Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: 'Hầu như chúng ta không bao giờ đọc hết sách trong tủ sách của mình. '

Thứ sáu, 23/05/2025 14:55 (GMT+7)

Buổi giao lưu cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa qua được các bạn gọi vui là 'mini-concert' dành cho những ai yêu mến và muốn quay về tuổi thơ. Có rất nhiều câu hỏi thú vị được fan đặt ra để 'hỏi xoáy' bác Ánh.

Fan hỏi, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trả lời - Ảnh 1.

Các bạn fan chụp hình lưu niệm cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi giao lưu - Ảnh: LÊ TRUNG

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có rất nhiều tựa sách đã được dịch và xuất bản bằng tiếng nước ngoài như: Mắt biếc (tiếng Nhật, năm 2004), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (tiếng Thái Lan, năm 2011)…

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Bác chưa bao giờ bị mất cảm hứng và động lực sáng tác"

* Có câu chuyện “hậu trường” nào khiến bác nhớ mãi không?

- Có, nhiều lắm. Chẳng hạn như cô độc giả mà cũng là dịch giả người Nhật Kato Sakae nhất quyết xin bác mấy trái thị để đem về nước, cắt hình cánh hoa và dán lên tường cho những người khác xem, giống như Hà Lan trong truyện Mắt biếc.

Bác lo lắng không biết cô có đem lên máy bay được không, vì dù có bọc nhiều lớp túi ni lông, bỏ vào va li thì lên máy bay vẫn nghe mùi thơm của thị. May sao cô đã đem về thành công.

Đến năm 2010, khi qua Thái Lan lãnh giải thưởng Văn học ASEAN của hoàng gia Thái Lan trao cho tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, bác có một kỷ niệm đặc biệt khác. Thường khi các nhà văn Việt Nam qua Thái Lan, có một bác tên là Quý rất nhiệt tình hỗ trợ trong việc dịch thuật, giao tiếp.

Tuy nhiên đợt đó, khi bác liên hệ thì bác Quý bị ốm không thể đến được. Bác ấy có nhờ một cô tiến sĩ tên là Montira Rato - giảng viên dạy tại khoa tiếng Việt ở Trường đại học Chulalongkorn đến hỗ trợ.

Sau khi kết thúc chương trình, bác tặng cô ấy cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ bản tiếng Việt thay lời cảm ơn. Không ngờ sáng hôm sau, cô ấy liên hệ lại, kể rằng mình đã dành hết một đêm đọc xong cuốn sách, quá thích tác phẩm nên gặp bác để xin dịch ra tiếng Thái Lan. Bác vui vẻ bảo cô cứ dịch đi.

* Bác Ánh viết rất nhiều sách như vậy có khi nào bác rơi vào trạng thái mất cảm hứng, động lực sáng tác không?

- Bác trả lời ngay là chưa bao giờ mình bị mất cảm hứng và động lực sáng tác. Còn bí kíp giữ cảm xúc để viết văn thì bác không biết câu trả lời chính xác. Nếu cố gắng nghĩ thì có thể tạm thời giải thích như sau: Mình phải yêu nghề của mình, việc viết văn phải là đam mê và đã là đam mê rồi thì lúc nào mình cũng hứng thú với nó hết.

Bác cũng từng chia sẻ niềm hạnh phúc lớn nhất là được ngồi dưới mái nhà của mình, thong thả viết những trang văn mình thích. Khi mình tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong lao động chữ nghĩa thì làm sao mất cảm hứng sáng tác được.

* Bác nuôi dưỡng cảm xúc trên hành trình viết văn như thế nào?

- Về nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà văn thì bác cũng từng chia sẻ nhiều lần, nay xin nhắc lại. Một là đến từ kỷ niệm, ký ức. Hai là từ sự quan sát đời sống xung quanh. Ba là trí tưởng tượng.

Ba yếu tố này thường không quá tách bạch mà nó trộn lại với nhau, tạo nên nguồn sáng tạo của nhà văn.

Riêng với bác là một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, thanh thiếu niên thì phần ký ức chiếm tỉ lệ nhiều hơn.

Nhưng điều đó không có nghĩa các nhân vật trong truyện là hình ảnh nguyên mẫu của bác ngoài đời. Chỉ có những chi tiết trong truyện có thể là có thật. Nó như là những phân mảnh của ký ức, phản quang của kỷ niệm.

Như trong truyện Cô gái đến từ hôm qua, khi Anh Thư thấy cô bạn mình thích là Việt An đi ngang qua, liền lấy cây bút vẩy mực lên áo dài là có thật. Chứ bác không có thất tình nhiều như các nhân vật nam trong truyện (cười).

Hầu như chúng ta không bao giờ đọc hết sách trong tủ sách của mình. Sách có rất nhiều loại: có loại để đọc, có loại để thưởng thức, có loại để lâu lâu giở ra tra cứu... Còn những cuốn chưa đọc bao giờ thì mình sẽ đọc nó vào một ngày nào đó.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Hầu như chúng ta không bao giờ đọc hết sách trong tủ sách của mình

* Trong rất nhiều tựa sách của bác, có tựa bán rất chạy, có tựa thì không “hot” bằng. Có bao giờ bác buồn vì điều này không?

- Bác chưa bao giờ ở trong tâm trạng đó hết, vì lý do để viết một cuốn sách thường là bác thích đề tài này, nhân vật này... hoặc văn phong, cấu trúc tác phẩm nó khác so với các cuốn trước đó chứ không phải là nó có bán chạy hay không.

Chẳng hạn với cuốn Tôi là Bêtô. Khi trao đổi với nhà xuất bản để in sách thì bác nghĩ nó không bán chạy so với các cuốn trước đó. Vì cốt truyện không có nhiều chi tiết, tình huống kịch tính, không có đề cập đến chuyện tình cảm... thay vào đó, bác cho phép tác giả lồng vào đó nhiều suy nghĩ của bản thân.

Khi sách ra mắt, không chỉ được bạn đọc đón nhận mà còn trích nhiều câu trong sách ra để đăng lên mạng xã hội như: “...cái tên khi được cha mẹ đặt cho một cách ngẫu nhiên, nhưng chính cách sống của bạn đã không ngừng chưng cất cái tên của mình qua năm tháng, giúp cho nó tỏa hương”.

* Bác nghĩ sao khi có bạn mua sách của bác về chỉ để trưng cho đẹp chứ ít khi đọc?

- Mỗi khi đến nhà ai có tủ sách là bác đều cảm thấy vui, ấm áp, thậm chí là ngưỡng mộ gia đình đó nữa. Hầu như chúng ta không bao giờ đọc hết sách trong tủ sách của mình. Sách có rất nhiều loại: có loại để đọc, có loại để thưởng thức, có loại để lâu lâu giở ra tra cứu... Còn những cuốn chưa đọc bao giờ thì mình sẽ đọc nó vào một ngày nào đó.

Với bác, việc mua sách vì bất kỳ lý do nào thì cũng là một hình thức quảng bá tốt nhất cho sách. Mình chưa đọc thì sẽ có anh chị, bạn bè, người thân đọc chứ không nhất thiết người mua phải là người đọc.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: