Nói nhỏ những chuyện khó đỡ

Thứ hai, 29/04/2024 22:01 (GMT+7)

Nói ra thì kỳ nhưng nếu im lặng, mấy bạn chịu không nổi. Toàn những tình huống có thật trong trường lớp không đấy!

Nói nhỏ những chuyện khó đỡ- Ảnh 1.

Minh họa: FREEPIK

Đi khiếu nại điểm và cái kết

Cô vừa phát bài kiểm tra Hóa, H. (lớp 9, TP Thủ Đức) đã đem bài lên mắng vốn giáo viên:

- Cô ơi! Cô chấm nhầm điểm em rồi. Đáng lẽ bài của em phải điểm cao hơn ạ!

- Đem bài cô xem nhé!

Khi kiểm tra lại bài, cô thấy chấm đúng mà! Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, cô phát hiện H. chưa hiểu bài, hóa trị còn viết sai. Đây là kiến thức cơ bản năm lớp 8. Ngoài ra, bài làm của bạn còn sai phần khác.

Kết quả tưởng được lên điểm, ai ngờ bài kiểm tra của H. còn bị trừ 1 điểm.

* Trước khi mắng vốn hoặc khiếu nại việc gì đó, bạn nên kiểm tra mọi việc cho rõ ràng, chính xác. Nói có sách, mách có chứng mới thuyết phục người khác. Còn nếu bạn sai thì nhận, lắng nghe ý kiến của người khác chứ không nên cố chấp.

Cuộc chạm trán… rớt cái rèm

Đang chuyện trò rôm rả thì tự dưng M. (lớp 8, quận Bình Thạnh) phát hiện cuộc chạm trán thú vị. Đó là cuộc gặp gỡ của “crush cũ”“crush mới” của một bạn nam trong lớp. Đi ra nghe ngóng có vẻ mất lịch sự nên M. ở trong lớp vén rèm cửa hóng hớt. Cùng lúc đó, bạn nam xuất hiện. Bạn ấy không muốn M. xen vào chuyện 3 người. Hai bạn cứ đóng, mở rèm khiến nó rớt cái bịch.

Hóng hớt chưa biết tới đâu chứ xô đẩy làm rớt rèm khiến M. và bạn nam bị cô xử phạt. Rồi vui dữ chưa?

* Mỗi bạn đều có khoảng trời riêng của mình. Chuyện của người khác, bạn không nên xen vào. Nếu người ta cảm thấy tin tưởng hoặc muốn chia sẻ, người ta đã tâm sự với bạn. Đặt trường hợp có người cứ thích hóng hớt chuyện của bạn, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Tôn trọng quyền riêng tư của bạn bè sẽ tốt hơn nè!

Hết hồn với bài làm văn

Sau khi học về các thể loại thơ, giáo viên bộ môn giao cho các bạn bài tập về nhà. Đó là sáng tác bài thơ tự do. Mỗi bạn một ý tưởng khác nhau, trong đó, bạn N. (lớp 7, TP Thủ Đức) hí hửng làm bài thơ với chủ đề Chặt thịt. Bài thơ của N. diễn tả hình ảnh một người cầm dao chặt một cái phạch đứt đầu con vật… đầy vẻ kinh dị.

Hóa ra, N. thường chơi game, xem phim bạo lực nên bị ám ảnh. Tuy nhiên, khi N. đem bài thơ khoe với các bạn trong lớp, một bạn chân thành góp ý: “Bạn viết bài thơ bạo lực, ngôn từ thô lỗ thế này, cô đọc xong sẽ buồn đó”. Nghe có lý nên N. đã làm bài thơ khác nhẹ nhàng, tình cảm hơn.

Tuy nhiên, hôm tiết học diễn ra, cô kêu vài bạn lên đọc tác phẩm của mình. Một bạn hào hứng đọc bài thơ Đòi nợ, có câu kiểu: “Trả nợ cho bố mày” khiến cả lớp cười lăn cười bò, còn cô lắc đầu vì quá dung tục.

* Vui cũng nên có chừng mực nha bạn! Thầy cô, ba mẹ đã luôn cố gắng truyền đạt, dạy dỗ bạn những điều hay và mong muốn bạn trở thành người tử tế. Thông tin tràn lan nên bạn phải biết chắt lọc thông tin có ích, tích cực cho bản thân. Đó mới là người bản lĩnh.

Trường lớp bạn cũng có những chuyện drama, chuyện bất ngờ không tưởng, chia sẻ ngay với trang mục Lớp học drama nha! Chúng mình vừa lắng nghe vừa phân tích, đó cũng là cách để bạn trở thành phiên bản tốt nhất.

Chia tay cũng không yên

Khi B. và D. crush nhau, các bạn cứ hùa nhau chọc. Đến khi cả hai chia tay, mỗi lần gặp hai bạn ấy, một số bạn trong lớp nói vui: “Nhiều khi gặp nhau tưởng là tình yêu sét đánh, đến khi chia tay rồi mới biết là dấu hiệu thiên tai”.

Để hai bạn ấy yên đi mấy bạn gì đó ơi!

Thầy làm cả lớp bất ngờ quá!

Lớp mình may mắn được thầy chủ nhiệm là giáo viên nổi tiếng dạy giỏi của trường. Tuy nhiên, thầy cũng siêu khó tính, nghiêm túc luôn ấy. Một lần đang trong tiết Toán của thầy, một bạn lẩm bẩm than: “Ôi, Toán khó thế, thầy mà không trừ lỗi này thì mình điểm cao rồi”. Tuy bạn nói thầm nhưng thầy vẫn nghe. Chuyện sau đó mới làm cả lớp nhớ mãi…

Thầy nhắc cả lớp trật tự và đặt ra câu hỏi các bạn đến trường để làm gì? Mỗi bạn đưa ra các câu trả lời khác nhau. Nào là để học, để gặp bạn bè chơi đùa, để có kiến thức lớn lên tìm việc và tự nuôi bản thân…

Sau khi lắng nghe các bạn chia sẻ, thầy ôn tồn nói: “Thật ra, các bạn đến trường là để được sai đấy. Bởi lẽ, có những lỗi lầm mà sau này khi các bạn lớn lên, bước vào đời và không thể lấy tiền ra để đổi lại được”. Câu nói thú vị của thầy để lại ấn tượng sâu sắc với cả lớp.

Đúng là có những sai lầm chúng ta không được/không nên mắc phải ở ngoài đời, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt. Nhưng bạn có thể hạn chế những lỗi sai ấy bằng cách từng ngày rèn luyện, học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

T.M (lớp 9, Trà Vinh)


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: