Sau sáp nhập, tỉnh nào có Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc?

Thứ năm, 10/07/2025 17:23 (GMT+7)

Sau ngày 1-7, Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang cũ) thuộc xã Lũng Cú của tỉnh Tuyên Quang sau khi sáp nhập hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Sau sáp nhập, tỉnh nào có Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc?- Ảnh 1.

Khung cảnh bình yên cuối chiều từ cung đường Hà Giang (nay là tỉnh Tuyên Quang) - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Vùng đất cách mạng với những địa điểm du lịch nổi tiếng - Tuyên Quang và miền cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc - Hà Giang khi kết hợp sẽ mang đến tiềm năng phát triển du lịch lớn cho tỉnh Tuyên Quang sau sáp nhập.

1. Cột cờ Lũng Cú

Để lên được đỉnh cột cờ Lũng Cú ở đỉnh núi Rồng, bạn phải vượt qua 839 bậc thang. Trong đó, chặng đầu gồm 425 bậc đá từ chân núi đến nhà chờ. Chặng thứ 2 gồm 279 bậc đá từ nhà chờ lên đến chân cột cờ. Chặng thứ ba là 135 bậc bằng thép nằm trong lòng cột cờ.

Sau sáp nhập, tỉnh nào có Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc?- Ảnh 2.

Cột cờ Lũng Cú - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau 196 ngày thi công, cột cờ quốc gia Lũng Cú đã hoàn thành và cắt băng khánh thành vào ngày 25-9-2010.

Cột cờ nằm ở độ cao 1.470m so với mực nước biển; được xây dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội, tổng chiều cao 34,85m. Lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em.

Phần thân cột được thiết kế theo hình bát giác, gắn 8 hình trống đồng và 8 bức phù điêu bằng đá xanh minh họa.

2. Dinh thự họ Vương (Dinh Vua Mèo)

Dinh thự Vua Mèo đã được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 1993. Dinh thự rộng hơn 1.200m2 trên diện tích khoảng 3.000m2 và hiện thuộc xã Lũng Phìn, tỉnh Tuyên Quang.

Sau sáp nhập, tỉnh nào có Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc?- Ảnh 3.

Cổng vào Dinh thự họ Vương - Ảnh: T.ĐIỂU

Căn nhà cổ này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành).

3. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang cũ) có tổng diện tích 2.356km2. Địa hình nơi đây bị chia cắt mạnh, có nhiều núi cao hiểm trở và nhiều thung lũng sâu, độ cao trung bình từ 1000 - 1600m so với mặt nước biển.

Ngày 3-10-2010, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.

Sau sáp nhập, tỉnh nào có Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc?- Ảnh 5.

Sông Nho Quế nhìn từ Mã Pì Lèng - Ảnh: N.Bình

Khi đến đây, du khách có thể trải nghiệm 4 tuyến du lịch: Hành trình lên nơi khởi nguồn sự sống; Giai điệu cuộc sống trên miền đá; Hành trình tới tự hào và hạnh phúc; Hành trình đến với tương lai xanh. 

Các tuyến này sẽ đưa bạn đi qua những điểm di sản như cổng trời Quản Bạ, núi đôi Cô Tiên, phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, điểm dừng chân Mã Pì Lèng,...

Ngoài ra, bạn không thể bỏ lỡ vẻ đẹp của sông Nho Quế khi đến khu vực này. Sông bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) và chảy trên dải đất Việt Nam khoảng 46 km, qua lớp đá tai mèo của hệ thống Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. 

Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp khu vực sông Nho Quế là Di tích danh lam thắng cảnh Việt Nam.

4. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào

Khu di tích lịch sử Tân Trào nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Tuyên Quang (cũ) với tổng diện tích tự nhiên 530,9 km². 

Đây là nơi ghi dấu những sự kiện trọng đại của đất nước trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau sáp nhập, tỉnh nào có Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc?- Ảnh 6.

Đình Tân Trào - Ảnh: BAN QUẢN LÝ CÁC KHU DU LỊCH TỈNH TUYÊN QUANG

Trong số 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu có thể kể đến Cụm di tích Nà Lừa (lán Nà Lừa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945); di tích cây đa Tân Trào; đình Tân Trào; di tích hầm và lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng;...

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Tân Trào là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).

5. Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang cũ)

Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình có diện tích lên đến hơn 15.000 ha, trong đó có hơn 8.000 ha bao phủ bởi nước.

Sau sáp nhập, tỉnh nào có Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc?- Ảnh 7.

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình - Ảnh: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Khi đến đây, du khách có thể khám phá hồ thủy điện Tuyên Quang từng gọi là thủy điện Na Hang với nhiều động thực vật quý hiếm (hơn 40 loài thú, 70 loài chim, nhiều loài bò sát, thực vật quý hiếm).

Ngoài ra, bạn còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cọc Vài Phạ; thác Pắc Ban (Thác Mơ); khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung hay những ngọn thác hùng vĩ như thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me; hang Phia Vài nơi còn lưu giữ dấu tích người Việt cổ…

Sau sáp nhập, toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang được sắp xếp thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tuyên Quang.

Tỉnh Tuyên Quang mới có diện tích tự nhiên là 13.795,50km2, quy mô dân số là 1.865.270 người. Toàn tỉnh có 124 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 117 xã và 7 phường.

Tỉnh giáp các tỉnh như Cao Bằng, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên và Trung Quốc. Trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang trước đây. Biển số xe Tuyên Quang sau sáp nhập là 22, 23.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: