Ngoài bão Trà Mi, còn cơn bão nào được đặt tên tiếng Việt?

Thứ tư, 23/10/2024 15:35 (GMT+7)

Sơn Tinh, Bằng Lăng,... là những cái tên bên cạnh bão Trà Mi được Việt Nam đề xuất trong danh sách đặt tên các cơn bão ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.

Ngoài bão Trà Mi, còn cơn bão nào được đặt tên tiếng Việt?- Ảnh 1.

Dự kiến ngày 24-10, bão Trà Mi có khả năng di chuyển vào Biển Đông - Ảnh: TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA

Ngày 22-10, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippines mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Trami, tên tiếng Việt là Trà Mi. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự kiến ngày 24-10, bão Trà Mi có khả năng di chuyển vào Biển Đông.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho biết từ ngày 1-1-2000, các cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương được đặt tên theo danh sách do 14 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (thành viên Ủy ban bão của Tổ chức Khí tượng Thế giới - ESCA/WMO) đề xuất.

Theo đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc (WMO) sẽ là cơ quan quyết định thông qua danh sách tên bão nhiệt đới trong các cuộc họp thường niên.

Mỗi thành viên cung cấp 10 tên, tạo thành danh sách 140 tên bão và chia thành 5 danh sách. Những cái tên sẽ được sử dụng xoay vòng theo năm. Ví dụ: cơn bão cuối cùng của năm trước tên là Cimaron thì cơn bão đầu tiên của năm sau là Jebi.

Ngoài bão Trà Mi, còn cơn bão nào được đặt tên tiếng Việt?- Ảnh 3.

Danh sách tên gọi bão do 14 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đề xuất - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Những cái tên được đề xuất đặt cho bão phải thân thuộc với người dân ở từng khu vực. Một số quốc gia chọn tên theo thứ tự bảng chữ cái. Một số khác thì chọn tên theo thứ tự chữ cái trong tên quốc gia đó. Quan trọng là tên bão không được đặt theo tên của cá nhân nào.

Riêng các cơn bão hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ủy quyền cho Trung tâm báo bão nhiệt đới Tokyo thuộc Cục khí tượng Nhật Bản (JMA) đặt tên.

Theo (JMA), Việt Nam có 10 cái tên được ESCA/WMO thông qua (có hiệu lực từ năm 2024):

- Son-Tinh (Sơn Tinh)

- Co-may (Cỏ May)

- Bavi (Ba Vì)

- Luc-binh (Lục Bình)

- Sonca (Sơn Ca)

- Trami (Trà Mi)

- Halong (Hạ Long)

- Bang-Lang (Bằng Lăng)

- Songda (Sông Đà)

- Saola (Sao La)

Trước đó, cũng có một số tên được nước ta đề xuất như Sao Mai, Lekima, Vàm Cỏ, Côn Sơn nhưng không được sử dụng nữa. Lý do là vì những cơn bão có tên như trên gây thiệt hại nặng nề nên được yêu cầu thay thế bằng tên khác.

Ngoài bão Trà Mi thì cũng có không ít cơn bão có tên tiếng Việt khác tồn tại. Năm 2012, bão Sơn Tinh (bão số 8) đi vào Biển Đông vào khoảng cuối tháng 10. 

Ngày 17-7-2018, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông mạnh lên thành bão số 3, mang tên quốc tế là bão Sơn Tinh. Đến ngày 19-7 thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Ngày 15-7-2017, bão Sơn Ca (bão số 4) đổ bộ vào khu vực Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình. Năm 2022, bão Sơn Ca (bão số 5) được hình thành và đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau ít giờ mạnh lên thành bão vào chiều tối ngày 14-10.

Ngoài ra còn một số cơn bão khác như bão Sông Đà (2011, 2022), bão Sao La (2023), bão Sao Mai (2006), bão Lekima (2019), bão Côn Sơn (2021), bão Vàm Cỏ (2020),...

Bạn có thể xem tên các cơn bão do các nước đề xuất năm 2024 và ý nghĩa tên gọi tại địa chỉ trang web của JMA:

https://www.jma.go.jp/jma/jma-eng/jma-center/rsmc-hp-pub-eg/tyname.html.

Ngoài ra, cách phát âm các tên gọi này được (ESCA/WMO) đăng tải tại đường link: https://www.typhooncommittee.org/index.php?route=product/category&path=73_87.

Trà Mi có nghĩa là gì? Trên trang chủ của JMA thì Trami (Trà Mi) là một loài cây thuộc họ hoa hồng.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: