phong, Bình Thuận)
* Bài viết tham dự sân chơi chủ đề Xuân yêu thương do Mực Tím Online tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận