Ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7: những đôi chân làm nên lịch sử

Thứ bảy, 27/07/2024 07:00 (GMT+7)

Nhân ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7, cùng đọc câu chuyện xúc động của chú Nguyễn Xuân Nấm và cô Bùi Thị Hồng - hai thương binh anh hùng của vùng đất Củ Chi.

Ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7: những đôi chân làm nên lịch sử- Ảnh 1.

Chú Nguyễn Xuân Nấm (sinh năm 1942) và cô Bùi Thị Hồng (sinh năm 1949) - Ảnh: NVCC

Cùng sinh ra và lớn lên ở vùng đất Củ Chi, chú Nguyễn Xuân Nấm (sinh năm 1942) và cô Bùi Thị Hồng (sinh năm 1949) dành cả tuổi trẻ tham gia cách mạng. Có những lúc cả hai tưởng chừng như lạc mất nhau nhưng rồi lại tương phùng trong nước mắt. Đó là câu chuyện cảm động mà phóng viên Mực Tím ghi lại được trong ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7/

Chiến sĩ thông tin

Tháng 5-1961, chú Xuân Nấm nhập ngũ và làm việc tại Đơn vị thông tin R. Năm 1964 chú Nấm cùng đơn vị đi công tác đến vùng Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu) và gặp được cô Bùi Thị Hồng cũng đang làm việc tại đây.

Chú Nấm nhớ lại: “Gặp nhau được vài tháng, chúng tôi nảy sinh tình cảm. Nhưng vì nhiệm vụ, chúng tôi chia tay nhau lên đường chiến đấu. Mỗi người đi đến một địa phương khác, tưởng chừng lạc mất nhau”.

Năm 1968 trên đường đi công tác đến huyện Châu Thành (Tây Ninh), chú Nấm bị địch bắn trúng chân. Sau đó, chú bị bắt và bị giam tại Biên Hòa. Chiếc chân phải bị thương, nhiễm trùng dẫn đến hoại tử, phải cưa bỏ đi.

Sau khi hiệp định Paris được ký kết, đến ngày 13-2-1973 chú Nấm được trao trả tự do.

“Sau đó tôi quay về làm cán bộ. Đến năm 1974, tôi được tạo điều kiện ra Hà Bắc (Hà Nội) để làm chân giả”, chú Nấm nhớ lại.

Hơn 5 năm trong tù, lại bị mất đi chiếc chân phải không thể tự di chuyển, chú Nấm gần như chẳng còn hy vọng tìm lại cô Hồng- người mà chú đã từng hẹn ước. Tuy nhiên, tại nơi làm chân giả, chú Nấm tình cờ gặp lại cô. Cô cũng đến đây để làm chiếc chân giả cho mình.

Cô gái tải đạn

Cô Bùi Thị Hồng đi bộ đội từ năm 1964, lúc này cô vừa tròn 15 tuổi. Công tác tại đơn vị Đoàn 7 chiến lược, đóng quân ở Đồng Nai, nhiệm vụ của cô Hồng là tải súng đạn và nhiều loại vũ khí do miền Bắc tiếp tế vào chiến trường miền Nam.

Ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7: những đôi chân làm nên lịch sử- Ảnh 3.

Cô Hồng lúc trẻ - Ảnh: NVCC

Năm 1968, trong đợt 2 của chiến dịch Mậu Thân, đơn vị cô Hồng đang bám trụ tại khu vực suối Cả (Đồng Nai) thì bất ngờ bị địch bắn pháo dữ đội. Chỉ trong nháy mắt, cây cối xung quanh ngã rạp. Khi cô Hồng mở mắt ra đã thấy đồng đội chạy xuống hầm trú ẩn hết.

“Tôi cố gắng ngồi dậy tìm cửa hầm để chạy vào nhưng không thể đi được. Kéo ống quần lên xem, tôi thấy máu từ bắp đùi bắn ra rất nhiều. Lúc này tôi mới biết mình đã bị thương ở chân”, cô Hồng nhớ lại.

Do mất máu quá nhiều, cô bị chóng mặt, phải nhắm mắt lại mới có thể mò đường lết xuống hầm: “Tôi nhớ lúc đó pháo bắn dữ dội lắm, người ta gọi là pháo bầy. Pháo bắn nhiều điếc cả tai, miểng văng ào ào. Khi lết được xuống hầm, đồng đội liền băng bó vết thương cho tôi”.

Buổi tối hôm đó cô Hồng được tiêm thuốc mê và mổ chân ngay trong hầm. Ngày hôm sau, cô được đưa đến bệnh viện cứu chữa nuôi chân.

Nhìn cô Hồng chỉ mới 19 tuổi, đội ngũ y bác sĩ không muốn bỏ đi chiếc chân. Nhưng chân của cô đã bị đứt động mạch đùi, hoại tử buộc phải cưa mới có thể giữ lại mạng sống.

Đầu năm 1970 cô Hồng được đưa ra miền Bắc tiếp tục điều trị: “Ngày 1-1-1970 tôi bắt đầu lên đường nhưng tới tháng 3 mới ra đến Hà Nội. Ban đầu tôi được đồng đội khiêng đi bộ suốt nhiều tháng dài, lên tới Trường Sơn mới có xe chở ra Bắc”.

Năm 1974 cô Hồng chính thức đi làm chân giả. Thương binh khắp các địa phương cùng về làm chân, tay giả rất đông. Không ngờ tại đây, cô Hồng gặp lại chú Nấm. Hơn 10 năm mất liên lạc, gặp lại nhau trong hoàn cảnh này khiến hai cô chú không khỏi bùi ngùi.

Ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7: những đôi chân làm nên lịch sử- Ảnh 4.

Chú Nấm và cô Hồng bên các cháu - Ảnh: NVCC

Cô Hồng nhớ lại: “Gặp lại ông ấy tôi mừng lắm nhưng cũng buồn, tủi thân vì mình đã tàn tật. Trước đó tôi được nhiều người ngỏ lời nhưng không đồng ý. Tôi sợ mình khiếm khuyết nên việc xây dựng gia đình sẽ khó khăn hơn. Sợ mình không đủ lập trường rồi gia đình đổ vỡ, bản thân sẽ đau đớn thêm. Nay gặp lại ông Nấm và được đồng đội, cấp trên động viên, tôi mới quyết định cùng ông xây dựng gia đình".

Trải qua nhiều biến cố nguy hiểm của chiến tranh, sau năm 1975 theo nguyện vọng cá nhân, cô Hồng và chú Nấm được tạo điều kiện quay về quê hương Củ Chi tiếp tục xây dựng gia đình cho đến hôm nay.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: