Thứ tư, 02/07/2025 15:20 (GMT+7)

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 5 ngày đăng ký nguyện vọng thử, diễn ra từ 29-6 đến hết 3-7.

Ngày mai 3-7, đóng cổng đăng ký nguyện vọng thử, thí sinh cần lưu ý điều gì? - Ảnh 1.

Thí sinh rạng rỡ ăn mừng sau khi hoàn thành bài thi cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) - Ảnh: VŨ

Ngày mai (3-7) là hạn cuối cùng để thí sinh tham gia đăng ký thử nghiệm nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025 trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ: https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn hoặc bấm vào ĐÂY.

Đây là hoạt động tập dượt miễn phí, kéo dài từ ngày 29-6 đến hết 3-7, giúp thí sinh làm quen với giao diện và các thao tác đăng ký nguyện vọng trực tuyến.

Sau thời điểm này, toàn bộ dữ liệu đăng ký thử sẽ được hệ thống xóa sạch để chuẩn bị cho giai đoạn đăng ký chính thức.

Ngày mai 3-7, đóng cổng đăng ký nguyện vọng thử, thí sinh cần lưu ý điều gì? - Ảnh 2.

Ngày mai (3-7) là hạn cuối thí sinh tham gia đăng ký thử nghiệm nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025 trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Lưu ý quan trọng: Việc đăng ký nguyện vọng thử không có giá trị xét tuyển và không thay thế cho đợt đăng ký chính thức.

Do đó, thí sinh cần ghi nhớ các mốc thời gian sau:

- Từ 16-7 đến 17h ngày 28-7: thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển chính thức trên hệ thống.

Việc đăng ký thực hiện hoàn toàn trực tuyến, không giới hạn số lần điều chỉnh, sử dụng tài khoản đã được cấp để đăng ký.

- Từ 29-7 đến 17h ngày 5-8: thí sinh thanh toán lệ phí xét tuyển dựa trên số lượng nguyện vọng đã đăng ký.

- Trước 17h ngày 30-8: thí sinh trúng tuyển (bao gồm cả diện tuyển thẳng) phải xác nhận nhập học trên hệ thống nếu có nguyện vọng theo học.

Ngoài ra, từ tháng 9 đến tháng 12-2025, các trường có thể tiếp tục tổ chức các đợt xét tuyển bổ sung.

Tuy nhiên, thí sinh đã trúng tuyển và xác nhận nhập học ở đợt chính sẽ không được tham gia xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.

Việc tham gia đăng ký nguyện vọng thử là cơ hội để thí sinh tránh các sai sót không đáng có trong quá trình đăng ký chính thức sắp tới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích học sinh lớp 12 và thí sinh tự do tận dụng tối đa thời gian còn lại của đợt thử nghiệm để tập luyện, rà soát thông tin cá nhân, làm quen cách nhập nguyện vọng.

Song song đó, nên chuẩn bị sẵn danh sách nguyện vọng phù hợp với điểm số, ngành học mong muốn để chuẩn bị cho đợt đăng ký nguyện vọng xét tuyển chính thức.

Để đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng, cần nắm rõ các thông tin sau:

1. Tài khoản đăng nhập hệ thống

+ Được trường cấp từ trước kỳ thi tốt nghiệp THPT (gồm số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/định danh cá nhân, mật khẩu).

+ Nếu quên mật khẩu, cần liên hệ điểm tiếp nhận hồ sơ (thường là trường THPT đang theo học) để được hỗ trợ.

2. Danh sách các nguyện vọng dự kiến

+ Bao gồm: mã trường - mã ngành - mã tổ hợp xét tuyển.

+ Cần xếp thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất). Bởi mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất - nguyện vọng cao nhất trong số những nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

3. Thông tin tuyển sinh của từng trường/ngành

+ Các tiêu chí phụ (ưu tiên khu vực, điều kiện điểm sàn, chứng chỉ tiếng Anh, điểm cộng,…).

+ Đặc biệt lưu ý các ngành có thi năng khiếu hoặc yêu cầu sơ tuyển riêng.

4. Kết quả thi tốt nghiệp THPT của bản thân

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, cân nhắc khả năng trúng tuyển để sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng.

5. Lệ phí đăng ký xét tuyển

+ Tính theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký (thanh toán từ 29-7 đến 5-8).

+ Lệ phí dự kiến là 20.000đồng/nguyện vọng, tương tự như năm 2024 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: