Ôn thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn: Làm thế nào để vừa viết kịp giờ vừa đảm bảo điểm số?

Thứ tư, 29/05/2024 20:53 (GMT+7)

Với tổng thời gian 120 phút cho 3 câu môn ngữ văn, việc đảm bảo thời gian nhưng vẫn viết đủ ý, có được điểm số tốt trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là một thử thách thực sự đối với các thí sinh.

Ôn thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn: Làm thế nào để vừa viết kịp giờ vừa đảm bảo điểm số?- Ảnh 1.

ThS Trần Lê Duy - Ảnh: NVCC

Bài viết này sẽ chia sẻ đến các bạn học sinh một số gợi ý về kỹ năng làm bài và cách rèn luyện để viết đúng trọng tâm đề bài và tăng tốc độ viết.

Những nguyên nhân dẫn đến viết không kịp giờ khi làm bài thi ngữ văn

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh viết không kịp giờ trong bài thi tuyển sinh.

Nguyên nhân thứ nhất là do viết lan man, dài dòng, không xoáy vào trọng tâm của đề bài. Điều này xuất phát từ tâm "sợ thiếu ý" của học sinh, dẫn đến việc thay vì đọc kĩ yêu cầu đề và đáp ứng chính xác, các bạn lại thêm thắt nhiều nội dung không cần thiết dẫn đến mất nhiều thời gian làm bài.

Một số bài viết lan man, dài dòng do học sinh cố gắng viết cho "mượt", dẫn đến nhiều câu văn bay bổng nhưng sáo rỗng, không cần thiết.

Nguyên nhân thứ hai là do tốc độ viết của học sinh còn chậm. Sở dĩ như vậy bởi các bạn không có sự rèn luyện thói quen viết thường xuyên, tư duy khi đọc đề, xử đề, tìm ý và lập dàn ý chưa được nhanh nhạy, còn phụ thuộc vào nội dung thuộc lòng mà không thực sự hiểu để linh hoạt vận dụng.

Nhận ra được hai nguyên nhân trên, chúng ta sẽ có những biện pháp hiệu quả để cải thiện tốc độ viết cũng như chất lượng bài viết trong bài thi tuyển sinh.

Chú ý vào trọng tâm đề bài và đặc điểm kiểu bài để viết thật ngắn gọn

Về bản chất, hai câu làm văn trong đề thi tuyển sinh lớp 10 là hai câu hỏi, hai nhiệm vụ mà thông qua việc giải quyết chúng, học sinh bộc lộ được kiến thức, kỹ năng văn học của mình.

Vì vậy, để đạt kết quả tốt, điều cốt yếu học sinh cần xác định đúng nhiệm vụ cần giải quyết và trả lời đúng, đủ, chính xác nhiệm vụ ấy dưới dạng bài văn.

Chẳng hạn, với câu nghị luận xã hội, khi xác định được vấn đề nghị luận, học sinh cần triển khai bài viết đúng theo các thao tác nghị luận và hiểu rõ mục đích của từng thao tác để không viết dư thừa.

Mục đích của đoạn giải thích là làm rõ cách hiểu của những từ ngữ, hình ảnh quan trọng trong đề, từ đó chốt được vấn đề nghị luận cần bàn để định hướng nội dung toàn bài viết.

Như vậy, đoạn giải thích không cần viết bay bổng, dài dòng, mà cần trực tiếp đi vào giải thích các từ ngữ, khái quát được định hướng bài viết, tất cả nội dung này viết trong khoảng từ 3 – 5 câu.

Nhiều bạn học sinh viết lan man ở phần lập luận, đưa dẫn chứng, sa đà vào việc kể dẫn chứng mà quên mất rằng trọng tâm của văn nghị luận là phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ luận điểm.

Để khắc phục tình trạng này, HS có thể triển khai phần bàn luận – chứng minh theo mô hình sau: nêu luận điểm -> trình bày lý lẽ -> tái hiện dẫn chứng -> phân tích dẫn chứng -> chốt ý.

Tham khảo phần triển khai một lẽ - bằng chứng cụ thể cho đề bài bàn về thái độ trân trọng thiên nhiên của con người:

Ôn thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn: Làm thế nào để vừa viết kịp giờ vừa đảm bảo điểm số?- Ảnh 2.

Thông qua ví dụ trên, ta thấy chỉ cần viết 7, 8 câu văn đã có thể triển khai một lẽ và một dẫn chứng hoàn chỉnh, chặt chẽ, hấp dẫn.

Những câu văn hay, bay bổng, nhũng từ ngữ đặc sắc, những trích dẫn để làm tăng sức thuyết phục cho bài viết có thể được đưa vào phần phân tích dẫn chứng. Tuy nhiên, cần lưu ý: viết hay là viết đúng và trúng vấn đề, chứ không phải viết dài dòng, trùng lặp.

Câu nghị luận văn học, Đề 1, không cần phân tích tác phẩm chọn để liên hệ. Thông quá việc phân tích sự tương đồng, khác biệt giữa hai tác phẩm (tuỳ yêu cầu đề), học sinh đồng thời cũng đã nêu được khái quát những đặc điểm chính của tác phẩm được chọn để liên hệ.

Nhiều bạn học sinh sợ mình viết "chưa mượt" vì vậy đã tốn nhiều thời gian viết những câu văn dài, nhiều hình ảnh chỉ để chuyển ý.

Thật ra, có thể sử dụng những từ ngữ có tính chất chuyển ý như "bên cạnh đó, mặt khác, hơn nữa,…", vừa giúp diễn đạt ngắn gọn vừa đảm bảo sự mạch lạc, liên kết giữa các ý.

Các phép liên kết như phép lặp, phép thế, phép nối, phép liên tưởng, đồng nghĩa, trái nghĩa cũng có thể được sử dụng một cách nhuần nhuyễn để kết nối các ý.

Rèn luyện để tăng tốc độ tư duy và thuần thục kỹ năng viết

Về bản chất, kỹ năng viết là một kỹ năng tư duy, vì vậy muốn tăng tốc độ viết, ta phải tăng tốc độ tư duy (tức là cách ta suy nghĩ để giải quyết đề bài) và tăng sự thuần thục khi tạo lập văn bản (dùng từ, đặt câu, viết đoạn,…).

Để làm được điều đó, các bạn học sinh cần luyện tập viết bài tại nhà có canh thời gian (có thể phân chia: 15 phút cho phần đọc hiểu – 45 phút nghị luận xã hội – 60 phút nghị luận văn học), sau mỗi lần tự viết, sửa và rút kinh nghiệm, ta sẽ dần phát triển kỹ năng viết bài và tăng tốc độ làm bài.

Để viết nhanh hơn và chuẩn xác hơn, học sinh có thể làm theo những gợi ý sau:

Thứ nhất, hình dung các nhiệm vụ cần thực hiện, các ý cần triển khai dưới dạng sơ đồ. Nếu ví bài thi tuyển sinh giống như một cuộc chạy đua với thời gian, thì người nắm được sơ đồ đường đi sẽ về đích sớm nhất. HS có thể tham khảo sơ đồ:

A white paper with black text  Description automatically generated

Đề 1 câu nghị luận văn học

Ôn thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn: Làm thế nào để vừa viết kịp giờ vừa đảm bảo điểm số?- Ảnh 4.

Thứ hai, hình dung trong đầu dung lượng và tổng thể các đoạn văn cần triển khai trong bài văn. Chẳng hạn bài nghị luận xã hội sẽ có khoảng 8 đoạn văn (mở bài, 6 đoạn thân bài, kết bài) trong khoảng một trang rưỡi giấy thi (khoảng 500 chữ). Việc hình dung này giúp học sinh làm chủ được dung lượng bài viết.

Thứ ba, hiểu được tác dụng/ mục đích của từng đoạn văn trong bài viết để từ đó triển khai nội dung tương ứng.

Một mẹo để bài viết được rõ ràng, mạch lạc đó là luôn luôn định trước trong đầu phần kết thúc của từng đoạn, như vậy có thể linh hoạt co duỗi nội dung viết nhưng vẫn đảm bảo ý được triển khai trọn vẹn.

Cần hiểu bản chất của văn nghị luận là đảm bảo các yếu tố luận điểm, lẽ, dẫn chứng, chứ không phải là lạm dụng các câu văn bay bổng, hoa mĩ.

Thứ tư, với câu nghị luận văn học nếu đề cho văn bản thơ, có thể khai thác văn bản được trích dẫn trong đề. Thay vì phụ thuộc vào phần ghi nhớ đề cương, có thể thao tác gạch chân các từ ngữ, hình ảnh ngay trên văn bản và viết theo cách hiểu, lời văn của mình.

Cách học này giúp ta chủ động hơn khi viết, tranh tình trạng mơ hồ vì thuộc bài nhưng không hiểu bài, không linh hoạt vận dụng. Tham khảo một ví dụ về cách phân tích dựa trên văn bản thơ như hình dưới:

A screenshot of a computer  Description automatically generated

Ảnh: ThS Trần Lê Duy

Kết luận

Còn khoảng một tuần nữa đến kì thi tuyển sinh, thời gian tuy gấp rút nhưng việc rèn luyện kỹ năng viết sao cho thành thục, tăng tốc độ viết đến giai đoạn này vẫn chưa phải là muộn.

Chúc các sĩ tử ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả bài thi như mong muốn.

ThS TRẦN LÊ DUY (Giảng viên khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm TP.HCM)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: