Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình

Thứ bảy, 14/12/2024 21:02 (GMT+7)

Bốn bạn học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) làm khẩu trang y tế với lớp kháng khuẩn là than hoạt tính từ cây lục bình.

Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 1.

Từ trái qua phải: bạn Thanh Vi, Phương Hoa, Tuyết Như và Hoàng Huy chụp ảnh cùng thầy Võ Hữu Trọng (chủ nhiệm câu lạc bộ Khoa học Tự nhiên Trường THPT Nguyễn Thái Bình) - Ảnh: MAI TRÚC

Sản phẩm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình của nhóm bạn gồm: Lương Võ Tuyết Như, Lê Thanh Vi, Mai Thị Phương Hoa và Hoàng Huy (cùng học lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Thái Bình và là thành viên của câu lạc bộ Khoa học tự nhiên nhà trường) được "trình làng" với học sinh toàn trường vào trưa ngày 14-12.

Dự án khởi nghiệp từ lục bình

Đây là thành phẩm mà các bạn dùng để tham dự Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" cấp thành phố năm học 2024 - 2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức.

Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 2.
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 3.

Sản phẩm khẩu trang y tế BioCharify của nhóm bạn lớp 12A3 - Ảnh: MAI TRÚC

Giới thiệu ý tưởng của nhóm, bạn Tuyết Như cho biết lục bình vốn là loài thực vật quen thuộc ở các dòng sông, kênh rạch tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành lân cận. Tuy nhiên, việc loài cây này sinh trưởng mạnh mẽ quá mức đã gây cản trở giao thông đường thủy, ảnh hưởng hệ sinh thái và trở thành vấn đề nan giải cho môi trường.

Nhận ra tiềm năng của lục bình - loài thực vật hay bị xem là "kẻ xâm lấn", nhóm của Tuyết Như đã bắt tay vào dự án làm khẩu trang y tế BioCharify với màng lọc than hoạt tính được làm từ lục bình.

"Thay vì để lục bình phát triển quá mức và trở thành gánh nặng của môi trường, chúng mình muốn biến nó thành tài nguyên có giá trị, góp phần giải quyết vấn đề bụi mịn và sức khỏe cộng đồng", trưởng nhóm Tuyết Như chia sẻ.

Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 4.

Tuyết Như giới thiệu sản phẩm trong buổi ra mắt trưa 14-12 tại trường - Ảnh: MAI TRÚC

Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 5.

Teen Nguyễn Thái Bình theo dõi buổi ra mắt sản phẩm - Ảnh: MAI TRÚC

Dự án của nhóm học sinh lớp 12A3 có tên "A greener world - A better life" (tạm dịch: Một thế giới xanh hơn - Một cuộc sống tốt đẹp hơn). Đây cũng chính là thông điệp mà các bạn muốn truyền tải.

Giải thích thêm về tên sản phẩm BioCharify, Tuyết Như lý giải tên gọi "BioCharify" xuất phát từ ý tưởng kết hợp các từ tiếng Anh: "Bio" trong "biology" (sinh học), "Char" trong "charcoal" (than) và đuôi "ify" trong "purify" (làm sạch). Tên gọi này phản ánh mục tiêu tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hành trình biến ý tưởng thành hiện thực

Để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh, cả bốn thành viên đã phân chia nhiệm vụ theo thế mạnh riêng của từng bạn.

Cụ thể, Tuyết Như - với kỹ năng giao tiếp và quản lý - chịu trách nhiệm marketing và đối ngoại để tìm kiếm đối tác sản xuất. Thanh Vi đảm nhận mảng kỹ thuật, từ thử nghiệm các công thức đến ghi chép thông số để tối ưu hóa quy trình sản xuất than hoạt tính.

Phương Hoa có năng khiếu thiết kế phụ trách sáng tạo bao bì sản phẩm. Trong khi đó, Hoàng Huy đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật: đảm bảo mọi khâu trong quá trình thử nghiệm, sản xuất và vận hành đều trơn tru.

Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 6.
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 7.
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 8.
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 9.
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 10.
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 11.

Thầy cô và các bạn học sinh hào hứng tìm hiểu sản phẩm khẩu trang y tế BioCharify - Ảnh: MAI TRÚC

Với nhiệm vụ tìm ra công thức chế tạo than hoạt tính từ lục bình, Thanh Vi thổ lộ bạn đã thất bại không ít lần trong quá trình thử nghiệm.

"Quá trình hoạt hóa lục bình với KOH đòi hỏi nhiều lần điều chỉnh tỷ lệ và nhiệt độ để đạt được chất lượng tối ưu. Ngoài ra, chúng mình cũng gặp khó khăn trong việc tìm chất kết dính để bột than bám chắc vào vải lọc khẩu trang mà không gây mùi khó chịu và đảm bảo an toàn cho da mặt", Thanh Vi kể.

Sau nhiều tháng làm việc, nhóm đã tìm ra phương pháp chế tạo than hoạt tính với diện tích bề mặt riêng lớn, khả năng hấp phụ cao.

Chất kết dính an toàn và không gây mùi được các bạn dùng để phủ than hoạt tính lên lớp vải lọc kháng khuẩn, đóng vai trò là lõi giữa của khẩu trang.

Sản phẩm hoàn thiện là loại khẩu trang y tế tích hợp than hoạt tính có tác dụng giảm thiểu bụi mịn, các chất độc hại trong không khí và vi khuẩn hiệu quả, đồng thời mang lại cảm giác dễ chịu khi sử dụng.

Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 13.

Bạn Thanh Vi (bên trái) giải thích ý tưởng và quy trình chế tạo than hoạt tính cho bạn Khánh Ngọc (học sinh lớp 12A7) - Ảnh: MAI TRÚC

Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm khẩu trang than hoạt tính từ lục bình- Ảnh 14.

Nhóm bạn lớp 12A3 chụp ảnh cùng cô Đoàn Thị Thu Hoài (bí thư chi bộ, hiệu trưởng nhà trường) và cô Nguyễn Thị Bé (áo trắng) - phó bí thư chi bộ, phó hiệu trưởng nhà trường - Ảnh: NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP

Bên cạnh việc thử nghiệm các công thức hóa học, theo Tuyết Như, hành trình tìm kiếm đối tác sản xuất khẩu trang cũng là một thử thách lớn với cả nhóm. Vì vẫn còn là học sinh, lại không có mối quan hệ trong ngành, ban đầu các bạn gặp nhiều khó khăn khi hầu hết các nhà sản xuất chỉ nhận đơn hàng số lượng lớn - tối thiểu 50 thùng trở lên.

Sau nhiều lần tìm kiếm, nhóm đã may mắn gặp được một nhà sản xuất phù hợp. Trong buổi gặp mặt với đại diện truyền thông của họ, cả nhóm trình bày bản kế hoạch và quy trình sản xuất rõ ràng, chi tiết.

"Ngoài việc chứng minh tính khả thi của công nghệ than hoạt tính, có lẽ sự nhiệt tình và đam mê của chúng mình đã thuyết phục được họ. Nhà sản xuất đồng ý hỗ trợ sản xuất trong thời gian ngắn và với số lượng linh hoạt theo yêu cầu", Như chia sẻ đầy tự hào.

Thầy Võ Hữu Trọng (chủ nhiệm câu lạc bộ Khoa học Tự nhiên Trường THPT Nguyễn Thái Bình) nhận xét về sản phẩm của học trò: "Đây là kết quả của sự nỗ lực, sáng tạo và kiên trì từ các em. Với ý tưởng ban đầu về việc sản xuất than hoạt tính từ phụ phẩm, các em đã phát triển thành công than hoạt tính từ lục bình và ứng dụng vào khẩu trang y tế.

Để biến sản phẩm từ phòng thí nghiệm thành hiện thực không chỉ cần kiến thức hóa học, các em đã tối ưu hóa quy trình, nghiên cứu ứng dụng thực tế, tìm kiếm đối tác cũng như gia công sản phẩm. Thành quả này thật sự vượt xa kỳ vọng của tôi!".

Thầy Trọng cũng bày tỏ hy vọng câu lạc bộ Khoa học Tự nhiên và các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường sẽ tiếp tục là nơi phát hiện, bồi dưỡng những học sinh đam mê nghiên cứu. Thầy khẳng định nhà trường luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các em.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: