Phim đầu tay của sinh viên báo chí tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc

Thứ tư, 19/03/2025 06:37 (GMT+7)

Lần đầu tiên, sản phẩm của sinh viên khoa Báo chí - Truyền thông đến với Liên hoan Truyền hình toàn quốc.

Phim đầu tay của sinh viên báo chí tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc  - Ảnh 1.

4 tác phẩm dự thi gồm: Cuộc gọi 911; Trái tim người mẹ (hạng mục phóng sự) và Nội Mai; 25 năm trả nghĩa đồng đội (hạng mục phim tài liệu) - Ảnh: KHOA BÁO CHÍ - TRUYỀN THÔNG

4 tác phẩm trên đều là những sản phẩm phim tài liệu đầu tay của sinh viên khoa Báo chí - Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM).

Những đứa con tinh thần của sinh viên khoa Báo chí - Truyền thông 'vươn ra biển lớn'

Thông qua môn học Phim tài liệu do nhà báo - biên kịch Nguyễn Thị Minh Diệu và đạo diễn Vũ Tùng giảng dạy, những ý tưởng ban đầu của sinh viên báo chí đã được gọt giũa, trau chuốt thành sản phẩm hoàn thiện.

Phim tài liệu là một trong những môn học hấp dẫn nhất nhưng cũng khó nhằn nhất với sinh viên báo chí.

Với kinh nghiệm non trẻ, các bạn phải đi, nghe, kể những câu chuyện có vẻ bình thường, không có gì đáng nghe, đáng kể.

Nhưng ẩn sau dáng vẻ bình thường ấy là những điều đáng trân trọng, đáng tôn vinh. Các bạn đã nhận ra bằng sự nhạy cảm của người làm báo và kể lại theo cách sống động đến bất ngờ.

Kết thúc môn học, top 5 phim xuất sắc nhất đã được công chiếu tại Liên hoan Phim tài liệu sinh viên lần thứ nhất (2024), diễn ra vào tối 29-6-2024 tại TP.HCM.

Phim đầu tay của sinh viên báo chí tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc  - Ảnh 2.

Phim Nội Mai giành chiến thắng tại Liên hoan Phim tài liệu sinh viên lần thứ nhất (2024) - Ảnh: ĐOÀN PHIM CUNG CẤP

Tiếp đó, 11 phim lần lượt được chọn phát sóng trong chuyên mục riêng trên kênh HTV7 (Đài Truyền hình TP.HCM). Và giờ, có 4 cái tên 'vươn ra biển lớn', đến với Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2025.

Hành trình trưởng thành của người làm báo trẻ

Lê Hiền Thảo Nhi (đạo diễn phim 25 năm trả nghĩa đồng đội) chia sẻ, cả nhóm không nghĩ đứa con tinh thần bộ của mình có thể tiến xa đến thế.

25 năm trả nghĩa đồng đội đưa khán giả về với An Giang, gặp gỡ đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Trí (bác Hai Trí). Hành trình ông và đội K93 đi tìm hài cốt đồng đội trên đất Campuchia khiến người xem nghẹn ngào.

Nói về kỷ niệm khi thực hiện bộ phim, Nhi kể: "Bác Hai Trí có một quyển sách tự mình chấp bút. Ban đầu, đoàn phim muốn mượn sách để có thêm tư liệu làm phim nhưng bác không cho. Với bác, đó là quyển sách cuối cùng, rất quý.

Nhưng thời khắc chia tay, bác gọi tụi mình vào, cẩn thận viết tên từng đứa lên quyển sách rồi tặng đoàn phim làm kỷ niệm".

Phim đầu tay của sinh viên báo chí tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc  - Ảnh 3.

Bác Hai Trí đọc lời nhắn của thành viên đoàn phim trước giờ chia tay - Ảnh: ĐOÀN PHIM CUNG CẤP

Nhi hiểu ra, bác Hai Trí trân trọng sự tử tế và tình yêu đối với lịch sử dân tộc của nhóm bạn trẻ. Điều đó càng giúp Nhi tin hơn vào những gì mình đang làm, yêu hơn cái nghề mình đang theo đuổi.

Phim đầu tay của sinh viên báo chí tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc  - Ảnh 4.

Các bạn học được nhiều bài học ý nghĩa từ chính nhân vật của mình. Không đơn thuần là chuyến đi làm bài hoàn thành môn học, đây còn là trải nghiệm khó quên trong đời sinh viên - Ảnh: ĐOÀN PHIM CUNG CẤP

Với Khánh Huy (đạo diễn - biên kịch phim Nội Mai), được gặp gỡ nội Mai - nhân vật chính của phim - là kỷ niệm đáng giá. 

Câu chuyện về cụ bà đã ngoài 70, ngày ngày cần mẫn bán đồ chơi ở Thảo cầm viên để nuôi 9 chú mèo đã dạy các bạn bài học về cách sống, cách đối diện với những thử thách trong đời.

Phim đầu tay của sinh viên báo chí tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc  - Ảnh 5.

Đoàn phim đã gửi cụ Mai toàn bộ số tiền thưởng từ Liên hoan Phim tài liệu sinh viên lần thứ nhất - Ảnh: ĐOÀN PHIM CUNG CẤP

"Tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc là cơ hội để người trẻ tiếp xúc, trau dồi những kỹ năng, kiến thức về truyền hình nói riêng và báo chí nói chung. Trở thành một phần của liên hoan lần này có thể xem là thành công lớn đối với tụi mình" - Huy chia sẻ.

Là sản phẩm đầu tay của sinh viên, các bộ phim không tránh khỏi thiếu sót. Nhưng Huy hi vọng góc nhìn mới và cách kể chuyện sáng tạo của người trẻ sẽ lay động trái tim khán giả.

Nhà báo - biên kịch Nguyễn Thị Minh Diệu tâm sự ngày đầu vào lớp, hỏi sinh viên về phim tài liệu, nhiều bạn khá mù mờ.

Nhưng với sức trẻ và lòng yêu nghề, các bạn đã dấn thân, học hỏi, sáng tạo để làm ra những sản phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao. Từ những trang giấy trắng, các bạn đã tự tô vẽ ước mơ làm nghề của chính mình.

"Cô đồng hành với các bạn trên từng nấc thang nghề nghiệp. Đến với sân chơi lớn, dù kết quả có thế nào thì đây vẫn là cơ hội tuyệt vời để chúng ta học hỏi, phát triển kỹ năng, tư duy làm nghề" - cô Minh Diệu nhắn nhủ.

Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 42 diễn ra từ ngày 19 đến 22-3 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Với hàng trăm tác phẩm tranh tài ở 11 thể loại, cùng các hội thảo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số, sự kiện hứa hẹn tạo nên những bứt phá, góp phần định hình tương lai của truyền hình Việt Nam.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: