Sáng tạo tranh vẽ từ bao ni lông, vỏ trứng

Thứ sáu, 12/07/2024 11:27 (GMT+7)

Bên cạnh màu thông thường, bao ni lông, vỏ trứng, hộp xốp cũng được các bạn trẻ sáng tạo làm chất liệu vẽ tranh.

Sáng tạo tranh vẽ từ bao ni lông, vỏ trứng- Ảnh 1.

Phúc dùng miếng xốp dán làm mặt trăng và tạo hình cánh hoa,v ỏ trứng tạo hình đám mây - Ảnh: DUY DƯƠNG

Trải nghiệm “vẽ tranh” từ chất liệu đặc biệt

Sáng cuối tuần, tại Ideation Team - workspace (quận Bình Thạnh, TP.HCM) diễn ra workshop “vẽ tranh” tái chế do Zeromaric tổ chức. Bạn Trọng Phúc (15 tuổi) đến workshop cùng chị gái là Hoài Thu (quận Bình Thạnh) với bao háo hức. Đây là lần đầu tiên cả hai tham gia “vẽ tranh” bằng chất liệu tái chế.

Bắt đầu buổi workshop, Trọng Phúc nghe giới thiệu về bộ môn nghệ thuật tái chế và hướng dẫn cách sử dụng chất liệu tái chế vào tranh. Phúc và chị gái chọn “vẽ” chung bức tranh có tông màu chủ đạo là hồng, chủ đề thiên nhiên hoa lá.

Sáng tạo tranh vẽ từ bao ni lông, vỏ trứng- Ảnh 2.

Phúc dùng bao ni lông để tạo hình lớp sương ở tiền cảnh - Ảnh: DUY DƯƠNG

Sau khi đã đi lớp màu nền trời và cây cỏ, Phúc chọn một miếng xốp hình tròn, dùng keo sữa dán lên tranh để tạo hình mặt trăng. Bạn tô thêm màu vàng để mặt trăng được hoàn thiện.

Sáng tạo tranh vẽ từ bao ni lông, vỏ trứng- Ảnh 3.

Các nguyên liệu tái chế được chuẩn bị tại workshop gồm: vỏ trứng, giấy vụn, hộp xốp, túi lưới, bao ni lông… - Ảnh: DUY DƯƠNG

Để tạo hình ảnh đám mây trắng, chị Hoài Thu đã nhanh trí dùng vỏ trứng vò nhuyễn dán lên tranh. Chị tô thêm màu trắng đè lên lớp vỏ trứng để trông đám mây có sự liên kết.

Còn Trọng Phúc cắt miếng xốp tạo hình cánh hoa, dùng keo sữa để cố định bông hoa tại những vị trí đã được dự tính từ trước. Cả hai tranh thủ tô thêm màu sắc rực rỡ lên những cánh hoa.

Sáng tạo tranh vẽ từ bao ni lông, vỏ trứng- Ảnh 4.

Trọng Phúc, Hoài Thu cùng thành quả sau 3 tiếng - Ảnh: DUY DƯƠNG

Để tạo hình ảnh lớp sương mỏng ở tiền cảnh, ban đầu hai chị em thử dùng giấy vụn để dán lên mặt tranh. Nhưng sau đó, vì cảm thấy chất liệu này khi sử dụng quá nổi bật, sẽ “chiếm spotlight” hơn cả chủ thể là cánh đồng hoa, nên cả hai đã dùng đến bao ni lông. Chất liệu này vừa tạo được độ trong suốt, vừa có sự uyển chuyển như một làn sương.

Nhưng Trọng Phúc cũng bộc bạch, so với những chất liệu khác, bọc ni lông khó sử dụng nhất. Khi dùng keo dán, chúng cứ “vô tư chạy nhảy” và khó bám dính vào mặt tranh hơn.

Cuối cùng, cả hai điểm tô lại những chi tiết nhỏ. Sau khoảng 3 tiếng, bức tranh bằng chất liệu tái chế do hai chị em “vẽ” đã hoàn thành.

Tạo giá trị mới cho rác thải

Người trực tiếp hướng dẫn workshop đồng thời là founder của Zeromaric là bạn Trần Nguyễn Lan Thanh (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM). Các chất liệu tái chế khi đưa vào sử dụng đều được bạn làm sạch bằng nước và chất tẩy rửa.

Riêng vỏ trứng, bạn phải xử lý bằng giấm chua để khử mùi tanh. Để chuẩn bị cho workshop, số lượng rác thải Thanh xử lý là khoảng 3 kg, được lấy từ các công ty, trường học.

Lan Thanh cho biết, điểm đặc biệt của chất liệu tái chế là tạo được độ gồ ghề cho tranh. Bên cạnh đó, khi sử dụng chất liệu này đòi hỏi sự sáng tạo, tính toán của người “vẽ” để đưa vào tranh một cách hợp lý nhất.

Cơ duyên ra đời Zeromaric là vào tháng 5-2024, Thanh được một người bạn nhờ thiết kế sản phẩm từ đồ tái chế. Thế là Thanh nghiên cứu dòng tranh tái chế và ngạc nhiên khi bản thân có thể tạo ra giá trị nghệ thuật từ những vật dụng tưởng chừng như bỏ đi.

Cũng trong tháng 5, Thanh đã mở một triển lãm nhỏ giới thiệu 12 bức tranh tái chế do bạn và cộng sự thực hiện. Triển lãm đã nhận về phản hồi tích cực từ mọi người, trong đó 80% tranh được bán đấu giá.

Thanh cũng bộc bạch, trước đây bạn vốn không phải là một người theo lối sống xanh. Nhưng cho tới gần đây, khi được tìm hiểu về nghệ thuật tái chế và nhận thấy tác hại xấu từ rác thải nhựa ra môi trường, tới một thời điểm hành vi của Thanh đã thay đổi.

Sáng tạo tranh vẽ từ bao ni lông, vỏ trứng- Ảnh 7.

Lan Thanh tại workshop - Ảnh: DUY DƯƠNG

Từ đó Thanh hạn chế sử dụng nhựa. Như việc mỗi lúc đi chợ, cô bạn đều mang theo túi vải để đựng đồ. Hay mỗi khi đi cà phê, cô bạn sẽ trả lại ống hút nhựa cho quán. Ở nhà Thanh đều tranh thủ rửa sạch đồ nhựa, vỏ trứng đã sử dụng, cho vào một góc riêng để góp cho mỗi buổi workshop.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: