Sáng kiến của hai ‘cánh én hồng’ vùng sông nước Cửu Long

Thứ bảy, 09/12/2023 21:18 (GMT+7)

Thầy Nguyễn Thành Kiệt và cô Lâm Thị Thảo Trang là hai giáo viên làm tổng phụ trách Đội vừa nhận Giải thưởng Cánh én hồng 2023 do Hội đồng Đội Trung ương trao tặng.

Kế hoạch nhỏ từ “Nhà phân loại rác” của Ba Kiệt

Nhắc tới thầy Nguyễn Thành Kiệt (giáo viên làm tổng phụ trách Đội Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ), 1 trong 20 thầy cô, anh chị phụ trách nhận giải thưởng Cánh én hồng 2023, các bạn đều gọi ngay: “Ba Kiệt”.

Sáng kiến của hai ‘cánh én hồng’ vùng sông nước Cửu Long- Ảnh 1.

Nhờ những thành tích nổi bật, "ba" Kiệt của học trò Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh đoạt Giải thưởng Cánh én hồng 2023.

Ý tưởng “Nhà phân loại rác” lóe lên từ việc thầy và các bạn thấy cụ già neo đơn phải đi nhặt từng chai, lon nhựa làm kế sinh nhai. Thầy trò quyết định đề ra mô hình làm kế hoạch nhỏ để phân loại rác trong trường và hỗ trợ cụ già nhặt rác.

“Nhà phân loại rác” chứa lon, chai nhựa; thùng đựng rác thải hữu cơ và thùng đựng ống hút, bao nilon. Ngôi nhà nhỏ được trang trí xung quanh bởi những bức tranh đạt giải ở các hội thi vẽ về môi trường, kèm khẩu hiệu tuyên truyền ý nghĩa và đẹp mắt. Nhờ vậy, ngôi nhà trông thật đáng yêu và thu hút sự quan tâm của bạn bè.

Sáng kiến của hai ‘cánh én hồng’ vùng sông nước Cửu Long- Ảnh 2.
Sáng kiến của hai ‘cánh én hồng’ vùng sông nước Cửu Long- Ảnh 3.

Mô hình Nhà phân loại rác tại Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ) - Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, để ý tưởng được thực hiện hiệu quả, ban chỉ huy liên, chi Đội được phân công sẽ sắp xếp, thu gom, hướng dẫn các bạn phân loại rác. Số tiền bán được từ lon, chai… sẽ góp nhặt làm kế hoạch nhỏ.

Từ khi thực hiện công trình, liên Đội đã tích lũy và hỗ trợ các bạn đội viên khó khăn 55 áo đồng phục, hỗ trợ cụ già neo đơn tiền mặt, quà Tết, thăm hỏi định kỳ với tổng số tiền gần 9 triệu đồng.

Bật mí về nickname “Ba Kiệt”

Năm 2012 là năm thầy làm chủ nhiệm đầu tiên. Cuối năm ấy, lớp thầy có 2 học sinh đoạt giải ba Tin học trẻ toàn quốc. Sau đó, thầy không còn làm chủ nhiệm mà được phân công làm giáo viên Tổng phụ trách Đội.

Trong một cuộc giao lưu đối thoại với học sinh giỏi cấp quốc gia với cô chú lãnh đạo, chương trình bất ngờ hỏi hai bạn ngưỡng mộ thầy cô nào nhất.

Các bạn chia sẻ đó là “Ba Kiệt - thầy chủ nhiệm của em”. Gọi là “Ba Kiệt” vì thầy quan tâm, lo lắng từng li từng tí cho “đàn con” trong lớp chẳng khác nào một người cha.

Nghe học trò bày tỏ mà lòng thầy nghẹn ngào xúc động. Đó cũng là động lực hơn 10 năm nay thầy gắn bó với nghề giáo.

Sáng kiến của hai ‘cánh én hồng’ vùng sông nước Cửu Long- Ảnh 4.

Thầy luôn quan tâm, hỏi han học sinh

“Vườn hoa yêu thương” ở Trường tiểu học Nguyễn Huệ

Gần 12 năm gắn bó với nghề, cô Lâm Thị Thảo Trang (giáo viên tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) âm thầm đóng góp nhiều đề xuất, sáng kiến cho hoạt động Đội, phong trào thiếu nhi. Trong đó phải nhắc đến mô hình Giáo dục học sinh thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy qua phong trào Vườn hoa yêu thương.

Sáng kiến của hai ‘cánh én hồng’ vùng sông nước Cửu Long- Ảnh 5.

Giây phút đăng quang Cánh én hồng của cô Thảo Trang

Mô hình thực hiện từ năm học 2016-2017 đến nay và thường bắt đầu từ tháng 10 hằng năm đến tháng 2 năm sau.

Trước khi triển khai mô hình, cô cùng các giáo viên phụ trách chi Đội sẽ nói rõ về mục đích, nội dung của hoạt động và vận động các bạn tham gia.

Chẳng những thế, thầy cô còn tận tình chia sẻ những công đoạn chi tiết trồng cây để bạn bè có thêm kiến thức thực hành về trồng trọt, từ chọn giống, gieo ươm, cấy hoa, xử lý ra hoa, phòng trừ sâu bệnh hại...

Thời gian đầu triển khai mô hình, trường có khoảng 50 chậu hoa. Từ 50 chậu của năm học 2016-2017, sang các năm sau, số lượng trồng hoa ở nhà và ở trường đã tăng lên thành 1.800 chậu, 2.500 chậu, 5.000 chậu… và đến năm học 2022-2023 là 6.000 chậu.

Sáng kiến của hai ‘cánh én hồng’ vùng sông nước Cửu Long- Ảnh 6.

10 điểm cho mô hình Vườn hoa yêu thương

Đó là biết bao công sức, tình thương của thầy và trò. Vui hơn cả khi những bài học về yêu quý lao động, về trồng trọt, về tinh thần tập thể của phong trào đã chuyển tải được đến học trò.

Cô Trang chia sẻ, việc trồng hoa vừa trang trí trường lớp, nhà cửa vừa tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể mua hoa. Chẳng hạn một chậu hoa vạn thọ, hoa cúc mua bên ngoài thị trường khoảng 40.000đ/chậu. Trong khi các bạn trồng, chăm sóc tại trường hoặc tại nhà thì chi phí khoảng 15.000đ/chậu.

Sáng kiến của hai ‘cánh én hồng’ vùng sông nước Cửu Long- Ảnh 7.

Cô Thảo Trang luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi

Nhờ những sáng kiến, mô hình của "Ba" Kiệt, cô Thảo Trang và nhiều anh chị, thầy cô phụ trách khác mà hoạt động Đội, phong trào thiếu nhi ngày càng lan tỏa và hiệu quả. Không chỉ thế, học trò có thêm nhiều kiến thức, bài học thực tế đầy bổ ích.

20 thầy cô, anh chị phụ trách nhận giải thưởng Cánh én hồng 2023

Sáng kiến của hai ‘cánh én hồng’ vùng sông nước Cửu Long- Ảnh 8.

20 thầy cô, anh chị phụ trách nhận Giải thưởng Cánh én hồng 2023

Giải thưởng Cánh én hồng là phần thưởng cao quý của Hội đồng Đội Trung ương dành cho giáo viên làm tổng phụ trách Đội xuất sắc cả nước.

Năm 2023, giải thưởng Cánh én hồng được trao cho 20 thầy cô giáo viên làm tổng phụ trách Đội xuất sắc, lựa chọn từ 63 thầy cô giáo viên làm tổng phụ trách Đội tiêu biểu trong cả nước.

Trong đó, có 1 gương của TP.HCM là thầy Trần Bá Minh (giiáo viên làm tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 12).

Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương cũng quyết định trao tặng Bằng khen cho 43 thầy cô giáo viên làm Tổng phụ trách Đội tiêu biểu toàn quốc, có nhiều đóng góp trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2022-2023.

* Ành trong bài: HỘI ĐỒNG ĐỘI TRUNG ƯƠNG, QUỐC CƯỜNG, NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: