Nghe podcast chữa lành nhưng lại bất an, phải làm sao?

avatar DUY LÊ - PHƯƠNG THANH

Thứ hai, 25/09/2023 13:43 (GMT+7)

“Chữa lành” là chủ đề được nhiều bạn trẻ yêu thích khi nghe podcast. Thế nhưng gần đây, một số podcast bắt đầu xuất hiện những từ ngữ tục tĩu, phản cảm.

Nghe podcast “lành ít dữ nhiều”

“Chào bạn, ngày hôm nay của bạn thế nào? Ngày hôm nay của mình như con...”, “Hôm nay mình chia sẻ với mọi người về câu chuyện làm thế nào để chúng ta có thể nói đạo lí mà không sống như cái...”. Bạn có tin nổi đây là hai trong nhiều tập podcast có đối tượng người nghe là teen.

Thậm chí các đoạn podcast này còn được cắt ghép, chèn vào clip để chia sẻ lên nền tảng TikTok và tạo được hiệu ứng cao.

Ngay phía dưới các clip TikTok sử dụng sound podcast này đã nhận về nhiều phản ứng khó chịu từ các bạn trẻ như: “Podcast chữa lành, nhưng lành ít dữ nhiều”, “Đang nghe cái tự nhiên tỉnh ngang”, “Tìm podcast tâm tình để nghe mà sao nay nó lạ quá, ngột ngạt thêm”...

Teen bất an khi nghe podcast chữa lành - Ảnh 2.

Một TikToker thể hiện sự hoang mang khi nghe podcast “chữa lành”. Ảnh: Chụp màn hình

Bạn Nguyễn Trần Khánh Chi (17 tuổi, quận Bình Thạnh) chia sẻ: "Mình ít nghe podcast nhưng mình hay xem TikTok. Đã vài lần mình gặp video có phần podcast nói bậy, văng tục. Mình bất ngờ và sốc bởi podcast thường mang tính giáo dục, nhẹ nhàng”.

Không cố tình tìm kiếm những podcast có nội dung văng tục, nói bậy, bạn Trần Công Tuấn Phong (lớp 12, THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp) cho biết chỉ tìm chọn các podcast có tiêu đề hấp dẫn để nghe, nhưng khi đang nghe trên nền nhạc du dương, giọng nói nhẹ nhàng bỗng nhiên podcaster lại chửi tục, nói ra nhiều từ ngữ nhạy cảm khiến bạn bị “xịt keo”.

Teen nghĩ gì khi nghe pocast "chữa lành"?

Sau khi nghe xong các podcast chữa lành, mình thấy dù nội dung không nhẹ nhàng như các podcast truyền thống, nhưng chúng phần nào cũng mang lại cho mình cảm giác giải tỏa hơn. 

Tuy nhiên, mình cảm thấy những từ ngữ chửi tục không thật sự phù hợp để đưa vào những sản phẩm phổ biến đến công chúng như thế. Khi làm clip cho các nền tảng mạng xã hội khác như TikTok, YouTube... đều có quy tắc cộng đồng, nên mình nghĩ làm podcast cũng cần phải vậy".

Bạn Lê Dũng Tiến (lớp 11 THPT Tuyên Hóa, Quảng Bình)

Bản thân là một gen Z, mình nghĩ những podcast như vậy không nên nhận được nhiều sự ủng hộ, nhất là các bạn trẻ. Chúng khiến mình cảm thấy nặng nề hơn. 

Nghe podcast là để thư giãn nên mình không chọn những kênh chứa nội dung thế này. Mình nghĩ, việc sử dụng những từ ngữ nhạy cảm làm podcast tuy gây ấn tượng cho người nghe lần đầu, nhưng về lâu sẽ không còn hay nữa. 

Chúng hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng xấu đến nhận thức người nghe, đặc biệt là các bạn teen. 

(Bạn Nguyễn Trần Khánh Chi, 17 tuổi, quận Bình Thạnh)

"Mình hiểu được mong muốn mà người làm podcast muốn truyền đạt. Mục đích cuối cùng của podcast chỉ là muốn truyền đạt, giảm bớt những căng thẳng cho người nghe, giúp họ thoải mái hơn. Đối với mình, podcast là xã hội thu nhỏ trên mạng xã hội. 

Ở nơi đó thông tin tràn lan, không phải ai cũng có thể tự chủ động lựa chọn thông tin mình muốn tiếp cận. Vì vậy bạn sẽ bị ảnh hưởng cảm xúc nếu vô tình nghe phải podcast có những từ ngữ không hay".

Bạn Trần Công Tuấn Phong (lớp 12 THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp)

Podcast là sản phẩm dành cho nhiều lứa tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ. Khoảng ba năm trước, để làm ra một sản phẩm podcast, người sản xuất nội dung phải biên soạn thật kỹ. 

Hiện nay khi podcast đã dần trở nên quen thuộc và phổ biến sẽ kéo theo nhiều trào lưu, xu hướng mới cả tích cực lẫn tiêu cực do các podcaster tạo nên. 

Tuy nhiên có nhiều cách để các podcaster truyền tải, thể hiện thông điệp của bản thân một cách văn minh, chuẩn mực hơn là văng tục, nói bậy. 

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: